Người dạy nông dân trồng vụ lúa xuân

author 08:04 28/04/2013

(VietQ.vn) - Giáo sư Bùi Huy Đáp là tác giả tạo ra vụ lúa xuân ở miền Bắc và là người đi đầu trong việc xây dựng nền Khoa học nông nghiệp Việt Nam theo đường lối quần chúng. Những đóng góp khoa học của ông luôn được đồng nghiệp và các thế hệ sau ghi nhận và họ vẫn gọi ông một cách trìu mến là “cha đẻ của lúa xuân”.

Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo vùng chiêm trũng của Nam Định, như cây lúa quê mình, ngay từ nhỏ, Bùi Huy Đáp đã có ý chí vươn lên trong cái nghèo khổ. Và có lẽ vậy, cùng với tình thương mảnh đất nguồn cội của mình mà dù đỗ đầu tú tài Triết học nhưng Bùi Huy Đáp lại lựa chọn vào học trường Canh nông Đông Dương. Năm 1940, sau khi tốt nghiệp đại học, ông giảng dạy và làm Đốc học tại trường Canh nông Huế đến hết năm 1945.

GS Bùi Huy Đáp
GS Bùi Huy Đáp

Năm 1968, Bùi Huy Đáp đánh dấu sự nghiệp của mình bằng việc nghiên cứu kỹ thuật gieo trồng giống lúa mới để mở thêm vụ đông và hình thành vụ lúa xuân ở nước ta. Từ những khó khăn thực tế trong gieo trồng, hiệu quả thu hoạch lúa chiêm, kết hợp với việc nghiên cứu thời tiết, khảo sát địa hình miền Bắc, ông đã táo bạo đề xuất bỏ vụ lúa chiêm thay thế bằng vụ xuân. Do vụ xuân được gieo trồng muộn hơn, thời gian thu hoạch được rút ngắn nên nông dân có thể gối vụ đông.

Quy trình kỹ thuật được bà con nông dân ở một số vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ tiếp cận, đưa vào ứng dụng, đặc biệt vào năm 1968, Hợp tác xã Hồng Thắng thuộc huyện Hải Hậu (Nam Định) đã đạt sản lượng 45-50 tạ/ha (gấp 3 lần lúa vụ chiêm – 18 tạ/ha). Những ưu việt của quy trình sản xuất, sản lượng vụ lúa xuân, lại có thể gối vụ đông đã được nông dân hưởng ứng và áp dụng rộng rãi trên khắp miền Bắc. Công trình nghiên cứu ứng dụng này vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu, năm 1996.

GS.TS Nguyễn Văn Thưởng, nguyên Giám đốc Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận xét trong buổi làm việc với Trung tâm, ngày 19-4-2013: "Nghiên cứu của ông (tức GS Bùi Huy Đáp - TG) không chỉ góp phần vào việc thay đổi đời sống nông thôn, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong kỹ thuật canh tác lúa ở nước ta mà còn góp phần vào những chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước".

Với những đóng góp trong giảng dạy đào tạo và nghiên cứu khoa học của mình, năm 1980, GS Bùi Huy Đáp được phong hàm Giáo sư về Nông nghiệp. Cho đến những ngày cuối đời, dù phải chống chọi với hậu quả của một cơn tai biến mạch máu não, GS Bùi Huy Đáp vẫn không ngừng cống hiến cho khoa học nông nghiệp.

Trong buổi đặt vấn đề nghiên cứu với gia đình GS Bùi Huy Đáp, con trai trưởng của Giáo sư - anh Bùi Trường Giang cũng chia sẻ: Cha tôi là người tận tụy, không ngừng học hỏi từ người thân, đồng nghiệp, bạn bè, các cán bộ dưới quyền, học trò, thậm chí học hỏi cả những người nông dân. Cả đời ông gắn với cây lúa và rất gần gũi với bà con nông dân.
 

Giáo sư Bùi Huy Đáp sinh ngày 15-12-1919 tại xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Ông từng đảm nhận nhiều trọng trách: Tổng Thư ký Bộ Canh nông, Phó Giám đốc Nha Nông chính (8-1945); Phó Giám đốc kiêm Trưởng Nha Nông chính Khu IV, Viện trưởng đầu tiên của Viện Trồng trọt (1952); Viện trưởng Viện Khảo cứu Nông Lâm (1955); Giám đốc đầu tiên của trường Đại học Nông Lâm (1956); Phó Giám đốc Học viện Nông Lâm (1959); Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp (1961) kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp (1963); Vụ trưởng Vụ Khoa học Kỹ thuật, Bộ Nông nghiệp (1972); Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước (1977).

 Với những đóng góp của mình, ông được Đảng và Nhà nước   trao tặng Danh hiệu Chiến sĩ thi đua đợt đầu tiên năm 1952, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Hai Huân chương Lao động hạng Nhì; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ đợt 1 (1996); Huy chương Vì giai cấp Nông dân; Huy chương Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Nguyễn Thị Loan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang