Ngoài làng cổ Đường Lâm, nơi đây cũng được coi là 'lá phổi xanh giữa lòng thủ đô'

authorTrần Thanh 19:00 16/03/2017

(VietQ.vn) - Thành cổ Sơn Tây không chỉ là di tích lịch sử - văn hóa lâu đời, thu hút đông đảo khách tham quan mà còn hòa vào cuộc sống bằng sự yên bình, thư thái.

Sự kiện: Văn hóa Việt Nam

Có một nhà thơ đã từng viết về xứ Đoài với những câu mở đầu như sau:
 “Xứ Đoài ơi bồng bềnh mây trắng
  Chiều tím nghiêng thành cổ rêu phong
  Tường đá ong ngậm màu mưa nắng
   Ích giang trôi bóng dáng quê mình”
 
Đó là những câu thơ người ta nhắc tới mỗi khi đến với xứ Đoài và thành cổ Sơn Tây. Thành cổ Sơn Tây nằm giữa thị xã Sơn Tây, cách trung tâm Hà Nội 45km về phía Tây là một công trình kiến trúc quân sự độc đáo cổ được xây dựng vào năm 1822.
 
Ấn tượng đầu tiên mà du khách dễ dàng cảm nhận khi đặt chân đến thành cổ Sơn Tây là hình ảnh những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi tỏa bóng mát quanh năm. Những bộ rễ sần sùi vươn dài ôm trọn lấy những bờ tường rêu phong, những cổng thành đổ nát tạo một nét đẹp cổ kính. Với những bước tường thành cao, hào sâu, phong cảnh nên thơ, đĩnh đạc mà tráng lệ.
 

Ngoài Đường Lâm, nơi đây cũng được coi là 'lá phổi xanh giữa lòng thủ đô'Những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi tỏa bóng mát quanh năm

 
Khu thành cổ Sơn Tây kiên cố với tuổi đời 200 năm. Thành cổ được xây dựng bằng một loại vật liệu rất độc đáo, đó là đá ong – vật liệu truyền thống và phổ biến nhất của vùng đất Sơn Tây. Những bậc đá ong dẫn lên vọng gác rêu phong cổ kính, thâm trầm chứng kiến những lần thay da đổi thịt của lịch sử nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính và yên bình. Thành Sơn Tây được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) là tòa thành cổ duy nhất của Việt Nam có tổng diện tích 16 ha với các kiến trúc độc đáo như: tường thành bằng đá ong, 4 cổng thành xây bằng gạch cổ.
 

Ngoài Đường Lâm, nơi đây cũng được coi là 'lá phổi xanh giữa lòng thủ đô'Những bức tường thành cổ vững chãi

 
Khách du lịch có thể đến dạo chơi, tham quan trong thành với các hạng mục kiến trúc như cột cờ (tức vọng lâu) cao 18m, cửa hành cung, hành cung, hai giếng vuông, phía trước khu nghi lễ (Hành Cung, sân, điện), gần với cửa Tiền. Điện ở đây từng là tòa nhà 5 gian hai chái, tám mái chồng diêm, nằm khoảng chính giữa thành, là nơi làm việc của các quan. Xung quanh thành cổ là những vườn cây lớn, những rạng dây leo xanh vẽ nên một bức tranh thủy mặc khổng lồ vô cùng sinh động.
 
Đến với thành cổ Sơn Tây du khách sẽ được đến tham quan làng cổ Đường Lâm, đến làng văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô Sơn Tây, tận hưởng cảm giác du lịch phượt mới lạ, hấp dẫn với quãng đường 20km.
 
Không thể kể hết được những bài viết giới thiệu hay miêu tả về vẻ đẹp của thành cổ Sơn Tây, những bài viết gợi mở niềm mong ước được một lần đến nơi đây. Giống như nhà chính khách ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh nói: Nếu bạn muốn biết về vẻ đẹp của nó hãy đến với nó…

Từ lâu, Thành cổ Sơn Tây đã trở thành địa điểm tham quan, thư giãn của người dân bản địa cũng như du khách thập phương. Luôn xanh mát trong những ngày nắng oi bức, tòa thành được ôm trùm bởi nhiều cây đại thụ lâu năm cùng với các loại thực vật phong phú như xà cừ, cơm nguội, gạo, bồ kết, dây leo… Những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi như những nhân chứng của lịch sử vẫn đang tiếp tục tỏa bóng dõi theo sự tồn tại và nhịp sống nơi đây.

Về Sơn Tây khám phá vẻ đẹp Thành cổ 200 năm

Mỗi buổi chiều, rất đông người lại đến tản bộ, chơi thể thao cả trong và ngoài thành như một thói quen để tranh thủ tận hưởng không khí trong lành, thư thái. Thành cổ yên bình mà vô cùng tươi đẹp, chắc chắn không phải sự yên bình trong lạc lõng, cô liêu. Nó là quá khứ, là hiện tại sinh động và quý giá. Nó vẫn đang hài hòa những ồ ạt của cuộc sống thường nhật mà bất kỳ ai yêu mến nơi này cũng đều nhận ra và trân trọng.

Độc đáo ẩm thực thành cổ Sơn Tây

Đi dọc các con phố xung quanh Thành cổ Sơn Tây như Quang Trung, Phùng Khắc Khoan, Trần Hưng Đạo… có rất nhiều những hàng quán nhỏ bán thạch lá găng. Với món quà quê này, người bán hàng chỉ cần 1 cái bàn và vài cái ghế là có thể ngồi bán thạch, du khách ăn thạch ngồi quanh bàn nhỏ, thưởng thức cốc chè ngọt mát và nhìn ngắm nét đẹp cổ kính yên bình của Thành Sơn.

Ngoài Đường Lâm, nơi đây cũng được coi là 'lá phổi xanh giữa lòng thủ đô'

Cốc thạch lá găng ngọt mát 

Thạch lá găng có màu xanh ngọc, khi thưởng thức có vị ngai ngái của lá găng, vị ngọt thanh của đường mía, hương hoa nhài thoang thoảng. Tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên hương vị riêng cho món quà quê này. Không bày trong ly đẹp cốc sang, giá chỉ 5000đ một cốc,nhưng thạch lá găng không thua kém gì những loại nước giải khát và sinh tố đắt tiền. 

Không chỉ nổi tiếng với món thạch lá găng, về Thành cổ Sơn Tây du khách còn được thưởng thức món ăn mang đậm phong vị của người Sơn Tây đó là bánh tẻ. Người dân Sơn Tây vốn hiền hòa đôn hậu, tính cách đó đã đi vào nết ăn nết ở của người dân nơi đây. Người ta ăn cỗ phải có bánh chưng, bánh dày nhưng người Sơn Tây còn có thêm bánh tẻ. Bánh tẻ xuất hiện trong bữa ăn hằng ngày, và cả trong những dịp lễ tết. Nó không chỉ là món ăn dân dã bình thường mà còn là đại diện cho nét đẹp văn hóa, đặc trưng cho vùng đất này.

Ngoài Đường Lâm, nơi đây cũng được coi là 'lá phổi xanh giữa lòng thủ đô'

Bánh tẻ Thành cổ Sơn Tây 

Khác với những loại bánh ở nơi khác, bánh tẻ Thành Sơn chủ yếu gói bằng lá dong và bánh trải đều theo dọc sống lá. Bánh ở nơi khác còn có ruột ít lá nhiều nhưng bánh tẻ ở đây chỉ có một lượt lá bọc lấy hương vị toàn chiếc bánh, bên ngoài bọc lấy 1 lớp lá chuối khô để bánh không bị lòi ra. Sau khi gói xong, bánh được đem đi hấp chín. Hương vị của bánh tẻ Thành Sơn thơm ngậy nhưng khi ăn không hề có cảm giác ngấy. 

Thạch lá găng và bánh tẻ là những món ăn không thể bỏ qua khi đến với Thành cổ Sơn Tây. Trong những năm gần đây, du lịch ở Thành cổ Sơn Tây có phần khởi sắc hơn, nhờ đó mà người dân cũng có thêm thu nhập từ việc kinh doanh này.

 Trần Thanh (t/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang