Người sống sót cũng không thể biết nhiêu người chết ở Phillippines

author 11:37 14/11/2013

Có thông tin không chính thức là 10.000 người chết ở Phillippines, nhưng thông tin chính thống mới thống kê được 1.200 người. Những người sống sót thì đang kiệt sức.

Trên thềm Tòa thị chính Tacloban (Philippines), tôi tình cờ làm quen với cô sinh vên Mae Lyka Guardino và gia đình cô. Cuộc trò chuyện với Mae cho tôi hình dung sâu hơn cái khốn khó của người Tacloban sau siêu bão Hải Yến (người Philippines gọi là bão Yolanda).

Người chết Phillippines vẫn còn nhiều, người sống sót thì kiệt quệ

 Người chết Phillippines vẫn còn nhiều. Mae (đứng, thứ 2 từ trái qua) cùng các thành viên trong gia đình - Ảnh: Đỗ Hùng

* Xin chào, tên bạn là gì?

- Mae, Mae Lyka Guardino.

* Tại sao bạn lại đến đây ?

- Bão Yolanda phá hủy nhà em. Em và các thành viên gia đình phải đến đây lánh nạn.

* Gia đình em đều sống sót à?

- Dạ. Cũng thật là may!

* Mae còn đi học không? Trước bão ấy.

- Còn! Em là sinh viên Leyte Normal University.

* Ở đây thì ăn uống như thế nào?

- Nhờ cứu trợ ạ. Từ sau bão, gia đình em mới một lần nhận được hàng cứu trợ vào hôm thứ bảy.

* Chừng ấy đủ dùng trong mấy ngày?

- Được ngày nào hay ngày ấy anh ạ. Phải tiết kiệm hết sức. Mì gói thì pha thật loãng để dùng được lâu.

* Thế còn ngủ? Mae và gia đình ngủ ở đâu?

- Ở đây. Dưới nền này. (Cô chỉ tay xuống nền xi măng thềm Tòa thị chính Tacloban).

* Nước thì thế nào?

- Nước thì phải đi xin để uống và nấu ăn.

* Còn tắm rửa, giặt giũ?

- Hằng ngày bọn em đi lang thang ngoài phố, tìm chỗ nào có nước thì chui vào tắm giặt. Khó kiếm lắm. Nước máy thì không có; giếng khoan rất ít. 

 

 
Mae mong cuộc sống trở lại bình thường - Ảnh: Đỗ Hùng

 

* Còn đi vệ sinh?

-  Cũng vậy à. Ráng tìm bất cứ chỗ nào phù hợp để đi thôi.

* Sau bão, em có liên lạc được với bà con, bạn học không?

- Có liên lạc được với gia đình một bà cô. Còn một bà cô nữa thì ở đâu không biết. Hy vọng họ an toàn. Em cũng mượn điện thoại của một người bạn để nhắn tin và biết được một bạn thân học cùng lớp an toàn.

* Ở đây có sóng điện thoại à?

- Lúc có lúc không. Em phải nhắn mấy chục lần mới được một cái tin. Gọi thì chịu.

* Không internet, không điện thoại, truyền hình, báo chí, em có biết gì bên ngoài Tacloban không?

- Không hề. Chính vì thế em muốn nói chuyện với anh. Em muốn cập nhật tình hình. Chẳng hạn như bây giờ con số thống kê chính thức là mấy người chết. Sau bão, những lúc em đi xuống phố tìm nước sạch, thấy cảnh hoang tàn đau lòng lắm. Nhiều người chết nằm rải rác.

* Có thông tin không chính thức là 10.000 người chết, nhưng nghe đâu mới thống kê được 1.200 người.

- Hy vọng bà con, bạn bè em đều an toàn.

* Mae nghĩ bao giờ thì có thể đi học trở lại?

- Cũng không biết nữa. Chắc phải vài tháng, mà có thể là một năm.

* Mae sẽ tiếp tục đi học chứ?

- Tất nhiên rồi. Em sẽ đến lớp đầu tiên.

* Bây giờ Mae mong muốn điều gì nhất?

- Mong cuộc sống trở lại bình thường. Có điện. Có nước. Có thể liên lạc. Nhưng khó quá anh à. Anh thấy rồi đấy.

 

Khi tôi ngỏ ý muốn đưa câu chuyện của Mae lên báo, cô gật đầu, rồi hỏi: “Anh có thể đăng hình gia đình em được không?”. “Được chứ. Nhưng  để làm gì?”. "Em có người cậu ở Nam Phi. Chắc mấy hôm nay cậu lo lắng lắm. Nếu anh đăng báo, thông tin có trên internet, biết đâu cậu đọc được sẽ đỡ lo”.

Tôi liền chụp hình các thành viên trong gia đình, gồm 5 người. Còn 4 người nữa trong gia đình mở rộng của cô cũng an toàn nhưng lúc bấy giờ đã xuống phố “lang thang đi tìm kiếm thứ gì đó có thể ăn uống được”.

Mae ghi cho tôi tên những thành viên trong gia đình lớn của cô, gồm: Ludivico Malibago (cha), Liberty Guardino (mẹ), Rizalina (dì), Raizon Toribio (em họ, con dì Rizalina) và Mae. Người cậu ở châu Phi là Antonio Guardino.

Buổi sáng hôm sau, trong khi tôi loay hoay chuẩn bị cho một ngày tác nghiệp quanh Tacloban nữa, Mae chợt nói: “Anh ăn sáng nhé. Có mì gói đấy”. Tôi gật đầu, vì thực sự cũng rất đói và không biết hôm nay sẽ ăn những gì, ở đâu khi cả thành phố đều đói còn tôi thì không có ý định đi cùng đoàn xe cứu trợ của quân đội để ăn ké cơm nhà binh nữa.

Mae múc cho tôi một chén đầy. Tôi nói nửa chén thôi, rồi sớt lại. Đó là một nửa chén mì gói rất nhiều nước và muối.

Theo Đỗ Hùng, báo Thanh Niên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang