Người đàn ông cụt chân chuyên lợi dụng lòng tốt người đi đường bị ‘vạch mặt’

authorHoàng Nguyên 06:29 09/06/2016

(VietQ.vn) - Ai đi qua đoạn đường Nam Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) hãy cảnh giác với người đàn ông cụt chân, sơ vin, xách cặp và vẫy xe đi nhờ.

Ngày 8/6, sau thời gian dài vắng bóng, người đàn ông cụt chân chuyên lợi dụng lòng tốt của người đi đường để xin tiền mà báo chí nhiều lần phản ánh đã tái xuất ở khu vực cao tốc Thăng Long – Nội Bài.

Người đàn ông cụt chân chuyên lợi dụng lòng tốt người đi đường "tái xuất". Ảnh Otofun 

Trên diễn đàn otofun, một thành viên tên Cường kể lại đã gặp người đàn ông này ở cao tốc Thăng Long trong bộ dạng mệt mỏi, sơ vin, xách cặp và kẹp nạng tập tễnh lê trên đường. Hoàn cảnh trên khiến anh Cường thương cảm.

“Tôi bị đau chân, đi khám ở viện K bác sĩ bảo bị rò tủy nên phải ở lại viện lấy kết quả. Hai hôm viện phí và ăn uống hết tiền, đêm qua tôi ngủ ở ghế đá bệnh viện. Chiều nay tôi đi nhờ xe bus ra Mỹ Đình, lên xe khách bảo họ là đi khám hết tiền xin đi nhờ họ không cho, sau đó lên xe khách để lúc nào họ thu tiền thì xin sau thì họ cho tôi xuống đây”, anh Cường kể lại cuộc trò chuyện với người đàn ông cụt chân.

Thành viên Cường vì cảm thương hoàn cảnh éo le nên đã cho anh ta 100 nghìn để đi đường.

Khi đăng câu chuyện này lên diễn đàn, anh Cường còn cho rằng xã hội sao có nhiều người vô cảm đến vậy, thấy người đàn ông cụt chân tập tễnh đi trên đường mà chẳng ai dừng lại hỏi thăm. Tuy nhiên, nhờ bình luận của những thành viên “biết chuyện”, có lẽ anh Cường đã nhận ra mình gặp phải dân xin tiền chuyên nghiệp.   

Vào năm 2014, anh chàng cụt chân này đã nổi tiếng bởi chiêu lợi dụng lòng tốt người đi đường để xin tiền. Anh ta xuất hiện ở nhiều nơi tại Hà Nội vẫn với “kịch bản” quê ở Hà Giang, đi khám bệnh nhưng bị hết tiền…

Báo chí cũng từng phản ánh: “Cảnh giác với gã cụt chân, chuyên lợi dụng lòng tốt người đi đường”. Cụ thể, trên đường từ Hà Nội đi Nội Bài, đoạn qua cầu vượt Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội), phóng viên có gặp một người đàn ông khoảng 40 tuổi, cụt một chân, xách cặp đang khập khiễng đi bộ theo hướng Hà Nội – sân bay Nội Bài.

Chân dung người đàn ông cụt chân, chuyên "moi" tiền người đi đường. Ảnh: Viết Cường

Thấy cảnh tượng éo le, tôi dừng xe lại hỏi anh ta đi đâu. Người đàn ông cho biết, anh ta đi Hà Giang, nhưng do hết tiền nên đành phải đi bộ, gặp ai thì xin đi nhờ, được đoạn nào hay đoạn đó. Thấy vậy, phóng viên ngỏ lời giúp đỡ: “Anh lên đây em chở, đến ngã 3 đoạn đi Vĩnh Phúc thì anh bắt xe khác đi tiếp vì em phải về Nội Bài”.

Người đàn ông cụt chân nhanh nhẹn leo lên đằng sau xe. Trên đường đi phóng viên hỏi hoàn cảnh, anh này cho biết mới xuống bệnh viện Việt Đức để mổ chân, mang theo 2 triệu nhưng do phát sinh thêm tiền thuốc nên không đủ tiền để điều trị, đành phải về Hà Giang lấy thêm tiền.

Anh ta còn kể, có hai con nhỏ hiện đang ở với ông bà nội trên Hà Giang, vợ bỏ đi Đài Loan 5 năm nay không về.

Đi được khoảng 2km, anh ta xin xuống xe với lí do để đi nhờ xe khác. “Chỗ này gần lên dốc, chắc nhiều xe sẽ đi chậm, có thể họ cho anh đi nhờ” - người đàn ông tật nguyền thều thào nói.

Đi được một đoạn, nghĩ đến hoàn cảnh đáng thương của người đàn ông tật nguyền bị vợ bỏ, tôi bèn quay xe lại và hỏi anh ta vé xe về Hà Giang bao nhiêu? Anh ta nói: “Khoảng vài trăm thôi, trong túi anh cũng còn một ít, em giúp anh được tí nào hay tí đó”. Tôi bèn mở ví, đưa cho anh ta 100 nghìn và nói: “Em không có nhiều, anh cầm tạm để đi đường”.

Lúc tôi đưa tiền, xuất hiện một người phụ nữ đi xe máy đến và đỗ gần chúng tôi. Khi tôi đi được một đoạn, người phụ nữ đi xe máy lên chỗ tôi và nói: “Em ơi, em bị nó lừa rồi”.

Người đàn ông vội vàng leo lên xe đi khi thấy tôi chạy đến. Ảnh: Viết Cường

Tôi ngớ người ra vì không hiểu chuyện gì, chị này kể: “Một tuần nay chị đi qua đây 3 lần thì đều nhìn thấy nó đứng ven đường để xin đi nhờ xe. Hôm đầu, chị cho nó đi nhờ, nó kể với chị nó tên Long, quê ở Hà Giang, mới bị gãy chân nên phải xuống viện Bạch Mai điều trị. Tưởng là chữa 3 ngày sẽ xong nhưng bệnh viện bắt nằm đó 1 tuần. Vì không có ai trông nom, tiền viện thì hết nên phải đi về nhờ như thế này.

"Chị chở nó đến ngã 4 Nội Bài thì nó xin xuống, chị có cho nó 2 trăm nghìn. Lấy tiền xong, nó lại bảo, thôi cho anh đi nhờ một đoạn nữa. Sau đó chị lai nó đến Phúc Yên (Vĩnh Phúc) thì nó xuống. Vì quan tâm nên chị có xin số điện thoại của nó. Đến chiều chị gọi điện cho nó để hỏi xem đã về đến nhà chưa, nó bảo vẫn chưa bắt được xe về. Tối chị gọi thêm lần nữa thì nó bảo về đến nhà rồi, cảm ơn em nhé”, người phụ nữ nói.

Người phụ nữ này tên Liên, quê ở Vĩnh Phúc. Chị Liên cho hay, hôm đó là chiều thứ 7 ngày 12/4. Thứ hai tuần sau, chị xuống Hà Nội lại gặp gã đàn ông đi trên con đường cũ.

Chị Liên nhớ lại: “Lần thứ 2 đi qua chị lại gặp nó, tuy nhiên chị bịt khẩu trang nên nó không nhận ra chị. Chị hỏi nó “anh ơi anh đi đâu mà lại như thế này?”. Nó lại kể đi xuống nhà họ hàng ở Hà Nội nhưng đi đường bị móc hết tiền.... Chị lai nó đi được một đoạn nhưng nghĩ đây là thằng gian dối nên chị bảo nó xuống xe”.

Đấy là lần thứ hai, lần thứ ba vào thứ 7 ngày 19/4, chị Liên lại gặp gã ở chỗ cũ, cũng vẫn với hoàn cảnh cũ.

Khi nghe xong câu chuyện, tôi vội vàng quay xe lại mục đích chụp một kiểu ảnh của gã rồi viết bài để mọi người cảnh giác. Nhưng vừa thấy tôi, hắn vội vàng vẫy xe ô tô đi Lập Thạch – Vĩnh Phúc. Tôi vẫy tay ra hiệu cho lái xe dừng lại và đến trước của xe nói: “Mọi người cảnh giác, đây là thằng chuyên đi lừa đảo người đi đường”. Sau đó tôi giơ máy ảnh lên để chụp, mặt gã vênh lên thách thức: “Chụp thoải mái đê, mày làm gì được tao”.

Rồi chiếc xe chuyển bánh.

Về đến nhà, tôi kể lại câu chuyện trên cho mọi người nghe. Ai nấy đều bảo tôi ngu quá. Vâng, đúng là thế. Tôi ngu vì tôi thương người.

Nay tôi viết lại câu chuyện trên và có đăng ảnh của gã "tật nguyền", mong mọi người xem để cảnh giác. Quan trọng hơn cả là các cơ quan chức năng nếu thấy người trong ảnh ở địa phương mình thì nên tìm gặp và có biện pháp giáo dục.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang