Nghiệm thu đề tài: “Có những người rất ấm ớ”

author 06:07 12/07/2013

(VietQ.vn) – Nếu hội đồng nghiệm thu đề tài không am hiểu chuyên môn và công tâm thì có thể sẽ “cho qua” những nghiên cứu ít có giá trị khoa học.

Tránh “cục bộ” và gây lãng phí

Từng là Vụ trưởng vụ KHCN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, GS.TS Nguyễn Ngọc Kính cho biết, có những dự án – chương trình của một chuyên ngành nhưng lại có 2 bộ cùng tham gia, dẫn đến chồng chéo, trùng lặp.

Làm gì để ngăn chặn các tiêu cực?
Làm gì để ngăn chặn các tiêu cực?

Còn GS.TSKH Trần Văn Sung, nguyên Viện trưởng viện Hóa học nhận xét: “Tôi đã từng bảo vệ đề tài trước hội đồng mà có những thành viên rất ấm ớ về chuyên môn”.

GS Nguyễn Văn Tuấn, nhà khoa học chuyên nghiên cứu về loãng xương đã dẫn chứng, có hội đồng mà khi vào họp, mỗi người trong hội đồng cầm một mảnh giấy, trong đó họ viết ra những nhận xét về đề cương nghiên cứu. Có người viết 3-4 trang, và khi phát biểu, họ chỉ đơn giản đọc 3-4 trang đó như là đọc diễn văn.

“Có những người đưa ra những nhận xét cực kì sai lầm mà họ nói rất tự tin và dõng dạc! Có lần một chuyên gia nọ, được xưng tụng là chuyên gia số 1, đưa ra những con số về một đề tài mà tôi có thể khẳng định là sai từ đầu chí cuối. Có không ít người mang chức danh “phó giáo sư”, “giáo sư” với học vị tiến sĩ, nhưng trình độ chuyên môn và kiến thức căn bản thì hụt hẫng nghiêm trọng. Có người chẳng có chuyên môn gì trong ngành nhưng cũng đưa ra những nhận xét cứ như là chuyên gia thứ thiệt, nhưng nếu người có kinh nghiệm thì biết những nhận xét đó chỉ lấy từ … Google. Có người thì rất thích bắt bẻ tiếng Việt nhưng bản thân anh ta thì viết tiếng Việt (trong bản nhận xét) vẫn còn sai và văn phong thì chẳng ra cái thể thống gì” – GS Nguyễn Văn Tuấn cho biết.

Đổi mới như thế nào?

TS Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trưởng của Quốc hội cho biết, ở Liên Xô trước kia, những ai phản biện đề tài thì phải ghi tên mình trong quyển báo cáo đề tài, để sau này, nếu có vấn đề gì sẽ truy trách nhiệm.

Trao đổi với chúng tôi, GS Bùi Công Quế, nguyên Viện trưởng viện Vật lý địa cầu đề xuất, dự thảo Nghị định luật KHCN phải quy định quyền lợi và trách nhiệm của Hội đồng nghiệm thu đề tài.

Thực tế, trong dự thảo Nghị định của Bộ KHCN đã từng quy định tỷ lệ các thành viên trong hội đồng khoa học gồm 30% các nhà quản lý và 70% các nhà khoa học có uy tín và chuyên môn sâu.

Nhưng GS Đường Hồng Dật, nguyên Thứ trưởng bộ KHCN lại phân tích với PV Chất lượng Việt Nam, rất khó để phân biệt thế nào là “nhà quản lý” và “nhà khoa học”. Vì thực tế trong các hội đồng, các nhà quản lý lĩnh vực nghiên cứu cũng là những người từng làm khoa học, cũng có học vị, học hàm.

(còn nữa)

Hoàng Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang