Người chết, kẻ nhập viện vì ăn nhầm so biển

author 07:14 04/02/2015

(VietQ.vn) - Bác sĩ Bồ Kim Phương- trưởng khoa Nội tiêu hóa và huyết học, BVĐK Trung ương Cần Thơ cho biết vừa tiếp nhận bốn người bị ngộ độc do ăn con so biển.

Theo những tin tức mới nhất trên báo Tuổi Trẻ, bốn bệnh nhân là ông Lâm Ngọc Minh (47 tuổi), Kim Kinh (37 tuổi), Lâm Suol (40 tuổi) và Trần Phum Ma Ra (29 tuổi), là người dân tộc Khơ me ngụ xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Khuya ngày 2/2, khoa cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận những bệnh nhân này trong tình trạng đau đầu, buồn nôn, tê tay chân do ngộ độc so biển.

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa tiếp nhận 4 người bị ngộ độc so biển

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa tiếp nhận 4 người bị ngộ độc so biển. Ảnh Tuổi Trẻ

Bác sĩ Bồ Kim Phương, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, cho biết, sau khi được truyền nước giải độc, đến sáng nay, các bệnh nhân đã tỉnh táo, bớt triệu chứng tê, đau đầu. “Lúc đầu các bệnh nhân cho biết là ăn sam nướng nên tôi thấy khá lạ vì từ trước đến nay không nghe ngộ độc sam, bệnh viện chỉ thi thoảng tiếp nhận những ca ngộ độc cá nóc”, bác sĩ Phương nói.

Ông Kim Kinh kể: “Đó giờ tui vẫn ăn sam thịt nó rất ngọt, trứng béo có sao đâu. Tôi cũng không biết phân biệt sam với so nên khi bác sĩ hỏi chúng tôi cũng nói ăn sam nướng. Ai ngờ, giờ mới nghe nói có con so giống y con sam nhưng có độc không ăn được”.

Trao đổi với PV Thanh Niên Online, bác sĩ Dương Thiện Phước cho biết: “Sam biển là loài không có độc và vẫn thường được dùng làm thực phẩm. Tuy nhiên, có một “người anh em” với sam biển là so biển rất khó để phân biệt với sam”.

Các ca ngộ độc so biển đa phần là do người dân nhầm lẫn giữa so biển và sam biển

Các ca ngộ độc so biển đa phần là do người dân nhầm lẫn giữa so biển và sam biển. Ảnh Thanh Niên

Cũng theo bác sĩ Phước, cả hai con đều là động vật giáp xác thân mềm, sống ở biển. Riêng so biển có chứa độc tố tetrodotoxin (giống ở cá nóc). “Đây là độc tố thần kinh mạnh, có khả năng gây liệt cơ hô hấp, ngưng thở, gây tử vong nhanh. Hiện nay chưa có thuốc giải độc”, bác sĩ Phước nói.

Nguy hiểm hơn là độc tố tetrodotoxin tan trong nước nhưng không bị nhiệt phá hủy (nấu chín hay phơi khô, sấy, độc chất vẫn tồn tại) nên dù đã chế biến chín thì người ăn vẫn bị ngộ độc. “Để tránh những trường hợp ngộ độc đáng tiếc thì tốt nhất là không nên ăn khi không phân biệt được sam và so một cách chắc chắn. Bởi ngay cả những người ở vùng biển còn lẫn lộn giữa hai con này”, bác sĩ Phước nói.

Để tránh nhầm lẫn giữa sam biển và so biển, báo Tiền Phong đã cho đăng tải một số thông tin giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt 2 loài động vật này:

Người tiêu dùng cần biết cách nhận biệt sam biển và so biển để tránh ngộ độc so biển

Người tiêu dùng cần biết cách nhận biệt sam biển và so biển để tránh ngộ độc so biển

Sam biển (sam lớn): có môi trường sinh sống là các dải cát tại khu vực có thủy triều cao. Đuôi sam biển có gờ mặt lưng, hình tam giác. Sam biển sống thành từng cặp. Nó được khai thác, buôn bán và sử dụng làm thực phẩm.

So biển (sam nhỏ) có môi trường sinh sống là các lạch nước ngọt. So biển có hình hài rất giống sam biển, nhưng kích thước nhỏ hơn sam biển và không đi theo thành từng cặp. Chiều dài thân của so biển thường khoảng 20 - 25 cm (không kể đuôi), toàn thân màu xanh nâu đậm, đuôi không có gờ mặt lưng, tiết diện cắt ngang của đuôi có dạng hình trứng hay tròn.

Minh Thùy

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang