Ngộ độc sắn và cách chữa trị để cứu bệnh nhân

author 06:39 26/10/2014

(VietQ.vn) - Mới đây, bé Nguyễn Trọng Lực (8 tuổi, Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đã rơi vào trạng thái mệt lả, nôn, li bì, suy hô hấp và co giật nghiêm trọng do ăn sắn nướng. Điều này lại một lần nữa làm giấy lên hiện trạng an toàn thực phẩm.

Hàng loạt vụ ngộ độc vì ăn sắn 

Sau 30 phút ăn sắn nướng, bé Nguyễn Trọng Lực (8 tuổi, Tam Đảo, Vĩnh Phúc) rơi vào trạng thái mệt lả, nôn, li bì. Khi được đưa đến viện, bệnh nhi trong tình trạng suy hô hấp, co giật, phải tiến hành đặt nội khí quản, chuyển lên tuyến trên.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, bệnh nhi Nguyễn Trọng Lực được chuyển đến khoa cấp cứu trong đêm 15/10. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng hôn mê, lạnh toàn thân, phải bóp bóng qua nội khí quản. Bệnh nhi nhanh chóng được vào thở máy ngay trong đêm bởi tình trạng suy hô hấp rất nặng. Bệnh nhi được chẩn đoán ngộ độc sắn và rất may mắn, nhờ đưa đến viện kịp thời, bé đã qua nguy kịch.

Bé Nguyễn Trọng Lực đã bị ngộ độc do ăn sắn nướng

Bé Nguyễn Trọng Lực đã bị ngộ độc do ăn sắn nướng. Ảnh: Hồng Hải

TS Dũng cho biết thêm, trước đó khoảng 1 tuần, khoa nhi cũng tiếp nhận một bệnh nhi là bé gái 7 tuổi ngộ độc sắn. Qua khai thác gia đình cũng cho biết bệnh nhi ăn phải loại sắn cao sản nhiều nhựa nên ngộ độc. Tuy nhiên, ca bệnh đó vì bé gái ăn ít nên diễn biến không quá nặng nề như trường hợp của cháu Lực. May mắn sau 2 ngày thở máy, tình trạng sức khỏe cháu Lực đã cải thiện, được rút thở máy và hiện đang điều trị thêm một vài ngày nữa có thể xuất viện. 

Trước đây vào ngày 27/8/2013, tại xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên cũng đã từng xảy ra hiện tượng tương tự khiến cho 10 người bị ngộ độc và buộc phải nhập viện.

Nghiêm trọng hơn cả là vụ việc vào ngày 9/8/ 2005, Trung tâm y tế huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, tiếp nhận điều trị cấp cứu 3 cháu bé là: Nguyễn Tú Uyên (12 tuổi ), Nguyễn Đức Tuấn (9 tuổi) và Nguyễn Tố Quyên (4 tuổi) bị ngô độc do ăn sắn. Bé gái Nguyễn Tố Quyên đã bị tử vong ngay sau đó.

Vì sao sắn dễ gây ngộ độc?

Sắn (hay khoai mì) là sản phẩm nông sản phổ biến ở Việt Nam được dùng trong chế biến công nghiệp, thức ăn gia súc và lương thực thực phẩm. Tuy nhiên, “Trong sắn có chất acid cyan Hydrine (HCN), khi ăn ở ngưỡng gây ngộ độc khiến hồng cầu không hấp thu được oxy, làm trẻ rơi vào trạng thái suy hô hấp, khó thở”, TS Dũng cho biết.

Khi hàm lượng HCN cao trong thức ăn chế biến từ sắn vào cơ thể người sẽ gây ngộ độc thực phẩm. Liều gây độc cho một người lớn là 20mg HCN, liều gây chết người là 50mg HCN cho mỗi 50kg thể trọng. Các nguy cơ gây ra ngộ độc thực phẩm do HCN trong sắn là do sử dụng sắn đắng, sắn cao sản (sắn công nghiệp) có chứa hàm lượng HCN cao; sơ chế và chế biến không bảo đảm an toàn (chưa bóc hết vỏ sắn trước khi luộc, chưa rửa và ngâm sạch và luộc sắn chưa kỹ…).

Sắn chứa độc chất HCN dễ gây ngộ độc

Sắn chứa độc chất HCN dễ gây ngộ độc. Ảnh minh họa

Một công trình nghiên cứu của bác sĩ Bạch Văn Cam - Trưởng khối Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM và bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa cho thấy, ngộ độc sắn cấp là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em. Tai nạn này chiếm 10% trong số ngộ độc thức ăn, với tỷ lệ tử vong là 16,7%; cao nhất trong các loại hình ngộ độc thức ăn.

Cũng theo bác sĩ, biểu hiện ngộ độc sắn thường xuất hiện vài giờ sau khi ăn loại lương thực này. Bệnh nhân có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa (đầy bụng, sôi bụng, buồn nôn, nôn và tiêu chảy) và rối loạn thần kinh (váng đầu, nóng bừng mặt, ù tai, chóng mặt, ngứa ngáy, chân tay nặng, người vật vã, run, co giật, có khi tử vong); có trường hợp bị sốt, ho...

Triệu chứng thường gặp nhất là rối loạn tiêu hóa (100%), xuất hiện đột ngột 4-6 giờ sau ăn, nôn ra thức ăn, số lần nôn từ 4 - 10 lần. Tiếp theo là triệu chứng thiếu oxy tế bào. Biểu hiện hô hấp gặp trong 73,8 % các trường hợp. Rối loạn nhịp tim (33%) là biểu hiện muộn hơn các triệu chứng khác.

Biện pháp phòng chống ngộ độc từ sắn

Các bác sĩ cho biết, ngộ độc sắn là tai nạn rất dễ xảy ra. Để đề phòng, nên chọn trồng loại sắn ít độc, không trồng sắn gần cây xoan... Củ sắn sau khi dỡ về cần chế biến ngay. Nếu chế biến không kịp thì phải vùi xuống đất. Trước khi chế biến nên lột hết vỏ sắn rồi ngâm vào nước (nước vo gạo càng tốt). Khi luộc mở nắp nhiều lần để chất độc bay hơi bớt, nếu thấy có vị đắng thì không nên ăn.

Tốt nhất là ăn sắn luộc với các loại đường, mật để trung hòa axit độc trong sắn. Không nên ăn sắn luộc vào buổi tối vì nếu bị ngộ độc, nạn nhân đang ngủ sẽ khó phát hiện.

Thêm nữa, sắn độc là loại đắng (sắn dù, sắn ta, sắn lùn, sắn cao sản) cây thấp, đốt dày, ngọn non mầu xanh nhạt, lá mầu xanh lục nhạt, cuống lá đỏ nhạt. Củ có vỏ ngoài nâu thẫm, vỏ lụa trắng chứa nhiều nước. Loại này thường được trồng nhiều vì cho sản lượng cao. Các cách chế biến không an toàn như không ngâm nước, không cắt bỏ hai đầu, luộc với ít nước và không mở nắp nồi khi sôi đều làm tăng khả năng gây ngộ độc.

Trong trường hợp bị ngộ độc, trước hết cần gây nôn cho nạn nhân, sau đó cho uống nước đường, nước mía và chuyển ngay về khoa chống độc của bệnh viện để tiến hành điều trị.

Linh Nguyễn (Tổng hợp từ Dân trí, Citinews và Nông thôn ngày nay)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang