Bệnh viện tuyến dưới không được dùng thuốc ngoại?

author 11:04 23/02/2014

Một thực tế diễn ra nhiều năm nay là các tỉnh nghèo thường có kết dư quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) lại phải bù bội chi cho các tỉnh giàu. Có ý kiến cho rằng điều này có nghĩa là người nghèo tham gia BHYT đang phải góp tiền bù đắp chi phí khám chữa bệnh cho người giàu. Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế - Bộ Y tế, đã trả lời phỏng vấn của TBKTSG chung quanh vấn đề này.

Bà Tống Thị Song Hương.

TBKTSG: Bà nghĩ gì trước ý kiến cho rằng người giàu đang hưởng lợi từ quỹ BHYT nhiều hơn người nghèo, nhìn từ góc độ kết dư quỹ BHYT?

Bà Tống Thị Song Hương: Nguyên tắc của BHYT là đóng theo thu nhập và hưởng theo mức độ bệnh tật, và theo nhóm đối tượng, tức bệnh nặng thì được hưởng nhiều, bệnh nhẹ thì hưởng ít hơn. Ngành y tế cũng thực hiện khám chữa bệnh BHYT theo phác đồ điều trị nên không hẳn người giàu được chi nhiều hơn.
Tuy nhiên, như ở các tỉnh miền núi, điều kiện giao thông khó khăn, trình độ của đội ngũ y tế còn hạn chế, trang thiết bị khám chữa bệnh còn yếu, dịch vụ y tế không phát triển nên không đủ cơ sở để chi cho người bệnh. Kết quả là tỷ lệ kết dư BHYT lớn.

Song, nói tỉnh nọ bù cho tỉnh kia thì không hẳn đúng. Nhìn ở góc độ tiền thừa thì mới thấy vậy chứ trong thực tế, ngành y tế đang phân tuyến kỹ thuật, tức bệnh nhẹ điều trị ở tuyến dưới, bệnh nặng điều trị ở tuyến trên. Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương cũng khám chữa bệnh cho rất đông bệnh nhân từ các tuyến dưới chuyển lên, nhiều trường hợp bệnh nặng và cũng đã được điều trị ở giai đoạn trước đó rồi.

Điểm quan trọng của BHYT không phải là chi nhiều hay chi ít mà là chi có đúng người bệnh hay không, có lạm dụng hay không và việc chi đó có hiệu quả để cứu người bệnh hay không.

TBKTSG: Tính đến hết năm 2012, kết dư quỹ BHYT là 12.800 tỉ đồng. Có ý kiến cho rằng để giảm sự bất bình đẳng trong thụ hưởng BHYT thì phần kết dư ấy nên để lại cho các tỉnh sử dụng và đầu tư vào trang thiết bị y tế, đội ngũ cán bộ… Ý kiến của cơ quan quản lý về vấn đề này như thế nào?

- Luật BHYT năm 2008 quy định trường hợp địa phương có kết dư quỹ BHYT sẽ được sử dụng một phần để đầu tư nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhưng một thời gian dài chưa thực hiện được. Vừa rồi, khi xây dựng Luật BHYT sửa đổi, vẫn còn tồn tại hai luồng ý kiến.

Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng đối với những tỉnh kết dư, sau khi có một nguồn quỹ dự phòng tương đối ổn định thì nên phân bổ một tỷ lệ kết dư cho các địa phương để nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo cán bộ, tuyên truyền và hỗ trợ người bệnh tham gia BHYT. Điều này nhằm gắn trách nhiệm của các địa phương vào việc tổ chức, quản lý hiệu quả quỹ BHYT.

Luồng ý kiến thứ hai là quỹ BHYT phải được thực hiện tập trung, thống nhất trong phạm vi quốc gia, đảm bảo chia sẻ rủi ro giữa các nhóm đối tượng trong phạm vi cả nước. Đây là mô hình quỹ ngắn hạn trong một năm. Vì vậy, quỹ nên tập trung để dự phòng và chia sẻ, điều tiết cho các địa phương.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, ý kiến phát biểu của đại diện các địa phương cũng theo hai hướng như vậy. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ tổ chức thêm các cuộc hội thảo lấy ý kiến xung quanh vấn đề này.

TBKTSG: Liệu việc quy định mức trần chi trả BHYT có hợp lý không, thưa bà?

- Về nguyên tắc thì không nên quy định trần chi trả BHYT, nhất là đối với các tuyến dưới để nếu tình trạng bệnh của bệnh nhân cần điều trị nhiều tiền thì quỹ phải hỗ trợ và chia sẻ với họ. Nhưng thực tế là có quy định trần nhằm mục đích giảm chi trả từ quỹ BHYT cho bệnh nhân chuyển tuyến và tránh tình trạng lạm dụng quỹ ở tuyến trên. Hiện nay, quy định trần không dành cho tuyến huyện mà chỉ áp dụng cho tuyến tỉnh để hạn chế bệnh nhân chuyển lên tuyến trên. Như vậy, bệnh nhân tuyến dưới thì điều trị bao nhiêu cũng được nhưng khi lên tuyến trên thì phải có trần chi trả.

TBKTSG: Còn về thuốc, tại sao bệnh viện tuyến cơ sở chỉ được dùng thuốc nội trong khi bệnh viện ở thành phố thì được sử dụng thuốc ngoại, đắt tiền và chi phí điều trị cũng cao hơn?

- Bộ Y tế đang khuyến khích các bệnh viện tăng cường sử dụng thuốc nội để điều trị cho bệnh nhân. Thuốc ngoại mà không hợp cũng chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng thực tế quá trình điều trị có nhiều diễn biến có thể xảy ra. Bệnh viện tuyến trên sử dụng thuốc ngoại và chi phí chữa trị cao hơn vì theo phân tuyến kỹ thuật, trong trường hợp yêu cầu điều trị bệnh vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật của tuyến dưới thì được chuyển tiếp lên tuyến trên. Phần lớn bệnh nhân chuyển lên tuyến trên là đã kháng thuốc, bệnh đã nặng, cần thay bằng thế hệ thuốc mới.

Các bệnh chuyên khoa thì phải dùng các loại biệt dược, rất đặc thù. Ví dụ như bệnh tim, Việt Nam chưa sản xuất được một số thuốc đặc trị và thường thì bệnh này tuyến dưới không thể chữa trị phải chuyển lên tuyến trên.

TBKTSG: Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật BHYT có những thay đổi gì nhằm hạn chế những bất cập này, thưa bà?

- Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung có nhiều điểm mới so với Luật BHYT năm 2008. Thứ nhất, dự thảo bắt buộc mọi người đều phải tham gia BHYT vì như vậy mới có nguồn quỹ đủ để chi cho bệnh nhân. Thứ hai, trong các đối tượng tham gia BHYT có một số đối tượng tự đóng nên họ sẽ phải tham gia theo hộ gia đình. Theo kênh này, mức đóng được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi. Cụ thể, người thứ nhất đóng tối đa 6% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Dự thảo cũng gắn trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh trong việc chỉ đạo thực hiện BHYT và gắn trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc lập danh sách các đối tượng tham gia BHYT để tránh cấp trùng thẻ BHYT và kịp thời phát thẻ BHYT cho các nhóm đối tượng tham gia.

Dự thảo luật lần này cũng quy định gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả, được xác định là những dịch vụ y tế thiết yếu phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, phù hợp khả năng chi trả của quỹ.

Bên cạnh đó, mức hưởng BHYT cũng sẽ thay đổi theo từng đối tượng. Ví dụ, quỹ BHYT sẽ thanh toán 100% chi phí chữa bệnh cho đối tượng là người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội và thân nhân người có công.

Theo SGtime

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang