Nghịch lý tiền lương nhà khoa học và máy móc

author 07:02 23/04/2013

(VietQ.vn) – Theo Bộ Tài chính, cơ chế hiện nay không có cách nào để trả lương cao cho các nhà khoa học.

Để nâng cao độ chính xác của các bản tin dự báo thời tiết, theo ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng Giám đốc, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cần có nhiều người giỏi Toán và Lý, có hiểu biết về khí tượng.

Mà muốn thu hút được những người giỏi như vậy, cần trả lương cao cho họ. Theo ông Đức, chỉ cần trả lương cao cho 40 – 5- chuyên gia giỏi, chắc chắn dự báo thời tiết của Việt Nam sẽ chính xác hơn.

Cơ chế tài chính lạc hậu kìm hãm việc thu hút nhân tài. Ngay cả những người như GS Ngô Bảo Châu cũng không thể có cơ chế trả lương cao khi về nước làm việc.
Cơ chế tài chính lạc hậu kìm hãm việc thu hút nhân tài. Ngay cả những người như GS Ngô Bảo Châu cũng không thể có cơ chế trả lương cao khi về nước làm việc.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Giang, phó Vụ trưởng vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, những quy định hiện hành không thể trả lương đến hàng chục triệu cho các nhà khoa học, mặc dù có thể chấp nhận trả lương cao cho các giám đốc điều hành, lãnh đạo các công ty, tập đoàn…của Nhà nước, vì những nơi đó làm ra tiền. Còn dự báo thời tiết là dịch vụ công, nên khó định lượng và cũng chưa có quy định.

Việc tăng lương dựa vào cách thuê khoán chuyên môn cũng không thể được, vì nó nằm trong chức trách, nhiệm vụ của những người được Nhà nước biên chế nhiệm vụ dự báo thời tiết.

Mặt khác, theo ông Giang, đúng là dự báo thời tiết rất quan trọng. Nhưng nếu tăng lương cho các chuyên gia này, thì ở lĩnh vực khác, người ta cũng đòi hỏi tăng lương thì rất khó xử lý. Vì chính sách đưa ra phải xét đến toàn bộ xã hội.

“Có thể công nhận ngành này là quan trọng nhất. Nhưng lại không thể coi ngành kia là kém hơn” – ông Giang khẳng định.

Tuy nhiên, cơ chế tài chính của chúng ta hiện nay lại chấp nhận cho mua các máy móc, thiết bị lên đến hàng chục tỷ, sử dụng trong vài chục năm. Nên khấu hao mỗi tháng của những chiếc máy này cũng lên đến vài chục triệu.

Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, tại sao chúng ta có thể “trả lương” cho những chiếc máy đó vài chục triệu một tháng, nhưng lại không chịu sửa đổi cơ chế tài chính, để trả lương cho những “chiếc máy siêu việt” hơn nhiều, là những nhà khoa học tài năng?

Nên lập quỹ nghiên cứu khoa học
 
Việc cấp ngân sách cho các đề tài nghiên cứu KHCN như cách làm hiện nay đã kéo dài thời gian xét duyệt, gây phiền hà cho các nhà khoa học...Nên cách làm được thí điểm và chủ trương nhân rộng là ngân sách cấp cho KHCN dưới dạng Quỹ KHCN.
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, cơ chế quỹ giao quyền chủ động cho cơ quan quản lý nhà nước về KHCN. Sau khi dự toán ngân sách được Quốc hội phê chuẩn, được Chính phủ giao thì kinh phí sẵn sàng cho các nhà khoa học. Khi các nhà khoa học đề xuất nghiên cứu thì lập Hội đồng phê duyệt, đánh giá và sẽ cấp kinh phí ngay lập tức.
 
Cơ chế quỹ không cần phải quyết toán theo năm tài chính mà sẽ quyết toán theo hợp đồng. Đồng thời, kinh phí của năm trước mà không sử dụng hết sẽ được tự động chuyển nguồn sang năm sau, không phải báo cáo xin phép. Tuy cách tư duy như vậy gặp “chưóng ngại vật” là Luật Ngân sách nhưng nghiên cứu khoa học cần phải có cơ chế đặc thù. Nếu các nhà chức trách coi Luật Ngân sách là chân lý, không thể thay đổi được và yêu cầu phải thực hiện theo những điều luật đã trở nên lạc hậu, chắc chắn sẽ không bao giờ đổi mới được hoạt động KHCN.
 
Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, Quĩ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (gọi tắt là Nafosted) sau khi ra đời đã làm tăng ấn phẩm khoa học và hợp tác quốc tế. Đạt được những mục tiêu đó cũng là một cách để nâng cao hàm lượng tri thức trong nền kinh tế. 
 

Hoàng Lan

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang