Ngư dân không hề nao núng trước hành động thô bạo của Trung Quốc

author 14:49 27/05/2014

(VietQ.vn) - Trước thông tin Tàu Trung Quốc đâm thủng tàu của ngư dân Việt Nam chiều 26/5, Hội Nghề cá sẽ ra văn bản phản đối gửi tới cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế

Sáng 27/5, PV Chất lượng Việt Nam đã có cuộc  trao đổi với ông Trần Cao Mưu, Tổng Thư ký Hội nghề cá Việt Nam xung quanh tình hình biển Đông những ngày qua xuất hiện nhiều hành vi ngang ngược của tàu Trung Quốc (TQ) đối với ngư dân của chúng ta trong những ngày qua…

Ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội nghề cá Việt Nam

Thưa ông, Hội có phản ứng gì trước những hành vi càng ngày càng hung hăng, ngang ngược của TQ đối với ngư dân Việt Nam ngay trên vùng biển đặc quyền kinh tế của chúng ta?

Qua nhận định từ hiện trường, lực lượng tàu của TQ ngày càng kéo đông hơn tới vùng hạ giàn khoan Hải Dương 981, kể cả tàu quân sự và tàu cá. Những ngày qua, TQ đã có rất nhiều hành động ngang ngược thô bạo mang tính hung hăng gây hấn đối với ngư dân của chúng ta.

Với những hành động trên, rõ ràng TQ đã tự chà đạp lên uy tín danh dự của mình, phá vỡ tình hữu nghị truyền thống vốn có của nhân dân hai nước. Hội Nghề cá Việt Nam sẽ có văn bản gửi cơ quan chức năng trong nước, tổ chức bạn bè quốc tế nhằm lên án kịch liệt và yêu cầu TQ chấm dứt ngay hành động thô bạo đồng thời  rút giàn khoan ra khỏi vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trước hành động táo tợn của TQ, tâm lý của ngư dân mình đặc biệt những người đang trực tiếp tham gia đánh bắt tại khu vực giàn khoan hiện đang như thế nào?

Thông tin từ  các nghiệp đoàn nghề các tỉnh cũng như trực tiếp người dân đang khai thác đánh bắt  trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam đều chứng tỏ dù liên tục bị tàu TQ khiêu khích, áp sát thậm chí đâm va khiến tàu bị hư hỏng nặng nhưng ngư dân  ta đều nhanh chóng khắc phục, tiếp tục bám trụ để sản xuất. Ng dân không hề nao núng trước hành động thô bạo của TQ.

Vùng TQ hạ giàn khoan cũng là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Thời điểm này, ngư dân đang vào vụ khai thác chính. Thống kê hàng năm cho thấy, sản lượng thủy sản đánh bắt được ở vùng biển này cũng mang lại nguồn lợi chính, quan trọng nhất trong năm của ngư dân. Chính vì vậy, ngư dân ta quyết không từ bỏ ngư trường, bám biển tới cùng để khai thác đồng thời cũng là để khẳng định chủ quyền của chúng ta trên vùng biển này.

Tàu cá ngư dân Quảng Ngãi bị tàu ngư chính của TQ đâm hư hỏng nặng

Cho tới nay, đã gần 30 ngày TQ hạ giàn khoan trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đã có thống kê sơ bộ về mức độ thiệt hại của ngư dân khi bị tàu TQ cản trở, uy hiếp trong thời gian vừa qua chưa?

Tới thời điểm này, Hội cũng chưa nắm được đầy đủ thông tin về thiệt hại. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định TQ đã nhiều lần dùng tàu lớn đâm va  làm thủng tàu, hư hại thiết bị máy móc trên tàu của ngư dân. Với lòng dũng cảm, mưu trí ngư dân ta ngoài biển đã nhanh chóng khắc phục trở lại sản xuất, không hề nao núng bỏ về. Mặt khác, người dân trong bờ cũng đang nỗ lực dồn sức tăng cường lực lượng tàu thuyền để tiếp sức cho ngư dân ngoài biển.

Dễ dàng nhận thấy tương quan lực lượng quá chênh lệch giữa tàu cá TQ với tàu cá của ngư dân Việt Nam. Làm thế nào để ngư dân của ta được tiếp sức để có thể đối phó với những hành vi uy hiếp mang tính thô bạo của TQ ngay trên chính vùng biển chủ quyền của Việt Nam?

Trong khi tàu ngư dân của chúng ta hầu hết là tàu gỗ nhỏ, mã lực yếu thì tàu cá của TQ lại chủ yếu là tàu bọc sắt, được trang bị hiện đại, công suất gần 1000 mã lực. Ngay cả tàu cá bằng gỗ của TQ cũng to lớn có độ dài gấp rưỡi tàu cá (loại lớn) của Việt Nam. Với lực lượng như vậy, tàu cá TQ càng cậy thế để uy hiếp tàu cá Việt Nam. Hiện chỉ có tinh thần quyết tâm bám biển mới là điểm tựa để ngư dân chúng ta sẵn sàng ra khơi đối mặt với nhiều khó khăn trở ngại tới vậy.
Tôi được biết , trong ngày hôm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đã hoàn tất dự thảo Nghị định Phát triển ngành Thủy sản, gửi lên Thủ tướng.

Theo đó, sẽ có chương trình 10 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi, lãi suất 5% trong 10 năm để hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ théo vươn khơi xa. Nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đây chắc chắn sẽ là chính sách được ngư dân phấn khởi tiếp nhận, tiếp thêm sức mạnh để ngư dân bám biển giữ vững chủ quyền biển đảo

Được biết, kinh phí để đóng tàu sắt với công suất khoảng 600 mã lực, tốn khoảng 4,5 tỷ đồng. Với điều kiện hiện nay, liệu ngư dân của ta có dễ dàng đóng tàu mới ngay cả khi được hỗ trợ?

Dự thảo Nghị định Phát triển ngành Thủy sản  là một chính sách thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với ngư dân. Cụ thể, ngư dân sẽ được tiếp cận nguồn vay đơn giản hơn khi lấy  ngay  chiếc tàu đóng làm tài sản thế chấp.

So với tàu gỗ, tàu sắt sẽ có động cơ khỏe hơn, khả năng chống chịu sóng gió tốt hơn. Với trang thiết bị hiện đại, tàu sắt cũng có công dụng bảo quản sản phẩm chống thất thu sau đánh bắt. Thường khi bảo quản thủy sản sau đánh bắt trên tàu gỗ, ngư dân sẽ bị thất thoát khoảng 25-30%, tuy nhiên nếu dùng tàu sắt, tỷ lệ này giảm còn 10- 15% …

Dùng tàu sắt mang lại nhiều lợi thế cho ngư dân khi đánh bắt xa bờ, song ngư dân buộc phải chú ý tới khâu bảo dưỡng duy tu nhiều hơn. Cụ thể, để kéo dài tuổi thọ cảu tàu sắt, sau 6 tháng ngư dẫn sẽ phải lên đà để sửa chữa cạo hà, cạo gỉ sắt để sơn lại. Nếu điều kiện truyền đà tốt thì công việc này cũng chỉ mất khoảng gần 1 ngày với kinh phí cũng mất tương đối. Tuy nhiên, hệ thống truyền đà chỉ có chủ yếu tại các khu  đóng tàu lớn, còn tại các khu cửa lạch, nơi tàu thuyền ngư dân hay neo đậu thì lại rất ít thậm chí không có.

Thế kỷ 21 là thế kỷ của biển, đã tới lúc chúng ta cần một tư duy nghiêm túc về ngành khai thác thủy sản. Đây không chỉ là  một ngành nông nghiệp đơn thuần mà cần được coi là là công nghiệp khai thác cá. Có  như thế thì mới có tư duy đầu tư nghiêm túc phát triển đội tàu cá hùng mạnh khai thác đánh bắt xa bờ, đồng thời góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo.

Xin cám ơn ông!

Như báo chí đã đưa tin, vào lúc 16h hôm qua (26/5), tàu cá ĐNA 90152 của ngư dân Việt Nam đã bị tàu cá của Trung Quốc số hiệu 11209 đâm chìm ở phía Nam Tây Nam giàn khoan Hải Dương 981, cách giàn khoan khoảng 17 hải lý, là ngư trường truyền thống, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ngay sau khi bị đâm, tàu ĐNa 90152 đã bị phá nước và chìm. Cũng vào thời điểm đó, có 10 ngư dân trên tàu đã được tàu ĐNa 90508 đang ở gần đó cứu vớt kịp thời nên không có thiệt hại về người, hiện sức khỏe các ngư dân hiện đã ổn định. Được biết, ở thời điểm xảy ra sự việc, có 40 tàu cá Trung Quốc ngang ngược bao vây nhóm tàu cá ta.

Trước thông tin này, sáng 27/5, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm – Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã xác nhận sự việc và khẳng định, khu vực mà tàu Trung Quốc ngang nhiên đâm chìm tàu Việt Nam hoàn toàn là khu vực tác nghiệp hợp pháp của các tàu cá Việt Nam. “Tuy nhiên, lực lượng chức năng không quay, chụp lại được hình ảnh đâm va của tàu cá Trung Quốc bởi khu vực tàu cá Việt Nam bị đâm cách xa giàn khoan 13 hải lý, trong khi lực lượng cảnh sát biển đang tiếp cận gần giàn khoan 8-9 hải lý. Vì tàu cảnh sát biển không cùng hướng với tàu cá bị đâm nên không trực tiếp chứng kiến sự việc mà chỉ được báo cáo lại”, Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam cho biết.


Hoàng Vũ (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang