Những phương pháp chế biến măng tươi an toàn

author 13:09 19/05/2015

(VietQ.vn) - Cảnh giác nguy cơ ngộ độc thực phẩm do ăn ăn măng sống, uống nước măng tươi để chữa bệnh theo biện pháp dân gian và những hóa chất tạo màu và bảo quản trên thị trường.

Sự kiện: Hóa chất trong thực phẩm

Măng tươi có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, tuy nhiên, trong măng có một chất độc gọi là glucozit, có khả năng biến đổi thành a xít cyanhydric là thủ phạm gây ra ngộ độc, nôn mửa, vì vậy muốn đảm bảo an toàn khi sử dụng măng, cần phải biết cách khử chất độc này

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cán bộ Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ với phóng viên báo Zing News, nhiều vụ ngộ độc xảy ra sau khi ăn măng xảy ra theo cơ chế, độc tố trong măng đi vào cơ thể, dưới tác động của các enzym đường tiêu hóa chuyển hóa axit cyanhydric (HCN), gây hại cho cơ thể.

Theo tài liệu của Cục an toàn vệ sinh thực phẩm, khoảng 100 g măng tươi chưa luộc có 32-38 mg HCN. Ở măng đã luộc kỹ (đổ nước), lượng chất này còn 2,7 mg, ở măng tươi ngâm chua là 2,2 mg, ở nước luộc măng là 10 mg. Với liều 50-60 mg (tức vào khoảng 200 g măng tươi chưa luộc), HCN sẽ gây chết người, bắt đầu với các triệu chứng khó thở, mất tri giác, liệt cơ, co giật, ngừng thở...

Ngộ độc măng là do các enzym tiêu hóa chuyển hóa axit cyanhydric gây hại cho cơ thể

Ngộ độc măng là do các enzym tiêu hóa chuyển hóa axit cyanhydric gây hại cho cơ thể

Tuy nhiên, PGS Thịnh cho rằng dù trong măng có chất độc nhưng rất dễ xử lý, do đó không quá lo ngại khi thưởng thức món ăn này. Bởi HCN có tính chất hoà tan trong nước và dễ bị bay hơi khi đun nóng.

Ngoài ra, còn có một số cách khác có thể giúp khử độc măng như bóc hết vỏ măng ra, cắt măng thành từng lát rồi đem ngâm nước qua đêm, sau đó rửa sạch trước khi mang chế biến. Một cách khác để khử độc trong măng là sau khi bóc hết vỏ, cắt thành từng miếng, lúc cho vào nồi luộc có thể bỏ thêm vào nắm rau bồ ngót. Khi măng chín, đổ nước luộc đi, cho nước lạnh vào và vớt bỏ rau ngót, sau đó xả lại bằng nước lạnh một lần rồi đem chế biến.  Muối măng chua cũng là một biện pháp làm giảm tính độc của măng

Để làm măng không còn vị đắng, áp dụng một số cách sau lấy một vài trái ớt (đã gỡ hết hạt) cho vào nồi luộc cùng với măng và nước vo gạo. Khi thấy măng mềm thì tắt lửa. Chờ măng nguội, vớt ra, lột vỏ, xả lại vài lần bằng nước sạch. Hoặc để loại bỏ bớt vị đắng của măng, có thể đem măng ngâm trong nước vôi, sau đó mang đi luộc 2 - 3 lần nước. Trong khi luộc nên mở nắp nồi cho chất độc bay hơi, theo báo Thanh Niên.

Bên cạnh đó, PGS Thịnh cũng khuyến cáo tuyệt đối không ăn măng sống, nộm măng, hoặc uống nước măng tươi để chữa bệnh hoặc hạ sốt theo một số biện pháp dân gian. Trên thị trường hiện nay, nhiều cơ sở đã dùng các hóa chất để ngâm măng nhằm tạo màu và bảo quản lâu hơn. Theo ông Thịnh, cơ quan chức năng cần làm rõ những hóa chất này là gì. Nếu đó là chất cấm sẽ gây tác động lớn đến sức khỏe người tiêu dùng, không loại trừ khả năng gây ung thư. Như vậy, nếu chỉ kiểm soát độc tố trong măng tươi là chưa đủ.

Người tiêu dùng đối mặt với nguy cơ ngộ độc măng do hóa chất trong thực phẩm

Người tiêu dùng đối mặt với nguy cơ ngộ độc măng do hóa chất trong thực phẩm. Ảnh Tuổi trẻ

Liên quan đến các cơ sở chế biến măng bằng chất cấm tác động đến sức khỏe người tiêu dùng, chiều 17-5, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Bình Thuận (thuộc Sở NN&PTNT Bình Thuận) phối hợp Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh đã bắt quả tang cơ sở chế biến măng thuộc dạng lớn nhất của tỉnh Bình Thuận. của bà Dương Thị Lập (xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc) dùng hóa chất để tẩy rửa măng. Tại cơ sở này, lực lượng chức năng phát hiện một số lượng lớn măng được ngâm trong các thau chậu cỡ lớn. Măng được tẩy rửa bằng chất bột trắng cho trắng, sau đó tiếp tục ngâm rửa và cho chất bột màu vàng vào để tạo màu vàng đẹp, theo Tuổi trẻ.

Phương Khanh (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang