Nghịch lý 30 điểm vẫn trượt đại học: Chuyên gia giáo dục nói gì?

author 16:53 02/08/2017

(VietQ.vn) - Các chuyên gia, nhà giáo đã lên tiếng giải thích những nghịch lý của việc thí sinh thi đại học năm nay đạt 30 điểm vẫn trượt đại học.

Sự kiện: Kỳ thi THPT Quốc gia 2017

Nhiều thí sinh điểm cao vẫn trượt vì tiêu chí phụ

Vietnamnet thông tin, sau khi các trường công bố điểm trúng tuyển, đã xuất hiện những thí sinh có điểm thi cao hơn mức điểm chuẩn nhưng vẫn trượt.

Chẳng hạn thí sinh V.H.H. (TP.HCM) có điểm thi là 29,35 điểm nhưng vẫn trượt nguyện vọng vào ngành Y đa khoa của Trường ĐH Y dược TP.HCM, dù điểm chuẩn của ngành này là 29,25.

Nguyên nhân là do theo quy tắc làm tròn điểm, điểm để xét tuyển của H. được làm tròn là 29,25 điểm (do em khu vực 3 nên không có điểm ưu tiên), bằng mức trúng tuyển của trường.

 Nhiều thí sinh thi đại học năm nay vẫn trượt dù điểm vượt điểm chuẩn. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, theo quy định, nếu số lượng thí sinh có điểm bằng mức điểm chuẩn vượt quá chỉ tiêu thì trường sẽ áp dụng tiêu chí phụ để loại bớt thí sinh, đảm bảo chỉ tiêu.

Tiêu chí phụ ưu tiên số 1 mà Trường ĐH Y dược TP.HCM đặt ra là điểm môn ngoại ngữ từ 9 trở lên, nhưng H. chỉ đạt 8,8 điểm môn Tiếng Anh nên không đỗ.

H. cho rằng, nếu chỉ tính điểm gốc, chưa làm tròn thì điểm của em cao hơn mức điểm chuẩn của trường và em sẽ đỗ, nhưng vì làm tròn nên cuối cùng em lại trượt. Còn những bạn có điểm thi thật thấp hơn lại vẫn đỗ.

Theo Phụ nữ Việt Nam, đến tận bây giờ, thí sinh N.P.H vẫn chưa tin là mình trượt nguyện vọng (NV) 1 vào ngành Y Đa khoa, ĐH Y Hà Nội do thiếu đúng 0,05 điểm và không đáp ứng được tiêu chí phụ của ĐH Y Hà Nội.

Kỳ thi THPT quốc gia, nam sinh đạt số điểm lần lượt là Toán 9,4; Hóa 9,75; Sinh 10. Do thuộc khu vực 3, em không có điểm cộng ưu tiên, tổng điểm của H. là 29,15 (làm tròn thành 29,25).

Với mức điểm này, H. đủ điểm chuẩn vào ngành Y Đa Khoa. Tuy nhiên, khi xét tiêu chí phụ, H. lại trượt tiêu chí số một: Điểm xét tuyển chưa làm tròn. Các tiêu chí sau ưu tiên lần lượt: Điểm Toán, điểm Sinh và thứ tự nguyện vọng.

Điều khiến nam sinh bức xúc là tiêu chí phụ số một ưu tiên điểm xét tuyển chưa làm tròn có công thức tính: Tổng điểm 3 môn Toán, Hóa, Sinh (không nhân hệ số, làm tròn) + Điểm ưu tiên + Điểm khuyến khích.

“Điểm của em là điểm học thật, không có điểm ưu tiên, nhưng cuối cùng lại thua các bạn có điểm ưu tiên. Có những bạn chỉ đạt 25,75 điểm; thêm 3,5 điểm ưu tiên là thành 29,25 điểm lại đỗ” - nam sinh cho hay.

Trước khi điều chỉnh NV, thứ tự NV ưu tiên của N.P.H lần lượt là Học viện Quân y (hệ quân sự), ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Thái Bình, Học viện Quân y (hệ dân sự).

Tuy nhiên, khi thấy điểm khá cao, em mạnh dạn thay đổi NV1 lên thành ngành Y Đa khoa - ĐH Y Hà Nội, NV2 là Học viện Quân y (hệ dân sự). Để có sự thay đổi này, H đã phải đấu tranh rất nhiều với gia đình vì mong muốn lớn nhất của em là được học trong môi trường của ĐH Y Hà Nội.

Điều cay đắng nhất mà H chia sẻ là đây là năm thứ hai em thi đại học. Chỉ thiếu 0,05 điểm và mất hoàn toàn cơ hội vào trường Y - ước mơ cháy bỏng từ bé, với em là điều quá đau đớn.

Điểm cao vượt điểm chuẩn vẫn trượt đại học: Chuyên gia nói gì?

Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Đảm bảo chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết việc ở một số ngành lớn thí sinh có mức điểm xét tuyển bằng nhau rất nhiều là điều đã được dự đoán trước. Vì vậy, Bộ đã có hướng dẫn các trường đề xuất tiêu chí phụ là điểm 3 môn không làm tròn.

Rất nhiều trường đã đưa ra tiêu chí phụ này. Tuy nhiên, cũng có những trường không sử dụng tiêu chí phụ là điểm 3 môn chưa làm tròn mà thay vào đó là một tiêu chí phụ khác, như trường hợp của Trường ĐH Y dược TP.HCM là điểm môn Tiếng Anh.

"Đây là quyền tuyển sinh của trường, và không phải trường không có lý khi nói rằng họ chỉ cần ưu tiên điểm một môn nào đó hơn là chỉ chênh lệch nhau 0,2 điểm" - ông Nghĩa nói.

Trả lời câu hỏi của VietNamNet rằng liệu quy định làm tròn điểm tới 0,25 điểm có khiến thí sinh bị thiệt thòi hay không khi điểm thi thực của các em cao hơn điểm chuẩn mà vẫn không đỗ, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), cho rằng quy định này đã có từ nhiều năm nay và không có ý kiến gì khác từ thí sinh hoặc các trường.

Còn theo Zing, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Đại học FPT, cho rằng về nguyên tắc, điểm chuẩn chỉ dừng lại ở mức tối đa 30. Trường hợp lấy điểm chuẩn là 30,25 hay 30,5 như năm nay có thể xảy ra việc thí sinh đạt điểm tối đa nhưng trượt đại học. Điều này tạo nên bức tranh… "tương đối buồn cười".

Choáng ngợp trước tài sản của đại gia Trầm Bê: Bệnh viện, 'lâu đài' và còn gì nữa?(VietQ.vn) - Trước khi bị bắt, đại gia Trầm Bê từng rất nổi tiếng bởi số tài sản riêng khổng lồ, trong đó có một tòa lâu đài ngất ngưởng ở Trà Vinh.

“Quy chế của Bộ GD&ĐT ghi điểm ưu tiên là điểm để cộng thêm khi xét tuyển. Ví dụ, điểm chuẩn vào một trường chỉ tối đa ở mức 30. Khi đó, những thí sinh dưới 30 điểm nhưng có điểm ưu tiên cộng thêm bằng hoặc hơn 30 điểm cũng được xem xét. Tuy nhiên, một số trường lại cộng thêm điểm ưu tiên cho các thí sinh, rồi suy ra điểm chuẩn là 30,5", TS Tùng phân tích.

Cũng theo ông Tùng, trường hợp nếu lấy thí sinh 30 điểm mà vượt quá chỉ tiêu, trường đó nên lấy thêm và năm sau giảm xuống. Đó là cơ hội để có nhiều thí sinh giỏi. Đào tạo là cả quá trình, chênh lệch một năm không phải quá lớn.

“Nếu tôi là hiệu trưởng của trường đó, tôi rất vui sướng khi có thể 'ôm' tất cả thí sinh điểm cao. Điều này giải quyết riêng được cho bài toán tuyển sinh năm 2017, tránh trường hợp thí sinh 30 điểm vẫn trượt đại học, ngành yêu thích”, TS Tùng nêu ý kiến.

Zing dẫn lời thầy Vũ Khắc Ngọc - giáo viên nhiều năm gắn bó với công tác luyện thi đại học - cho biết những ngày qua, ông nhận được hàng chục tin nhắn của học sinh “tức tưởi” trượt nguyện vọng một, dù đạt 28, 29 điểm.

Giáo viên này cho rằng việc cộng điểm ưu tiên khu vực là chính sách tốt, cần duy trì, nhưng nên giảm số điểm cộng còn một nửa để tạo sự công bằng. Hiện tại, công thức của Bộ GD&ĐT là cộng 0,5 điểm với khu vực 2, một điểm với khu vực 2 nông thôn và 1,5 điểm với khu vực một. Mức cộng điểm ưu tiên không quá 3,5 điểm.

Ngoài những băn khoăn về điểm cộng ưu tiên, thầy Vũ Khắc Ngọc nhận định chưa bao giờ tiêu chí phụ lại rối loạn, giống ma trận như năm nay.

“Một số trường thông báo trước nhưng thực tế không thể ngờ mức tiêu chí phụ lại cao như vậy”, giáo viên này nói.

Thầy Vũ Khắc Ngọc đề xuất từ năm sau, Bộ GD&ĐT nên đặt ra các nguyên tắc nhất định khi đưa tiêu chí phụ, tránh tình trạng cùng một nhóm ngành đào tạo ở các trường lại có tiêu chí phụ khác biệt.

Lâm Anh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang