Nghịch lý thừa đơn hàng, thiếu nguyên liệu dệt may xuất khẩu

author 09:13 29/10/2013

Trong bối cảnh tiêu dùng vẫn đang khá ảm đạm, XK dệt may trở thành ngành có nhiều khởi sắc khi đơn hàng các DN nhận được đều gia tăng. Tuy nhiên, tình trạng bị phụ thuộc vào việc NK nguyên phụ liệu sản xuất đã khiến cho không ít DN trong ngành lo lắng trước nguy cơ bị “vỡ” đơn hàng do nguồn cung nguyên liệu giảm.

Một DN sản xuất sợi và khăn XK tại Thái Bình chia sẻ, DN đã nhận được đơn hàng đến quý II năm sau, thế nhưng tình trạng thiếu nguyên liệu cho sản xuất đã khiến ban lãnh đạo công ty mất ăn mất ngủ cả tháng nay để lo tìm nguồn cung ứng đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất.

Căng thẳng nguồn cung

Theo lãnh đạo DN trên, giá bông nguyên liệu tăng cùng nguồn cung ứng các nguyên phụ liệu cho sản xuất dệt may bị chậm lại đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ giao hàng và hoạt động sản xuất. Với nguồn hàng dự trữ được hơn 1 tháng sản xuất, DN này đang ráo riết đi tìm nguồn cung nguyên liệu cho các tháng tới để kịp tiến độ giao hàng. Tuy nhiên, tình hình cũng không mấy khả quan do thị trường dệt may khởi sắc trở lại, đơn hàng gia tăng đã khiến cho lượng đơn hàng mà các nhà sản xuất đặt mua tăng lên và nhà cung ứng không đáp ứng được nhu cầu thị trường.

“Nguồn cung nguyên phụ liệu cho sản xuất thiếu hụt đã khiến cho giá tăng lên từ 10 - 15%, thậm chí có nguyên liệu phải mua với giá tăng khoảng 20% nhưng vẫn phải chấp nhận để đảm bảo sản xuất, đáp ứng giao hàng cho đối tác. Với nhu cầu cung ứng trong nước rất hạn chế, chủ yếu là phụ thuộc NK, chúng tôi đã phải lùng sục khắp các thị trường có nguồn cung lớn như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… song vẫn rất nan giải”, vị lãnh đạo trên than thở.

Thua don hang xuat khau det may

Tình trạng thừa đơn hàng, thiếu nguyên liệu được xem như quy luật của ngành dệt may vốn chưa tự chủ được nguồn cung ứng nguyên liệu cho sản xuất như Việt Nam. Thực tế này đã mang đến nhiều rủi ro cho DN trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt giữ uy tín với đối tác NK. Cũng bởi, việc thiếu nguyên phụ liệu không những khiến cho DN khó duy trì được hoạt động sản xuất, đảm bảo duy trì đơn hàng, mà còn đứng trước nguy cơ thua lỗ do phải chấp nhận mua nguyên liệu giá cao, trong khi các đơn hàng thường đã được ký kết và thoả thuận về mức giá từ trước đó.

Bộ Công Thương cho biết, trong nhiều tháng nay các DN trong ngành dệt may và cả da giày luôn “căng thẳng” trong việc tìm kiếm và NK nguyên phụ liệu do có sự tranh mua nguyên liệu từ các quốc gia khác. Các nhà cung cấp lợi dụng việc khan hiếm nguồn nguyên phụ liệu để cố trì hoãn việc giao hàng, đẩy giá tăng lên từ 10 -15% đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện những đơn hàng XK của DN.

Cần chiến lược nội địa hoá nguyên liệu

Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan, nhiều mặt hàng là nguyên liệu chính trong sản xuất dệt may như bông, vải đều tăng lên cả về lượng, giá trị  NK. Trong đó, bông nguyên liệu NK trong 8 tháng đầu năm tăng 43,7% về lượng và 30,2% về giá trị so với cùng kỳ. Đặc biệt, giá của sản phẩm này đã tăng lên trong tháng 7 từ 0,7 - 6,6% ở tất cả các thị trường nhập khâu truyền thống như Mỹ, Ấn Độ, Braxin, Australia… Với nguyên liệu vải, tình trạng khan hiếm nguồn cung càng trầm trọng hơn khi kim ngạch NK trong 6 tháng đầu năm đã ở mức 3,9 tỷ USD, tăng 17,26% so với cùng kỳ. Cơn sốt nguyên liệu đang tiếp tục là gánh nặng lớn với rất nhiều DN trong ngành.

Bởi vậy mà trong cuộc họp giao ban trực tuyến mới đây tại Bộ Công Thương, đại diện của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã tỏ ra rất sốt ruột về tình trạng thiếu nguồn cung nguyên phụ liệu rất lớn của ngành dệt may. Với việc chỉ tự đáp ứng được 48% nguyên liệu cho toàn ngành, các DN trong khối Vinatex đạt 54%, đây vẫn được xem là con số khá khiêm tốn, chưa thể giúp DN trong ngành tránh được những rủi ro về cung cầu thị trường nguyên liệu và đón bắt cơ hội.

“Hiện nhu cầu bông rất khó khăn, năm nay mới chỉ đáp ứng được 2% trên tổng nhu cầu cả nước. Về vải, một năm mới chỉ sản xuất được 1 tỷ mét vải, phải NK đến 8 tỷ mét, nên để đáp ứng được phải đầu tư rất lớn, đầu tư lâu dài. Sản xuất sợi cũng đã sản xuất tương đối tốt đạt 140.000 tấn, nhưng mức độ sản xuất chưa phải là sợi chất lượng cao. Do đó, các DN cũng xác định phải hình thành chuỗi nguyên phụ liệu đáp ứng nguồn cung từ sợi, dệt, may cho những năm 2020 - 2030 thì mới tham gia và tận dụng được cơ hội từ hiệp định thương mại TPP”, đại diện Vinatex nói.

Cũng như nhiều lĩnh vực XK quan trọng khác, dệt may là một trong những ngành đang đứng trước nhiều cơ hội lớn về mở rộng thị trường và hưởng ưu đãi từ Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Song, để những cơ hội này biến thành những hợp đồng XK có giá trị, với mức thuế suất được ưu đãi có lợi cho DN, việc hình thành chuỗi tự cung ứng nguyên phụ liệu đang đặt ra như bài toán cho toàn ngành. Cũng bởi, ngay trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sự khởi sắc ít nhiều của ngành dệt may còn khiến cho DN “liêu xiêu” với những rủi ro NK nguyên liệu, thì liệu với những cơ hội lớn mở ra, DN trong ngành có vượt qua được thách thức nếu không sớm có chiến lược gia tăng tỷ lệ nội địa hoá?

Theo HQ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang