Nghị định 15 vừa có hiệu lực, doanh nghiệp lại 'than' vì hàng hóa ách tắc

author 11:30 19/03/2018

(VietQ.vn) - Doanh nghiệp tiếp tục có kiến nghị về việc hàng hóa bị ách tắc ở cửa khẩu hải quan do sự thiếu thống nhất trong quy định kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu.

Sự kiện: Rào cản thương mại và hội nhập

Theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 2/2 thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, nhiều thủ tục hành chính đã được cắt giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Cụ thể, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đã cắt giảm nhiều thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh, sản xuất nhưng không buông lỏng công tác quản lý an toàn thực phẩm.

Trong đó có việc mở rộng diện không cần kiểm tra đối với các sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; sản phẩm tạm nhập khẩu để bán tại các cửa hàng miễn thuế; hay sản phẩm nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công nội bộ trong cơ sở. Phương thức kiểm tra các sản phẩm nhập khẩu giảm nhiều so với Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, chỉ kiểm tra hồ sơ tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng 1 năm do cơ quan hải quan lựa chọn ngẫu nhiên.

Bên cạnh đó, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP cũng giao cho các doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm đối với các sản phẩm do mình sản xuất. Việc hậu kiểm thay cho việc tiền kiểm như trước đây. Các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, các cơ sở sơ chế sản phẩm ban đầu, các nhà hàng, cửa hàng ăn uống… sẽ không phải xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm mà được quyền tự công bố và chịu trách nhiệm.

Các doanh nghiệp tự công bố sản phẩm của mình và nộp 1 bản đến cơ quan quản lý nhà nước. Ngay sau khi tự công bố, doanh nghiệp được sản xuất, kinh doanh và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó. Cơ quan nhà nước sẽ tăng cường hậu kiểm. So với quy định cũ, sẽ có tới 75% sản phẩm bao gói sẵn trên thị trường sẽ được tự công bố sản phẩm.

Hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp hiện đang bị ách tắc do sự thiếu thống nhất trong kiểm tra sản phẩm nhập khẩu. Ảnh: Tạp chí Tài chính 

Mặc dù Nghị định 15/2018 đã có hiệu lực hơn 1 tháng, nhưng một vấn đề vướng mắc mới nảy sinh được các doanh nghiệp kiến nghị là nhiều cục hải quan vẫn chưa có sự thống nhất về những sản phẩm, nguyên liệu nhập khẩu được miễn kiểm tra. Với quy định chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, Nghị định 15 cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm thực phẩm được xem như cuộc cách mạng về cải cách thủ tục hành chính. Theo tính toán của VCCI, Nghị định có thể giúp giảm trên 90% chi phí hành chính, giúp tiết kiệm 10 triệu ngày công, 3.700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh việc nhập khẩu nguyên liệu vẫn còn gặp ách tắc ở khâu hải quan. Theo Nghị định 15, nhiều mặt hàng cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm như: thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa dựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Ngoài ra còn có nhóm nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Vũ Hoài Phương - phụ trách pháp lý Công ty Suntory Pepsico Việt Nam, các cục hải quan vẫn không thống nhất trong cách hiểu về quy định miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu. Theo Nghị định, sản phẩm, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công sẽ được miễn kiểm tra dù đầu ra để xuất khẩu hay phục vụ sản xuất nội bộ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp làm thủ tục nhập nguyên liệu, qua hải quan Đà Nẵng giải thích chỉ có nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu mới được miễn kiểm tra.

Như vậy, không chỉ hải quan Đà Nẵng, rất nhiều doanh nghiệp cũng đang gặp phải trường hợp tương tự như Công ty Suntory Pepsico Việt Nam. Tập hợp các kiển nghị của hội viên, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam - Trần Quang Trung cho biết, không riêng hải quan Đà Nẵng, mà cả hải quan Đồng Nai và TP HCM cũng đang mâu thuẫn về cách hiểu sản phẩm được miễn kiểm tra. Điều này khiến nhiều hàng hàng nhập khẩu của doanh nghiệp còn kẹt ngoài cảng, ách tắc hàng từ trước Tết đến giờ.

Bà Lê Nguyễn Việt Hà - Phó Trưởng phòng Phòng Giám quản 1, Tổng cục Hải quan cho biết, trong trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa để tiêu dùng, hàng kinh doanh thương mại đơn thuần, nhập nguyên liệu đầu vào trong hoạt động sản xuất, miễn không phải hàng nhập khẩu để tiêu dùng, sử dụng để kinh doanh thì sẽ nghiễm nhiên được miễn việc đăng ký kiểm tra về mặt nhà nước và được tự công bố sản phẩm.

Cũng theo bà Hà, Tổng cục Hải quan đã phổ biến thống nhất đến hải quan các tỉnh thành về quy định này. Tuy nhiên thực tế, bản thân ngành hải quan gặp không ít lúng túng khi triển khai nghị định này. Chẳng hạn, với các sản phẩm đã có giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm, nếu yêu cầu xuất trình giấy này thì vô tình nảy sinh thêm thủ tục hành chính. Nhưng nếu không yêu cầu, thì hải quan không chứng minh được hồ sơ đó đã có giấy tiếp nhận này.

Phong Lâm

Nghị định 15 và những điều doanh nghiệp cần 'khắc cốt ghi tâm' (VietQ.vn) - Nghị định 15/2018/NĐ-CP có nhiều thay đổi mới trong xác nhận công bố sản phẩm, doanh nghiệp cần hết sức lưu ý.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang