Người đi chợ sắp có máy nhận biết thực phẩm bẩn

author 06:49 01/03/2014

(VietQ.vn) - Bộ Nông nghiệp đang bàn với Hà Nội để mua các máy thử nghiệm thực phẩm, đặt trong các chợ ở Hà Nội.

Sự kiện: Thực phẩm bẩn kinh hoàng

Trả lời Chất lượng Việt Nam tại phiên họp báo Chính phủ chiều nay, 28/3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Vũ Văn Tám cho biết, Bộ này đang bàn với Hà Nội để chuẩn bị lắp các máy thử nghiệm thực phẩm tại các chợ ở Hà Nội, theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc cuối năm 2013.

Đà Nẵng trang bị các máy thử nghiệm thực phẩm trong các chợ

Đà Nẵng trang bị các máy thử nghiệm thực phẩm trong các chợ

Hiện nay, tại TP Đà Nẵng, nhiều chợ đã được trang bị các máy đo hàn the. Cán bộ quản lý thị trường sẽ chủ động dùng các máy này để kiểm tra sự an toàn của rau củ, thịt cá...

Theo Bộ NN&PTNT, hiện danh mục các loại “kít” thử nhanh được phép lưu hành ở nước ta do Bộ Y tế quản lý. Các bộ xét nghiệm nhanh được sử dụng để kiểm soát ATTP trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; giúp các chủ hộ, cơ sở kinh doanh, người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn thực phẩm, hỗ trợ công tác thanh kiểm tra.

Tuy nhiên, kết quả trên, chỉ dùng để sàng lọc, định hướng cho các thử nghiệm khẳng định tiếp theo trong phòng kiểm nghiệm, không sử dụng để xử lý vi phạm.  Thực tế, các thiết bị kiểm tra nhanh không phải máy móc gì to tát và có thể mua ở trong nước.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, hiện vẫn chưa triển khai việc lắp đặt thiết bị “soi” ATTP, đang chờ hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. “Vấn đề là máy như thế nào, ai kiểm định, tính chất pháp lý ra sao, công bố kết quả thế nào... Còn kinh phí với thành phố không phải là vấn đề khó khăn. Dự kiến các thiết bị sẽ lắp ở các chợ đầu mối” - bà Ngọc nói.

Trong một kết quả kiểm tra, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TPHCM cho biết, theo kết quả xét nghiệm thực phẩm từ đầu năm đến nay, 27% nước tương, tương ớt lấy mẫu trên địa bàn TP nhiễm vi sinh; 50% nước uống đóng bình nhiễm vi sinh; 40% bánh canh, bún nhiễm hóa chất; 50% tương các loại nhiễm vi sinh; 33% bột ớt, hạt dưa nhiễm Rhodamine B; 33% mì, phở, bánh canh các loại nhiễm hàn the; 37,5% chả các loại nhiễm hàn the; 100% mứt các loại nhiễm chất tẩy trắng công nghiệp; 70,4% siro các loại nhiễm DEHP… Đó cũng là nguyên nhân khiến số vụ ngộ độc không ngừng gia tăng.

Ông Lê Hoàng Ninh, Viện trưởng Viện vệ sinh y tế công cộng TPHCM cho biết, 30% số vụ ngộ độc hiện vẫn chưa truy được nguyên nhân, còn các vụ đã xác định được thì do 50% là vi trùng và 50% do hóa chất.

Trước tình trạng hầu hết hộ kinh doanh bán hóa chất, phụ gia không có bằng cấp, mù tịt kiến thức về sản phẩm, TS Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng Cục ATVSTP cho biết, sắp tới sẽ đề xuất đào tạo, huấn luyện cho người bán hóa chất, phụ gia và cấp giấy chứng nhận như với bán thuốc tây.

“Ai muốn kinh doanh phải có giấy chứng nhận như kiểu nhà thuốc đạt chuẩn GPP (thực hành tốt bán lẻ thuốc) mới được bán” - ông Khẩn đề xuất.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang