Người đẹp và anh gác rừng

author 08:25 28/07/2012

(VietQ.vn) – Khác với nhiều người đẹp, một số anh gác rừng biết tiền mua siêu xe của nhiều đại gia đến từ đâu…

Có nhiều điểm giống và khác nhau giữa nhiều người đẹp và một số anh gác rừng.

Người đẹp thích nhà lầu, siêu xe, điện thoại xịn…Anh gác rừng cũng vậy. Có người đẹp thích “bảo vệ môi trường” còn anh gác rừng có nhiệm vụ giữ được nhiều cảnh hoang sơ cho người đẹp chụp hình để “bảo vệ môi trường”.

Nhưng khác với nhiều người đẹp, một số anh gác rừng biết tiền mua dàn siêu xe của nhiều đại gia đến từ đâu. Nên nhiều người đẹp cứ bấu lấy các đại gia, còn anh gác rừng thì có gắng càng làm cho mình “cách xa” các đại gia càng tốt, ít nhất là trong mắt người khác…

Cho đến khi các phóng viên phanh phui các vụ phá rừng ở vườn Quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) và Sảng Mộc (Thái Nguyên) thì nhiều người đẹp và anh gác rừng lại cùng buồn như nhau.

Lâm tặc "khoáng" gỗ quý trong rừng  xã Sảng Mộc – Võ Nhai (Thái Nguyên). Ảnh: Tuấn Nguyễn
Lâm tặc "khoáng" gỗ quý trong rừng xã Sảng Mộc – Võ Nhai (Thái Nguyên). Ảnh: Tuấn Nguyễn

Báo Tiền Phong cho biết, sau khi đưa các vụ chặt phá gỗ quý trong rừng già ra ánh sáng, tỉnh Bắc Kạn đã kỷ luật một loạt cán bộ, như: Trạm trưởng và cá nhân các trạm Kiểm lâm Nam Cường, Bản Quá, Nà Bản, Bờ Hồ, Nà Mằm, Buốc Lốm, Quảng Khê; cách chức ông Vũ Thành Hưng - Phó Trạm trưởng (thuộc Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Bể); bổ nhiệm ông Phạm Văn Thái đảm nhiệm chức vụ Phó Trạm trưởng phụ trách trạm Nà bản; đình chỉ công tác hai cán bộ kiểm lâm để kiểm điểm, xử lý kỷ luật; luân chuyển hai trạm trưởng và chín kiểm lâm viên các trạm…

Còn ông Chủ tịch UBND Thái Nguyên đã dẫn đầu đoàn kiểm tra, đi thực tế nạn tàn phá rừng ở huyện Võ Nhai của tỉnh này.

Truyền thông đã đưa tin và hình ảnh của vị Chủ tịch tỉnh trong rừng già, trực tiếp chứng kiến các chiến lợi phẩm của lâm tặc. Nhưng người đọc chưa thể coi đó là việc làm tận tụy, vì dân, vì nước nếu như sau khi kiểm tra, xử lý…sẽ không có ai bị kỷ luật.

Có một chi tiết đáng chú ý. Trong cả hai vụ việc phá rừng được phanh phui, đều có sự tham gia của một phóng viên trẻ, năng nổ của báo Tiền Phong. Phóng viên ấy vừa mới ra trường, với mức lương vừa phải, nên vẫn phải ở trọ trong ngôi nhà chật chội, rất nóng trong mùa hè này.

Để kiểm được nhiều tiền và an nhàn, anh có thể ngồi salon ở Hà Nội, bịa ra các câu chuyện “tình – tiền” hoặc lấy các ảnh hở hang của các sao trên mạng…để đăng trên các tờ báo mà thời gian vừa qua luôn cố gắng kêu thật to: “Ở Việt Nam không có báo lá cả, chúng tôi không lá cải”.

Nhưng chàng trai ấy đã làm khác, đã dũng cảm hàng đêm theo dõi trong rừng sâu, để quay phim, chụp ảnh…có những bằng chứng sắc bén nhất, phanh phui tội ác của những kẻ phá rừng.

Nếu người ta chứng kiến cảnh lũ lụt cuốn trôi biết bao người dân, mái nhà, hoa màu mỗi khi bão về, cảnh những em bé bơ vơ sống trên những nóc nhà, xung quanh là mênh mông biển nước …thì người ta sẽ hiểu giá trị của đại ngàn, của việc giữ đất, giữ nước nơi thượng nguồn. Và càng thấy căm tức hơn những đại gia đứng sau việc phá hoại ấy, có khi vẫn đang ngang nhiên trước pháp luật, vẫn có hàng bầy chân dài vây quanh…

Nhưng một chàng phóng viên trẻ, trong túi không dư giả tiền đã dám làm việc nguy hiểm nhưng có ý nghĩa thế. Lẽ nào các anh gác rừng chân chính khác lại chịu thua?

Hoàng Tuân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang