Dân Hà Nội kỳ vọng: Xe buýt nhanh thay thế xe máy đi làm hàng ngày

authorHoàng Dương 14:35 15/12/2016

(VietQ.vn) - Buýt nhanh BRT chính thức chạy thử nghiệm kĩ thuật từ ngày hôm nay (15/12). Dân Hà Nội kỳ vọng, nó sẽ thay thế chiếc xe máy đi làm hàng ngày.

Sự kiện:

Người dân háo hức chờ đợi buýt nhanh

Từ hôm nay 15/12, Transerco bắt đầu chạy thử nghiệm để khớp nối kỹ thuật (chưa chở khách) tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên lộ trình Yên Nghĩa – Kim Mã. Theo phương án do Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở GT-VT Hà Nội) xây dựng, tạm thời tuyến buýt nhanh BRT vẫn sử dụng vé giấy, bán tại cửa nhà chờ, với giá 7.000 đồng/vé. Thời gian đầu, tuyến buýt sẽ sử dụng 24 trên tổng số 35 xe, trong đó, hoạt động thực tế là 20 xe/ngày, dự phòng 4 xe/ngày.

Trước những thông tin buýt nhanh BRT, người dân Hà Nội đa phần háo hức về loại hình phương tiện công cộng mới này. Nhiều người hi vọng rằng, buýt nhanh BRT thực sự phát huy những tiện ích như kì vọng để người dân có thể để xe máy ở nhà và sử dụng buýt nhanh như một phương tiện công cộng hàng đầu khi tham gia giao thông.

Kia Sportage: ‘Ngon bổ rẻ’ nhưng tại sao vẫn ế tại thị trường Việt?(VietQ.vn) - Dù sở hữu thiết kế đẹp mắt, khả năng vận hành tốt, giá cả hợp lý song Kia Sportage lại liên tục lọt top những chiếc xe bán kém nhất tại thị trường Việt.

Cô Nguyễn Thùy Linh ( Hà Đông – Hà Nội ) cho biết, từ khi biết đến đề án buýt nhanh chạy lộ trình Yên Nghĩa – Kim Mã, cô rất háo hức và hi vọng đây sẽ là tuyến buýt mang lại những lợi ích thực sự cho người dân. Bởi những tuyến buýt thông thường tại thủ đô dường như là quá tải. Mỗi ngày, tuy rằng, có hàng nghìn lượt xe buýt chạy. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập. Đặc biệt, là việc xe buýt cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng ùn tắc giao thông giờ cao điểm.

“Nhiều người dân như cô chẳng hạn, vẫn chưa thực sự mặn mà lắm với xe buýt thủ đô hiện tại. Bởi, mỗi khi giờ cao điểm, lựa chọn xe buýt là sự chọn lựa rất khó khăn. Đi xe buýt giờ cao điểm không khác gì cực hình, khách đông, đường tắc, người người chen nhau.

Thế nên, mong rằng, với buýt nhanh BRT sẽ mở ra một hướng đi mới cho xe buýt nội đô và góp phần thúc đẩy vận chuyển hành khách nhanh  hơn nữa. Làm sao để người dân sẽ thực sự coi buýt nhanh như một phương tiện công cộng số 1. Cô rất háo hức chờ ngày buýt nhanh BRT chính thức đón khách” – cô Thùy Linh nói.

 Nhiều người dân háo hức đợi chờ những điểm tích cực từ xe buýt nhanh BRT

Còn với chú Nguyễn Mạnh Hùng, buýt nhanh BRT được chú kỳ vọng sẽ thay thế chiếc xe máy đi làm hàng ngày.

“Chú nhà ở Trần Phú (Hà Đông) và đi làm ở Láng Hạ (Ba Đình). Thường đi xe máy sẽ mất trung bình khoảng 30 phút mỗi sáng để đến cơ quan. Thậm chí, nhiều ngày tắc đường, bị muộn làm, từ nhà đến cơ quan mất những 2 giờ đồng hồ. Hơn hết, chú già rồi, đi làm bằng xe máy thường rất vất vả,  thậm chí là thấy không an toàn.

Chú đã đi thử xe buýt một vài ngày. Tuy nhiên, cũng không khá khẩm hơn là bao. Thậm chí, lượng khách đổ dồn giờ cao điểm quá đông dẫn đến chen chúc nhau và vẫn muộn làm như thường. Thế nên, từ khi biết đến dự án buýt nhanh BRT của thành phố, chú rất háo hức chờ đợi. Mong rằng, buýt nhanh sẽ phát huy được vai trò và là phương tiện đi làm an toàn cho những người sắp về hưu như chú” – chú Hùng chia sẻ.

Cấm đường cho buýt nhanh có gây ùn tắc giao thông?

Trong buổi chạy thử nghiệm sáng nay của tuyến buýt nhanh BRT, hầu hết phần đường ưu tiên dành cho tuyến buýt nhanh theo lộ trình Yên Nghĩa – Cát Linh đã được cơ quan chức năng cấm các phương tiện khác di chuyển vào. Nhiều người đi đường cảm thấy ngỡ ngàng, thậm chí là lo ngại tình trạng cấm một phần đường sẽ dẫn đến ùn tắc nghiêm trọng tại một số tuyến đường nhỏ, hẹp như Láng Hạ, Giảng Võ …

Anh Nguyễn Hưng Hùng (Láng Hạ - Hà Nội) chia sẻ: "Sáng nay, bỗng nhiên thấy lực lượng chức năng cấm một phần đường mình mới biết đến việc hôm nay chạy thử buýt nhanh BRT. Tuy nhiên, dù chưa quen nên đại bộ phận người dân có chút bỡ ngỡ và giao thông bị xáo trộn".

“Tuyến đường Láng Hạ thường ngày đã quá tải các phương tiện di chuyển, giờ cao điểm thường xuyên ùn tắc. Sáng nay, vì dành riêng một phần đường cho buýt nhanh BRT nên con đường Láng Hạ đã chật hẹp lại bé nhỏ hơn.  

Giờ cao điểm ùn tắc vẫn tiếp diễn, thậm chí là tắc hơn ngày thường và kéo dài nhiều giờ. Đa số người dân đi xe máy phải di chuyển trên vỉa hè để nhường lòng đường cho xe ô tô. Cùng với việc không khí lạnh tăng cường kèm mưa phùn đã khiến cho việc di chuyển của người dân qua đây hết sức khó khăn” – Anh Hùng nói.

 Nhiều người dân cũng băn khoăn về những bất cập của nhà chờ xe buýt nhanh

Ngoài những băn khoăn như anh Hùng, nhiều người dân thủ đô cũng băn khoăn đến việc khi tuyến buýt nhanh chính thức được đưa vào hoạt động, giờ cao điểm, xe khách, xe tải (trên 500kg) sẽ bị cấm, một số cầu vượt cũng sẽ cấm xe thô sơ, xe máy, điều này liệu có khiến cho giao thông có thể sẽ bị xáo trộn đặc biệt thời điểm cuối năm những ngày lễ, Tết cận kề?!

Những người dự định sẽ tham gia giao thông bằng xe buýt nhanh cũng băn khoăn không kém. Cô Mai Thu Hương (Lê Văn Lương – Hà Nội) cho rằng, với việc xây dựng các nhà chờ ở giữa đường, người dân khi di chuyển sang nhà chờ khá bất tiện. Hơn hết, rất dễ xảy ra những va chạm với các phương tiện khác đang lưu thông khi qua đường.

“Là một người thường xuyên đi xe buýt, cô thấy việc xây dựng nhà chờ ở giữa đường là nguy hiểm, nhất là những người già như cô. Nếu di chuyển qua đường để đến với nhà chờ xe buýt sợ rằng sẽ xảy ra tai nạn. Vậy nên, cô đang suy xét xem, có nên lựa chọn buýt nhanh là phương tiện di chuyển trong thời gian tới hay không?” – Cô Hương tự hỏi.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang