Nghịch lý giá sữa Việt Nam - Trung Quốc

author 06:08 12/07/2013

(VietQ.vn) - Cùng những dòng sản phẩm nhưng giá sữa bột Trung Quốc giảm mạnh, ở Việt Nam giá sữa vẫn cao.

Sữa bột ở Trung Quốc giảm giá mạnh

Lý do khiến giá sữa bột tại Trung Quốc sẽ giảm mạnh là do phía Chính phủ Trung Quốc đã khởi động chương trình điều tra giá sữa bột của các doanh nghiệp.

Cùng công thức của những sản phẩm sữa như thế này nhưng sản phẩm ở thị trường Trung Quốc giá thấp hơn so với Việt Nam. Ảnh minh họa
Cùng công thức của những sản phẩm sữa như thế này nhưng sản phẩm ở thị trường Trung Quốc giá thấp hơn so với Việt Nam. Ảnh minh họa

Khi có chương trình điều tra giá, ngay lập tức, Abbott Laboratories (ABT) – hãng sữa lớn thứ 4 tại Trung Quốc thông báo sẽ giảm 12% giá sữa công thức cho trẻ em. Các sản phẩm Abbott sẽ giảm giá bao gồm các nhãn hiệu Similac và Pediasure.

Một số hãng sữa ngoại khác cũng tại Trung Quốc như Abbott Park, công ty liên doanh Nestle SA (NESN), hãng sản xuất Royal FrieslandCampina NV đang điều chỉnh giảm giá bán sản phẩm cũng do hệ lụy cơ quan chức nang Trung Quốc bắt đầu điều tra giá sữa bột.

Đặc biệt, hãng Biostime có trụ sở ở Quảng Châu - hãng “có thể bị cáo buộc” vi phạm luật chống độc quyền - đang giảm 11% giá cho các sản phẩm sữa công thức cho trẻ em thông qua hình thức thưởng điểm, bắt đầu tư hôm qua 10/7/2013.

Theo Nhân Dân nhật báo, bằng chứng về việc các công ty sữa bán sản phẩm với giá cao tại Trung Quốc và giá đã tăng khoảng 30% kể từ năm 2008 – thời điểm xảy ra vụ việc sữa bột nhiễm melamine làm 6 trẻ em bị thiệt mạng.

Trong xu hướng giảm giá sữa bột ở Trung Quốc đang diễn ra, hãng Danone và Nestle giảm giá mạnh, giảm khoảng 20%. Hãng Công ty Thương mại và Công nghiệp Beingmate Chiết Giang cũng sẽ giảm 20% giá sữa để tăng sức cạnh tranh và giành thêm thị phần.

 Việt Nam sữa liên tục tăng giá

Giá các mặt hàng sữa bột, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung của các doanh nghiệp liên tục được tiêu chỉnh tăng. Thậm chí, cùng một dòng sản phẩm nhưng tại 2 cửa hàng giá lại chênh lệch nhau khá lớn.

Theo nhiều người tiêu dùng tại TP.HCM phản ánh, giá bán sản phẩm sữa giữa các cửa hàng, đại lý, siêu thị chênh lệch khá rõ, dao động 5.000-15.000 đồng/hộp, thậm chí là 60.000 đồng/hộp.

Cụ thể như mua hộp sữa Frisolac Gold số 1 tại cửa hàng gần nhà giá là 460.000 đồng nhưng sau đó đi siêu thị thấy giá là 527.000 đồng/hộp. Tương tự, mua hộp sữa DuchtLady 123 loại 1,5 kg ở cửa hàng giá 350.000 đồng/hộp nhưng thấy siêu thị bán 419.000 đồng/hộp.

Lần nào điều chỉnh giá sữa, các doanh nghiệp lại vin cớ, giá nguyên liệu cao, chi phí vận tải tăng, đầu tư vào sản xuất bao bì lớn.

Giá sữa tăng cao khiến cơ hội dùng sữa của người tiêu dùng giảm mạnh. Ảnh minh họa
Giá sữa tăng cao khiến cơ hội dùng sữa của người tiêu dùng giảm mạnh. Ảnh minh họa

Ông Vũ Gia Khuyến - Giám đốc Công ty 3A, đơn vị phân phối độc quyền nhãn hiệu sữa Abbott tại Việt Nam cho rằng, giá bán sản phẩm sữa tại các cửa hàng rẻ hơn, một số công ty sữa cho biết lý do là cửa hàng có chiết khấu nhiều hơn, không tốn nhiều chi phí về thuế, quầy kệ… như tại siêu thị. Giá cả còn do sự thỏa thuận giữa nhà phân phối với đại lý, các công ty sữa không thể quản lý việc này và việc mua hay không, mua ở nơi nào là quyết định của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, một số chuyên gia marketing ngành hàng tiêu dùng cho rằng các công ty sữa vẫn có thể kiểm soát giá để bảo vệ thương hiệu của mình.

Chỉ tính trong quý I năm 2013 các công ty sữa đã ba lần tăng giá, với mức tăng từ 5-15%. Mở đầu đợt tăng giá sữa trong năm 2013 là việc sữa Dumex tăng giá.

Cụ thể giá các loại sản phẩm Dumex Gold với mức tăng từ 8,5-9%. Tiếp theo là Công ty Friesland Campina Việt Nam điều chỉnh tăng giá một số sản phẩm sữa Friso và Dutch Lady tăng từ 8-9%. Hãng sữa Mead Johnson điều chỉnh tăng giá 10%; hãng sữa Abbott cũng tăng giá từ 2-9% cho các sản phẩm sữa. Nutifood tăng giá trung bình 10%. Gần đây nhất đầu tháng 4 này hãng sữa Nestlé tăng giá 8-9%.

Theo Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công Thương), một nghịch lý là mặc dù sữa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm rất mạnh vào những tháng đầu năm 2012, từ 750-1.288 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2011 nhưng gần như không có doanh nghiệp sữa nào điều chỉnh giảm giá, thậm chí vẫn có tới 3 doanh nghiệp tăng giá bán sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, mức tăng từ 9%-15%. Nay giá thế giới mới tăng nhẹ, nhiều hãng sữa đã tăng giá khiến người tiêu dùng không khỏi bức xúc.

Qua tính toán, khảo sát một số cơ quan cho thấy giá bán sữa ở Việt Nam đang gấp đôi giá vốn, phần chệnh lệch hưởng lợi rơi vào khâu chiết khấu, tiếp thị, quảng cáo, tiền lương và một số chi phí khác... Ngoài ra, không loại trừ có sự chuyển giá trong giá sữa.

Theo các chuyên gia kinh tế, trước những diễn biến như nói trên ở hai thị trường Việt Nam và Trung Quốc, các cơ quan chức năng cần vào cuộc, rà soát, thanh kiểm tra, đánh giá giá trị thực của sản phẩm sữa và đưa giá sữa về đúng như giá trị của nó, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng trong nước.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Công Thương) cho biết sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi có trong danh mục bình ổn giá, khi tung các sản phẩm mới ra thị trường, hay khi các sản phẩm có sự điều chỉnh giá các mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi thì doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký giá.

Về nguyên nhân chỉ có sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi mới phải đăng ký giá, theo ông Tuấn, do mặt hàng này chiếm tới 90% thị phần sữa bột nhập khẩu và là mặt hàng chủ yếu gây biến động giá trong thời gian qua. Các doanh nghiệp trước khi bán mặt hàng này lần đầu, hay thực hiện điều chỉnh giá bán đều phải đăng ký và kê khai giá với cơ quan quản lý giá.

 Hồng Anh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang