Nghịch lý trái cây

author 07:47 11/06/2013

(VietQ.vn) - Vào những vụ trái cây, nơi thừa thãi, bỏ đống, ôi thối, nơi chẳng có lấy một quả mà dùng.

Giá "bèo"

Việt Nam được mệnh danh là nước sản xuất và thu hái trái cây có sản lượng lớn thứ 5 trên thế giới. 85% lượng trái cây được sản xuất ra phục vụ thị trường trong nước. Tuy nhiên, có nhiều nơi trái cây chất thành đống, bán giá bèo, ôi thiu, cho gia sức ăn còn nhiều nơi vẫn là "vùng trắng" về trái cây.

Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long luôn luôn tràn ngập trái cây, giá rất rẻ. Ảnh minh họa
Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long luôn luôn tràn ngập trái cây, giá rất rẻ. Ảnh minh họa

Câu chuyện về trái nhãn, chôm chôm, vải, na, dưa hấu, mận, cam, quýt, chuối, ổi, .... chất đống, bán giá bèo, chỉ 2000 đồng/kg đã diễn ra ở rất nhiều nơi như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Hà Giang, Thái Bình, Quảng Ngãi, Quảng Nam... và vựa cây trái khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đã cho thấy một bài học "đau sót" về cách nông dân Việt Nam làm vườn. Cây trái cho ra quả thông thường chỉ 1 năm một vụ. Cả năm nhìn lên cây, chờ ngày hái quả nhưng đến khi thu hoạch, giá lại quá rẻ. Ăn không hết đành "bánh đổ, bán tháo" hoặc cho gia súc ăn. Không bán thì tiếc công chăm, đầu tư phân bón... nhưng bán thì lại quá rẻ.

Ông Ngô Văn Hải ở Bắc Giang cùng con trai và con rể chở một xe tải trái vải chín mọng về Hà Nội để bán. Tiền thuê xe là 1,5 triệu đồng trong khi đó, những chùm vải chín mọng của gia đình ông bán chỉ 10 - 15 nghìn đồng.

"Nếu bán hết cả xe, trừ tiền xe, tiền công, mỗi người được lãi 150 ngàn đồng là cùng", ông Hải nói.

Theo ông Hải, điều đáng buồn hiện nay là trái cây ở Việt Nam được trồng và chăm sóc rất cẩn thận, theo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, theo tiêu chuẩn VietGap.

"Nguyên theo các quy trình thực hành tốt trong nông nghiệp như vậy đã rất mệt mỏi và đầu tư phải lớn rồi", ông Hải than thở.

Cũng theo ông Hải, đầu ra của trái cây đạt chuẩn cũng chẳng khá hơn trái cây trồng vô tội vạ là mấy. Thậm chí, trái cây đạt chuẩn còn bán khó hơn trái cây thông thường. Mỗi khi vào vụ trái, đồng loạt các nhà vườn thu hoạch, lượng trái cây tăng đột biến, ai cũng tranh mua, tranh bán. Trong điều kiện đó, chỉ có thương lái là được lợi. Chỉ cần thương lái ép giá, hạ vài ngàn đồng/kg là thành hiệu ứng không tốt. Lo rớt giá, rất dễ diễn ra tình trạng bán đổ, bán tháo.

Trái cây sạch, đạt chuẩn bán khó hơn trái cây thông thường. Ảnh minh họa
Trái cây sạch, đạt chuẩn bán khó hơn trái cây thông thường. Ảnh minh họa

Theo nhận định của Hội Làm vườn Việt Nam, đúng là hiện nay có tình trạng bất cập trong quá trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và phân phối trái cây. Cả 5 quá trình đó luôn tục "hổng", tồn tại quá nhiều vấn đề khiến trái cây của Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh với trái cây ngoại kể cả về giá và chủng loại. Mỗi khi vào vụ thu hoạch, một lượng trái cây khá lớn lại bị thất thoát. Khâu chế biến, bảo quản còn quá nghèo nàn, lạc hậu, ẩn chứa nhiều bất cập. Giá các sản phẩm trái cây đến tay người tiêu dùng thường bị đội lên cao, trong khi người trồng bán với giá "bèo".

Gần đây có hiện tượng, dưa hấu trồng tại khu vực miền Trung, giá chỉ 2 - 3 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, cũng những sản phẩm dưa hấu đó, ra đến hàng nội bán với giá 12 - 15 ngàn đồng/kg.

"Vùng trắng" về trái cây

Theo TS. Võ Mai - Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam (HLV) hiện nay sản lượng trái cây của cả nước đạt khoảng 7 triệu tấn trong đó chủ yếu tập trung tại các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL. Với sản lượng này Việt Nam xếp thứ 5 thế giới về sản xuất trái cây.Tuy nhiên, từ nhiều năm nay việc tiêu thụ trái cây luôn trong tình trạng mất cân đối và bất hợp lý. Hiện 85% sản lượng trái cây được tiêu thụ tại thị trường nội địa, nhưng khâu phân phối rất bất hợp lý, yếu kém. Có những địa phương sản lượng trái cây làm ra nhiều, bán không hết, cho không ai lấy; nhưng có những vùng muốn tìm mua một ít trái cây cũng bói không ra.

Đặc biệt, nhiều loại trái cây đặc sản đã đạt tiêu chuẩn VietGAP nhưng khó đến tay người tiêu dùng. Việc mất cân bằng này xảy ra từ nhiều năm, nguyên nhân do các địa phương, đặc biệt là Sở Công Thương các tỉnh hầu như chưa có sự quan tâm hoặc quan tâm chưa tới đối với ngành hàng trái cây. Trong khi đó, phía nhà vườn thì lại hầu hết không biết, hoặc không thể kiểm soát được sản phẩm của mình làm ra được bán đến tay người tiêu thụ như thế nào, do họ phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.

Khi vào vụ thu hoạch, có những loại trái cây giá cực rẻ. Ảnh minh họa
Khi vào vụ thu hoạch, có những loại trái cây giá cực rẻ. Ảnh minh họa

“Tôi đã từng đi thực tế ở một số nơi ở Cao Bằng và một số tỉnh miền núi phía Bắc. Ở một số nơi cả năm mỗi người không được ăn quá 1 nải chuối, trong khi đó ở các tỉnh ĐBSCL thì chuối sản xuất ra không biết bao nhiêu mỗi ngày. Nhiều khi bán xô, bán mớ cho thương lái với giá vô cùng rẻ mạt”, bà Mai nói.

Cũng theo bà Mai, hiện nay chúng ta đang tiến hành lấy ý kiến để quy hoạch vùng trái cây tập trung sản xuất 14 loại trái cây được cho là có lợi thế cạnh tranh. Tôi cho rằng ngoài việc quan tâm đến các yếu tố “đầu vào” cần tính toán đến “đầu ra” của sản phẩm, nhất là phối hợp giữa các tỉnh/thành làm sao để tạo ra một hệ thống phân phối trái cây tại thị trường trong nước là một trong những vấn đề mấu chốt cần phải thực hiện.

Theo tính toán của bà Mai, nếu phân chia lợi nhuận cho cả chuỗi cung ứng sản phẩm trái cây thì người trồng phải được hưởng 51,61% lợi nhuận thì mới xứng đáng với công đầu tư 4-6 năm trồng, 5-10 tháng chăm sóc. Các thương lái thu gom thực tế bình quân chỉ mất 8-10 giờ/ngày thì mức lợi nhuận khoảng 10% là phù hợp; công phân loại và bảo quản tính cho các chợ đầu mối (1-2 ngày) cũng chỉ ở mức 10-12%. Những sạp bán lẻ, cửa hàng trái cây lớn có thể đạt mức lợi nhuận 25-26% là hợp lý vì họ bảo quản trái cây và bán đến tay người tiêu dùng trong vòng 3-10 ngày.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, tâm lý người tiêu dùng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa thay đổi nhiều về cách đánh giá các địa điểm mua bán đối với ngành hàng rau quả. Hiện, hệ thống chợ truyền thống vẫn là nơi chính cung cấp rau quả cho người tiêu dùng (chiếm 90%). Người bán dạo là đối tượng cung cấp khoảng 3-6% lượng rau quả, và chỉ có khoảng 3-5% sản phẩm rau quả đến tay người tiêu dùng thông qua hệ thống các siêu thị.

Xuân Hương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang