Nghị định xóa sổ bia vỉa hè: Liệu có khả thi?

author 06:44 07/09/2014

(VietQ.vn) - Việc thực hiện nghị định cấm bán bia ở vỉa hè của Bộ Công thương liệu có khả thi trong khi vẫn còn quá nhiều khó khăn để thực hiện và đưa nó vào thực tiễn?

Hết tính chuyện cấm uống bia rượu sau 22 h, giờ lại đến dự thảo cấm bán bia vỉa hè, trong khi phương Tây họ vẫn bán. Lạ thay, chính đơn vị soạn thảo cũng biết là khó thực hiện, nhưng vẫn muốn đưa vào.

Theo dự thảo của Bộ Công thương, việc kinh doanh bia qua máy bán hàng tự động hoặc qua phương thức thương mại điện tự; hay tại các địa điểm trường học, bệnh viện, công sở, vỉa hè đều là không hợp pháp.

Do đó, nếu dự thảo này được thông qua, các cơ sở kinh doanh bia sẽ không được bán sản phẩm bia cho người có biểu hiện say bia, say rượu; cho phụ nữ có thai hoặc trong thời gian đang cho con bú; cho người đang có bệnh lý về lạm dụng sử dụng bia, rượu. Đồng thời, các thương nhân kinh doanh sản phẩm bia không những không được bán bia cho người dưới 18 tuổi mà còn không được sử dụng lao động dưới 18 tuổi phục vụ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh bia.

Ngoài ra, việc sản xuất, mua bán, tiêu thụ bia nhập lậu, sản phẩm giả, nhái nhãn mác, kiểu dáng, không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng theo các quy định; hay dây chuyền máy móc, thiết bị, quy trình công nghệ sản xuất bia không có nguồn gốc hợp pháp...đều là những hành vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt nghiêm túc.

 

Theo dự thảo nghị định quản lý sản xuất, kinh doanh bia do Bộ Công thương đưa ra, tới đây sẽ cấm bán bia trên vỉa hè.

 

Theo dự thảo nghị định quản lý sản xuất, kinh doanh bia do Bộ Công thương đưa ra, tới đây sẽ cấm bán bia trên vỉa hè. Ảnh: Vietnamnet

Dự kiến nghị định này sẽ được ban hành vào năm nay với khá nhiều điều khoản khá táo bạo. Độ phủ của Nghị định khá rộng, bao gồm các quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh bia bao gồm các hoạt động sau: đầu tư, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán và các hoạt động khác liên quan đến sản xuất, kinh doanh bia; áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh bia và các hoạt động khác liên quan đến sản xuất, kinh doanh bia trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo đó, dựa vào tính chất và mức độ vi phạm, các tổ chức, cá nhân có thể sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường.

Tuy nhiên, liệu những quy định trên có khả thi? Đặc biệt, với tình trạng kinh doanh bia vỉa hè cũng như thói quen uống bia vỉa hè của người dân phổ biến ở các đô thị lớn, kéo dài hàng chục năm qua. Vậy liệu các cơ quan chức năng có dễ dàng thay đổi được “tập quán” này?

 

Uống bia vỉa hè gần như thành một nét văn hóa của người phố cổ.

Uống bia vỉa hè gần như thành một nét văn hóa của người phố cổ. Ảnh: Zing News

Theo ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), đơn vị tham mưu soạn thảo nghị định, đúng là việc xác định người nào có biểu hiện say bia, say rượu, phụ nữ có thai hoặc trong thời gian đang cho con bú đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Hiện chưa có quy định hay quy chuẩn cụ thể để nhận biết, xác định. Vì thế, việc nghị định trên của Bộ Công thương có thực hiện được hay không là phụ thuộc vào ý thức tự giác từ người bán và người mua. Không chỉ ở Việt Nam, các nước cũng rất khó giám sát và áp dụng các chế tài đi kèm đối với việc này.

Hay đối với quy định cấm kinh doanh bia trên vỉa hè, ông Dũng cũng cho rằng đây là vấn đề không đơn giản. Bởi, các nước văn minh vẫn cho phép bán bia vỉa hè, nhưng tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và dành không gian cho người đi bộ.

 

Phố Tạ Hiện (khu vực phố cổ Hà Nội) sầm uất với hoạt động kinh doanh bia cỏ trên vỉa hè, thu hút đông đảo khách du lịch nước ngoài.

 

Phố Tạ Hiện (khu vực phố cổ Hà Nội) sầm uất với hoạt động kinh doanh bia cỏ trên vỉa hè, thu hút đông đảo khách du lịch nước ngoài. Ảnh: Dân trí

Ông Dũng lý giải thêm, rằng thực tế ở nước ta, kinh doanh vỉa hè còn nhếch nhác, mất vệ sinh và mỹ quan đô thị, thậm chí còn gây mất an ninh trật tự,... nên cần đưa vào quy định. Tuy nhiên, bản thân ông cũng nhận thấy quy định này rất khó thực hiện. Trước đây, Việt Nam cũng đã có quy định cấm bán rượu bia ở đường giao thông, bến xe,... nhưng ít khả thi.

Ông Dũng cho hay, các quy định trên mới là dự thảo, mới dừng ở ý tưởng, cần lấy ý kiến của nhiều phía, trong đó có người dân. Trên tinh thần ấy, “có thể sau khi tham khảo, quy định này sẽ được đưa ra khỏi dự thảo nghị định và thay vào đó là đưa ra bộ quy chuẩn mới về kinh doanh vỉa hè để có hành lang pháp lý trong công tác quản lý, xây dựng đô thị văn minh hơn” - ông Dũng cho hay.

Cũng theo tờ trình của Bộ Công Thương, nghị định trên nếu ra đời sẽ giúp Nhà nước quản lý tốt hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh đối ngành bia, mang lại những tác động tích cực đối với xã hội, như giảm thiểu tác động xấu tới sức khỏe của người sử dụng, đảm bảo trật tự an ninh,... Thị trường bia nếu được quản lý tốt (từ sản xuất, kinh doanh đến tiêu dùng) sẽ tạo công ăn việc làm, mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách...

Ngoài ra, Bộ Công Thương ước tính, sau khi nghị định có hiệu lực, thuế thu về cho ngân sách nhà nước ước tính tăng thêm khoảng 3.150 tỷ đồng/năm. Phí để thực hiện việc cấp giấy phép sản xuất bia ước tính 3,5 tỷ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, nếu mục đích của cơ quan quản lý là nâng cao ý thức, giáo dục cho người dân tự giác thực hiện, như mong muốn của nhà làm chính sách, thì liệu có cần luật hóa hay chỉ nên đưa vào chương trình tuyên truyền và giáo dục trong nhà trường, cộng đồng?

Nguyễn Dung (T/h)


 


 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang