Ngộ độc chì ở thuốc cam: Hại con vì tin “lang vườn”

author 12:06 23/11/2013

(VietQ.vn) – Mặc dù đã có nhiều khuyến cáo về tình trạng trẻ bị nhiễm chì dẫn đến ngộ độc khi sử dụng thuốc cam – một loại thuốc gia truyền hay dùng cho trẻ nhỏ nhưng dường như bất chấp những cảnh báo số trẻ bị ngộ độc vẫn ngày càng tăng.

Chỉ mới 3 tuổi cháu Vũ Khánh Ngọc (Phú Xuyên, Hà Nội) đã phải  4 lần đến Khoa chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để điều trị thải độc chì. Cháu Ngoc được bố mẹ cho uống thuốc cam từ khi mới 5 tháng tuổi nhưng  đến nay cháu không nói được, chậm phát triển. 

Trường hợp cháu Ngọc chỉ là một trong hàng trăm ca nhiễm độc chì do sử dụng thuốc cam trong thời gian dài.

Ghi nhận tại khoa Nhi, bệnh Viện Bạch Mai thời gian gần đây, trẻ bị ngộ độc thuốc cam có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân chính là do cha mẹ đã tự ý mua thuốc cam không rõ nguồn gốc xuất xứ về tự ý điều trị cho trẻ mà không hề lường trước được nguy cơ.

Chị Hoàng Thị Huyền  (Nam Sách, Hải Dương) mẹ của cậu con trai 16 tháng tuổi đang điều trị tại khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai cho biết, thấy con xanh xao, mệt mỏi, chán ăn nên đã mua thuốc cam ngoài chợ về cho con uống. Thấy có tiến triển, con tỏ vẻ thích ăn nên chị tiếp tục mua về cho con dùng. Tuy nhiên, sau đó cháu bé có triệu chứng bị co giật, vật vã phải nhập viện cấp cứu, bác sỹ kết luận cháu do ngộ độc chì asen có trong thuốc cam.

“Nghe mọi người ở làng  mách là cho cháu uống thuốc cam  sẽ hay ăn nhanh lớn nên tôi mua về cho cháu dùng.Ở quê vẫn hay dùng loại này để chữa còi xương cho trẻ, kích thích cho chúng ăn ngon miệng và chữa được nhiều bệnh khác nên tôi cũng mua cho con dùng. Ai ngờ khỏe đâu chả thấy giờ nằm viện thế này…”, chị Huyền buồn bã nói.

Không chỉ có chị Huyền ở Hải Dương cho con sử dụng thuốc cam của những bà lang vườn, ở các địa phương khác như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội… tình trạng mua và sử dụng thuốc cam tự chế cho trẻ sử dụng là rất phổ biến, hầu hết là những khu vực nông thôn thì việc dùng loại thuốc gia truyền này như một thứ thuốc “thánh” được quảng cáo chữa đủ thứ bệnh cho trẻ nhỏ.

Bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai  cho biết, nhiều trẻ bị tưa lưỡi, lở miệng, muỗi đốt cũng bôi thuốc cam, lười ăn, chậm lớn, táo bón cũng sử dụng thuốc cam để “chữa”. Vì thiếu hiểu biết và tin lời mấy thầy lang vườn nên tự ý mua thuốc cam ở chợ về cho con dùng. Việc lạm dụng loại thuốc không đảm bảo an toàn này đã dẫn đến tác dụng ngược, trẻ sốt cao, đau bụng, buồn nôn nhiều trường hợp trẻ  vào cấp cứu với trạng co giật và thiếu máu nặng.

Trước đó, vào đầu năm 2012, cả trăm mẫu thuốc cam được xét nghiệm đều phát hiện có chì, thậm chí có mẫu hàm lượng chì lên tới 85%. Cùng với đó, hơn một nửa số trẻ ngộ độc chì nhập viện có hàm lượng chì trong máu rất cao. 

PGS.TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho đã tiếp nhận tới gần 130 trường hợp đến khám và điều trị vì ngộ độc chì, trong đó gần 94% là trẻ em.

Đáng lo ngại hơn, qua điều tra và xét nghiệm máu 117 bệnh nhi ngộ độc chì được điều trị ở Trung tâm Chống độc, phát hiện gần 50% số trường hợp có hàm lượng chì trong máu rất cao. Đặc biệt, các bệnh nhân đến từ 15 tỉnh thành ở khu vực phía Bắc và phần lớn đều được gia đình cho uống thuốc cam mua của ông lang bà mế, người bán dạo không rõ nguồn gốc. Không chỉ vậy, qua kiểm nghiệm của Viện Hóa học phát hiện có tới 98/100 mẫu có hàm lượng chì cao, đặc biệt có mẫu chứa 85% hàm lượng kim loại nặng này nên rất nguy hiểm đối với người sử dụng.

thuốc cam, nhiễm độc chì, trẻ nhỏ, thiếu máu, ngộ độc chì, Trung tâm chống độc, bệnh viện bạch maiNhững loại thuốc cam được bán phổ biến tại các chợ ở vùng nông thôn

BS Phạm Thị Vân Anh, khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, bệnh nhi nhập viện do ngộ độc thuốc cam có biểu hiện co giật, thiếu máu nặng. Đặc biệt, một bệnh nhi bị suy hô hấp nặng, phải thở máy. Đưa mẫu di xét nghiệm cho thấy trẻ bị ngộ độc chì. Kết quả phân tích tại phòng Hóa phân tích, Viện Hóa học cũng cho thấy hàm lượng chì trong các mẫu chiếm 10% - 20% trong thành phần thuốc.

Ngộ độc chì rất nguy hiểm, chì vào cơ thể sẽ lắng đọng trong các tổ chức, cơ quan, lưu hành tự do trong máu, gây nhiễm độc hệ thần kinh khiến trẻ bị co giật, rối loạn hành vi, ảnh hưởng tới hệ tạo máu gây thiếu máu. Nếu xâm nhập vào xương, nó khiến trẻ không phát triển chiều cao. Bệnh nhân nhiễm độc chì nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong và dù có điều trị đào thải hết khỏi cơ thể cũng để lại di chứng, ảnh hưởng đến sự phát triển cả thể chất và trí tuệ của trẻ.

Các bác sĩ khuyến cáo, trẻ em có các dấu hiệu không ổn về mặt sức khỏe, nên đến cơ sở y tế khám, tuyệt đối không nên sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ để tránh hậu quả đáng tiếc.

Thùy Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang