Ngư dân khốn đốn vì sửa chữa tàu cá vỏ thép tiếp tục trễ

author 06:30 30/10/2017

(VietQ.vn) - Dù đã đến hạn cuối khắc phục sự cố tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67 hư hỏng tại Bình Định nhưng nhiều tàu vẫn chưa được sửa chữa xong khiến ngư dân khốn đốn.

Tin tức đăng trên báo Dân Trí, ngày 30/10 là hạn cuối để 2 công ty khắc phục xong sự cố tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67 hư hỏng tại Bình Định. Nhưng đến nay, nhiều tàu vẫn chưa được sửa chữa xong khiến ngư dân khốn đốn vì tàu nằm bờ quá lâu.

Theo Sở NN&PTNT Bình Định, sau khi bàn giao 7 tàu cá cho ngư dân, Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã lên đà tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan 4 tàu cá của các ngư dân: Trần Đình Sơn (huyện Phù Mỹ); Thái Văn Duyệt, Nguyễn Công Quý, Trần Minh Vương (huyện Phù Cát) để sửa chữa. Đồng thời, cử cán bộ kỹ thuật cùng với các ngư dân: Trần Văn Hạo, Trương Hoài Khánh (TP Quy Nhơn); Đinh Công Khánh, Lê Văn Thãi (huyện Phù Cát) đưa 4 tàu cá vào Cam Ranh (Khánh Hòa) để sửa chữa.

Công nhân đang nỗ lực sửa chữa tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ bị hư hỏng tại Bình Định. Ảnh: Dân Trí 

Nhiều tháng qua, ngư dân Lê Văn Thãi, chủ tàu vỏ thép BĐ 99016 TS (đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu) phải gác tất cả mọi việc gia đình, lo chạy đôn chạy đáo, yêu cầu doanh nghiệp nhanh chóng sửa chữa tàu đúng thời hạn (ngày 30/10).

Ông Thãi lo lắng cho biết: “Tàu đã được đưa vào Cam Ranh (Khánh Hòa), nhưng chưa thể lên đà sửa chữa. Cứ tình trạng này, tôi sợ đến năm 2018 mới hoàn thành việc sửa chữa. Tổng thiệt hại của gia đình tôi đã hơn 2 tỷ đồng, tôi yêu cầu công ty phải bồi thường cho chúng tôi vì đây là lỗi của công ty”.

Cùng chung cảnh ngộ, ngư dân Đinh Công Khánh (trú xã Cát Khánh, huyện Phù Cát), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99086 TS (đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu) vẫn bị chôn chân vì tàu hư hỏng. “Đến nay, tổng thiệt hại nằm tàu bờ gần 3 tỷ đồng nhưng ai sẽ đền cho chúng tôi. Ngân hàng thì liên tục đòi nợ, trong khi phía Công ty đóng tàu chưa nói gì. Tôi sẽ làm đơn gửi ra Trung ương, nhờ can thiệp giải quyết cho ngư dân”- ông Khánh chia sẻ.

Ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Nam Triệu cho biết: “Với 4 tàu cá sửa chữa tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan, chúng tôi đang tiến hành đại tu, thay thế các thiết bị phụ tùng máy thủy chính hiệu Doosan. Còn 4 tàu cá sửa tại Cam Ranh, Công ty cũng sẽ thay 4 máy thủy chính hiệu Mitsubishi 940 CV và sửa chữa, sơn lại phần vỏ tàu. Tuy nhiên, do thời gian gần đây mưa nhiều, ảnh hưởng đến tiến độ sửa chữa, nhất là đối với công đoạn sơn vỏ tàu cá, nên rất khó hoàn thành bàn giao 8 tàu này cho ngư dân trước ngày 30/10 như kế hoạch đã đề ra”.

Về việc ngư dân yêu cầu bồi thường thiệt hại trong thời gian tàu nằm bờ, ông Hùng nói: “Chúng tôi đang tập trung khắc phục, sửa chữa tàu cho dứt điểm nên việc đền bù sẽ chờ báo cáo sau”.

Trao đổi trên báo Tri thức trực tuyến, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, việc sửa chữa tàu cho ngư dân còn hơi chậm với dự kiến, một phần do thời tiết và do xưởng sửa chữa đáp ứng cùng lúc nhiều tàu. “Vừa rồi, Công ty Nam Triệu phải kéo 4 tàu vào Cam Ranh để sửa chữa, lắp máy mới. Chúng tôi đã yêu cầu Sở NN&PTNT của tỉnh cử ngay tư vấn vào Cam Ranh giám sát cụ thể quá trình sửa chữa. Mặt khác, Công ty Nam Triệu dù thực hiện nghiêm túc, tuy nhiên, khi phải thay toàn bộ máy mới theo yêu cầu của tỉnh, họ cũng gặp khó khăn về tài chính, nên triển khai chậm hơn”, ông Châu nói.

Khu Công nghệ cao TP. HCM phải phấn đấu trở thành Thung lũng Silicon của khu vực(VietQ.vn) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM phải phấn đấu trở thành Thung lũng Silicon của khu vực.

Riêng các tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng, ông Châu cho biết, công ty này đã chấp nhận đề nghị tháo bỏ các thiết bị không đúng chủng loại trên tàu. “Riêng việc dùng thép Trung Quốc, chúng tôi đang cho tính lại giá trị tàu, trên cơ sở đó, cùng ngân hàng, Sở NN&PTNT, nhà máy đóng tàu tính toán giá thành con tàu cụ thể cho ngư dân", ông Châu chia sẻ.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng cho biết, việc đề nghị giãn nợ cho ngư dân trong khi tàu bị hư hỏng nằm bờ, chờ khắc phục, tỉnh đã kiến nghị cụ thể với ngân hàng, tuy nhiên phía ngân hàng cũng chưa có ý kiến chính thức. Theo ông Châu, về hỗ trợ cho ngư dân trong thời gian tàu nằm bờ, Sở NN&PTNT Bình Định, cũng như UBND tỉnh đang thống kê, tính toán thiệt hại của ngư dân, hiện vẫn chưa xong. Từ cơ sở này, tỉnh sẽ mời các doanh nghiệp và thỏa thuận hỗ trợ cho ngư dân”.

Trước đó, Bộ NN&PTNT cũng báo cáo trước Quốc hội về vấn đề liên quan đến tàu cá vỏ thép bị hư hỏng. Theo đó, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương phải chịu toàn bộ chi phí sửa chữa, sơn lại 5 tàu do công ty nhà đóng, cũng như chi phí cho ngư dân những ngày tàu nằm bờ.

Riêng Công ty TNHH MTV Nam Triệu phải chịu toàn bộ chi phí trong việc thay mới máy thủy và sơn lại 11 tàu cá theo đúng hợp đồng đã ký với ngư dân; thay mới trục cơ, sửa chữa các hư hỏng máy Dosan, sửa chữa, bảo dưỡng sơn lại 1 tàu và chi trả kinh phí cho chủ tàu những ngày tàu nằm bờ.

Minh Châu (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang