Người 'dở' chế máy cày ruộng bậc thang

author 15:27 21/12/2014

(VietQ.vn) - Sản phẩm máy cày trên ruộng bậc thang của anh chàng sửa xe máy Bùi Sỹ Tới (xã Nậm Búng, Văn Chấn, Yên Bái) đã được bình chọn là một trong 5 sáng chế nổi bật nhất năm 2014.

Ngày 17/12, Đài truyền hình Việt Nam đã tổ chức ghi hình Gala Nhà sáng chế 2014.

Ruộng bậc thang khơi nguồn ý tưởng

Trong khi chồng đang say mê thuyết trình các chức năng của chiếc máy cày với Hội đồng giám khảo, chị Phạm Thị Huê, vợ anh Tới đã chia sẻ với PV Chất lượng Việt Nam về quá trình anh Tới làm chiếc máy cày trên ruộng bậc thang.

máy cày trên ruộng bậc thang

Chị Phạm Thị Huê chia sẻ về những khó khăn, thành quả của chồng - anh Bùi Sỹ Tới

Chị Huê cho biết, anh Tới sinh ra trong một gia đình đông con, chỉ học hết trung học cơ sở rồi học thêm nghề sửa xe máy. Tuy là thợ sửa xe nhưng anh Tới lại có niềm đam mê đặc biệt với sáng chế.

“Đầu tiên anh Tới làm xe đạp đôi. Làm xong thanh niên trong xóm cứ mượn đi chán đến khi thủng xăm lại mang về đưa cho anh ấy vá. Chán với cảnh suốt ngày “phục vụ” các bạn trẻ đang tuổi yêu đương nên chồng mình thôi không làm xe đạp đôi nữa”, chị Huê nói.

Sau đó anh Tới chế xe ba bánh để vận chuyển hành hóa. Để làm chiếc xe, anh Tới nhiều đêm mất ăn mất ngủ, mày mò thiết kế, hàn cắt. Sau hai tháng thì chiếc xe cũng hoàn thành. Tuy nhiên do khó tiêu thụ trên thị trường, hơn nữa cũng lo ngại chiếc xe sẽ không được cơ quan chức năng cho lưu hành nên anh Tới chuyển sang chế loại xe khác.

Khu vực gia đình anh Tới ở là huyện Văn Chấn. Nhân dân quanh vùng chủ yếu là người Dao, sinh sống bằng nghề làm ruộng. Mỗi khi thấy người nông dân cực nhọc cày ruộng bằng trâu trên ruộng bậc thang lại khiến anh trăn trở. Từ đó anh Tới suy nghĩ, quyết tâm phải làm ra được một chiếc máy hữu ích cho người nông dân.

“Năm 2011, anh Tới nghiên cứu làm máy cày. Sau vài tháng thực hiện, chiếc máy cày đầu tiên cũng ra lò nhưng công dụng của nó lại không được như mong muốn. Vì thế anh Tới lại tháo chiếc máy cày này ra để nghiên cứu thêm, hai tháng sau thì chiếc máy cũng hoàn thành. Nhưng lúc đó chiếc máy cũng chưa được thành công như bây giờ”, chị Huê kể.

Khi làm xong chiếc máy cày mini trên ruộng bậc thang, vợ chồng anh hằng ngày đổ xăng vào chiếc máy rồi cho người dân quanh vùng mượn để cày.

“Khi đó thực sự là vợ chồng đang rất khó khăn. Người dân ở đó còn không có tiền mua xăng nên vợ chồng mình vừa cho mượn máy lại phải vừa đổ xăng cho họ”, chị Huê nhớ lại.

Qua những lần cho người dân mượn để dùng, nghe “phàn nàn” của họ về chiếc máy, vợ chồng anh Tới đã đem chiếc máy cày đi xa cách nhà gần 100 km để thử. Chị Huê nhớ lại: “Hai vợ chồng cày từ sáng đến trưa, cơm cũng không mang theo nên phải ăn bánh mì. Qua quá trình thử nghiệm, anh Tới đã rút ra được một số điểm cần phải khắc phục. Về nhà, hai vợ chồng tiếp tục hoàn thiện chiếc máy, đến đầu năm 2012 thì chiếc máy cày trên ruộng bậc thang đã hoàn thành, có công dụng tốt như ngày hôm nay”.

mày cày trên ruộng bậc thang

Anh Bùi Sỹ Tới bên sản phẩm máy cày mini tự sáng chế

Lúc chiếc máy cày đầu tiên hoàn thiện, anh Tới mang sản phẩm đi khắp vùng Văn Chấn giới thiệu, có hôm lặn lội đến mấy chục cây số. Tự đổ xăng, tự cày hàng chục héc ta cho bà con song sản phẩm của anh vẫn không bán được.

“Mình cày giúp xong, bà con chỉ cười cảm ơn rồi bảo gia đình tôi chưa có điều kiện sắm. Nhiều người kêu anh là đồ khùng, suốt ngày chúi đầu vào đống sắt vụn. Lúc chồng mình mang máy về các địa phương giới thiệu sản phẩm. Chính quyền xã không những không động viên mà có khi nghĩ anh ấy bị dở hơi”, chị Huê cho biết.

Cần mẫn qua hai vụ lúa đi cày không công cho bà con, một người bạn anh đã Tới đồng ý mua sản phẩm. Tiếng lành đồn xa, đến nay, hàng trăm sản phẩm của anh đã được tiêu thụ. Từ thành công này, nhiều báo đài đã đến gặp anh để viết bài, quảng bá về sản phẩm.

Khách đến mua chật ních cả một con đường

Hiện nay, không chỉ người dân trong vùng mà bà con nhiều tỉnh, thành khác cũng tìm đến mua sản phẩm của anh Tới như Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hải Phòng, Thanh Hóa… Một số đại lý bán máy cày cũng tìm đến cơ sở sản xuất của anh để nhập hàng về bán.

nhà sáng chế 2014

Một người dân tộc Dao đang "biểu diễn" các tính năng ưu Việt của chiếc máy cày trong trường quay S14, Đài THVN

Do nhu cầu cao và để phát triển sản phẩm, anh tới đã lập một xưởng sản xuất mày cày mini, hiện có gần 10 nhân công. Theo ước tính, vào thời cao điểm, trung bình mỗi ngày, xưởng của anh Tới hoàn thiện xong một chiếc máy cày. Tùy thuộc vào loại động cơ tốt hay trung bình, động cơ xe máy mới hay tái chế mà giá thành máy cày khác nhau (trung bình dao động từ 8- 13 triệu đồng/máy). Máy xản xuất ra đến đâu được bán hết đến đó.

Tính đến thời điểm này, xưởng sản xuất máy cày của anh đã bán được gần 700 chiếc.

“Năm 2013, có lúc khách đến nhà mình mua máy đông chật cả con đường vào, ai đến sớm thì sau ba ngày lấy được máy. Còn đến sau có khi phải cả tuần mới mua được”, chị Huê hào hứng kể.

Nhờ có những tính năng ưu việt như: phần thân chắc chắn, gọn nhẹ, ba bộ bánh phù hợp với từng điều kiện hoạt động: bánh lồng cày, bánh lồng bừa, bánh hơi để di chuyển, cần để lắp lưỡi cày (hoặc bừa) và hệ thống bánh răng giảm tốc, tăng lực cho máy, sau đó gắn động cơ của xe mô tô (xe gắn máy) nhỏ gọn, nặng không đến 90 kg, nên dễ vận chuyển trên địa hình đồi dốc, công suất không thua kém gì các loại máy cày trên thị trường.

Chị Huê cho biết, thời gian tới, gia đình chị sẽ cố gắng mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu đặt hàng từ các địa phương. Bên cạnh đó, gia đình chị cũng mong muốn các cơ quan chức năng có thể hỗ trợ nguồn vốn để hiện đại hóa các trang thiết bị sản xuất./.

Bài-ảnh: Viết Cường - Lê Giang

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang