Người gây dựng niềm tin Việt Nam

author 17:24 24/12/2012

Chỉ sau 4 năm vào Việt Nam, Bosch - Tập đoàn công nghệ hơn trăm năm tuổi của Đức - đã coi Việt Nam là trung tâm sản xuất và nghiên cứu quan trọng tại khu vực Đông Nam Á. Công đầu thuộc về ông Võ Quang Huệ - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam.

Chúng tôi biết đến ông qua lời giới thiệu của một CEO trong làng công nghệ Việt Nam. Ông này bảo tôi, nếu muốn tìm một doanh nhân luôn tâm huyết làm được điều gì đó có ý nghĩa để phát triển nền công nghệ Việt Nam thì hãy tìm đến doanh nhân Võ Quang Huệ.

Không phải ngẫu nhiên mà trong bối cảnh một số nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển sang các quốc gia khác, người ta lại liên tục nhắc đến những kế hoạch mở rộng của Bosch. Đó là kết quả cho những nỗ lực gây dựng niềm tin về Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài của doanh nhân Việt Kiều mang hai nét tính cách đặc trưng: sự trọng tình, đôn hậu của người Việt Nam và tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, sự quyết liệt của người Đức.

Câu chuyện mở rộng đầu tư cũng là điều đầu tiên mà ông hào hứng chia sẻ: 

Nhìn lại hơn 4 năm từ ngày tập đoàn Bosch thành lập công ty con tại Việt Nam đến nay, chúng tôi đã đi được một chặng đường rất ý nghĩa. Từ hai văn phòng đại diện tại TP.HCM và Hà Nội, đến nay Bosch đã trở thành một trong số ít tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam hoạt động đầy đủ ở ba lĩnh vực: kinh doanh, sản xuất và nghiên cứu phát triển.

Về thương mại, chúng tôi liên tục mở rộng mạng lưới phân phối các thiết bị và giải pháp kỹ thuật cho 6 ngành hàng khác nhau: dụng cụ điện cầm tay, phụ tùng và thiết bị ôtô, hệ thống an ninh, truyền động và điều khiển, công nghệ Nhiệt và năng lượng mặt trời. Tháng 10 vừa qua, chúng tôi cũng vừa khai trương chi nhánh tại Đà Nẵng bên cạnh chi nhánh Hà Nội và trụ sở chính tại TP.HCM. Ngoài ra, một trung tâm dịch vụ khách hàng cũng vừa đưa vào hoạt động tại TP.HCM.

Về sản xuất, nhà máy công nghệ cao sản xuất linh kiện ôtô tại Long Thành được khánh thành năm 2011. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao trên toàn cầu, chúng tôi có dự định tăng vốn đầu tư đạt xấp xỉ 300 triệu USD để tiếp tục phát triển, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa lên khoảng 80% và 5,7 triệu thành phẩm vào năm 2015. Chúng tôi sẽ tăng gần gấp đôi đội ngũ công nhân viên của nhà máy từ gần 800 hiện nay lên hơn 1.500 người vào năm 2015.

Về nghiên cứu và phát triển, số lượng kỹ sư nghiên cứu đã đạt khoảng 250 người sau hơn một năm hoạt động. Đầu ra là các sản phẩm công nghệ tiên tiến như phần mềm nhúng, thiết kế cơ khí và các dịch vụ công nghệ thông tin cung ứng nội bộ cho các ngành hàng của Bosch toàn cầu. Chúng tôi mong muốn đến năm 2020 sẽ có 2020 kỹ sư làm việc tại trung tâm.

Kế hoạch mở rộng đầu tư của Bosch nhận được phản hồi như thế nào từ phía các cơ quan hoạch định chính sách, thưa ông? Nghe nói ông cũng rất vất vả để kêu gọi sự ủng hộ của Chính phủ?

Trong thời gian vừa rồi chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ tích cực của Chính phủ và lãnh đạo các địa phương tại TP.HCM và Đồng Nai. Khi nói về đầu tư của các doanh nghiệp Đức và châu Âu, Bosch được Chính phủ và các cơ quan địa phương nhắc đến như là một ví dụ về đầu tư lớn và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam.

Hiện nay, chúng tôi đang kiến nghị để được nhận ưu đãi thuế suất dành cho nhà máy công nghệ cao - đề án nhà máy linh kiện ôtô tại Đồng Nai. Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đoàn công tác liên bộ của Chính phủ đã đến thăm nhà máy mới này. Qua kinh nghiệm làm việc với Chính phủ và với các cơ quan ban ngành, chúng tôi tin tưởng vào kết quả tích cực và sẽ sớm nhận được quyết định chính thức ưu đãi.

Dự án này thành công sẽ đem lại những lợi ích nào cho ngành công nghiệp Việt Nam, thưa ông?

Đối với trung tâm nghiên cứu sản xuất phần mềm, chúng tôi mong muốn góp phần xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cho Việt Nam, đồng thời quảng bá tiềm năng của Việt Nam để thu hút các tập đoàn quốc tế khác đầu tư vào đây.

Đối với công nghiệp phụ trợ, nhà máy của Bosch tại Đồng Nai là nhà máy công nghệ cao lớn nhất về phụ tùng ô tô tại Việt Nam, với những dây chuyền sản xuất, thiết bị công nghiệp cơ khí siêu chính xác và kỹ thuật sản xuất tự động hóa tiên tiến nhất của thế giới.

Hy vọng, Bosch sẽ là một ví dụ điển hình, minh chứng Việt Nam có thể là địa điểm tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu của các tập đoàn lớn cũng như các công ty vừa và nhỏ trong kỹ nghệ phụ trợ trên thế giới.

Mỗi ngày chọn một niềm vui

Ông từng chia sẻ, cứ mỗi lần có tín hiệu tập đoàn mở rộng đầu tư vào Việt Nam là một lần ông thấy mừng, vậy cảm giác lần này thì sao? Có lẽ song hành với cảm giác mừng cũng có không ít cái lo?

Vui mừng vẫn là chủ yếu! Tôi không coi các vấn đề phải giải quyết là những cái lo mà đó là những thử thách và thử thách luôn đi kèm với việc mở rộng, tăng trưởng. Gần đây người ta có nhắc nhiều đến việc giảm sút FDI vào Việt Nam và đặt câu hỏi Việt Nam làm thế nào để có thể thu hút đầu tư vào công nghiệp hiện đại.

Trong bối cảnh đó thì việc Bosch chọn Việt Nam là địa điểm đầu tư lâu dài và mở rộng đầu tư là một điều vui. Tôi thấy ý nghĩa những việc mình làm, điều này càng thôi thúc tôi làm việc hăng say mỗi ngày, như câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui…"

Từ câu chuyện của Bosch, nhìn rộng ra, ông đánh giá thế nào về cách thu hút đầu tư vào công nghiệp của Việt Nam hiện nay, còn điểm gì chưa ổn và đâu là những điều khiến nhà đầu tư cảm thấy dễ nản lòng nhất?

Chính phủ đã đề ra mục tiêu xây dựng Việt Nam thành nước công nghiệp cho đến năm 2020, nhưng chúng ta còn thiếu định hướng và lộ trình phát triển các ngành công nghiệp cụ thể một cách rõ ràng và dứt khoát. Phát triển công nghiệp thì trọng yếu là công nghiệp nào? Đầu tiên, muốn xây dựng chính sách, các nhà hoạch định cần hiểu rõ thế giới cũng như khu vực.

Kế tiếp, chúng ta cần nghiên cứu và lắng nghe các tiếng nói có chuyên môn về các điểm mạnh, yếu, thiếu, dư của Việt Nam. Vì Việt Nam thiếu hay đúng hơn là chưa có công nghiệp phụ trợ nên khó thu hút các đầu tư quan trọng trong lĩnh vực sản xuất, tôi nhấn mạnh là sản xuất chứ không phải lắp ráp. Dứt khoát, Việt Nam cần có quốc sách về xây dựng công nghiệp phụ trợ.

Mặt khác, qua kinh nghiệm thành công của dự án sản xuất tại Đồng Nai, chúng tôi thấy rằng, đội ngũ công nhân viên Việt Nam nếu được tạo điều kiện và cơ hội, họ có khả năng vươn xa, cũng như có thể đáp ứng được yêu cầu công nghiệp cao. Đây cũng là một điểm mà theo tôi Việt Nam cần chú ý trong chính sách thu hút đầu tư, đó là: quốc sách cải tổ giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng.

Ông Võ Quang Huệ - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam

Ông vừa nói đến cải tổ giáo dục, vậy giáo dục Việt Nam nên cải tổ theo hướng nào, thưa ông?

Trên thực tế, chúng ta đã coi giáo dục là quốc sách, nhưng điều quan trọng là nhìn lại xem quốc sách đó có được thực hiện thống nhất từ trên xuống dưới hay không? Đã là quốc sách thì không thể chần chừ mà phải lên kế hoạch và hành động cụ thể. Nhìn dưới góc độ vi mô, từ kinh nghiệm tuyển dụng của tập đoàn, tôi có thể chia sẻ một số điều còn thiếu của nguồn nhân lực như sau.

Đầu tiên đó là tinh thần học hỏi liên tục. Người Việt Nam có tố chất đó nhưng cần phải đẩy mạnh hơn nữa, kế tiếp là sự sáng tạo và đủ kỹ năng để biến sáng tạo đó thành kết quả trên thực tế. Mặt khác, khi thế giới đã thay đổi rất nhanh, điều cần nắm vững là phương pháp, khả năng nắm bắt và giải quyết vấn đề. Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, ngoại ngữ cũng là yếu tố rất quan trọng song hầu như các sinh viên Việt Nam ra trường hiện nay đều đang rất yếu về ngoại ngữ.

Cuối cùng, học phải đi đôi với hành mà như người nước ngoài vẫn có câu "learning by doing", các sinh viên có thể vừa học vừa làm việc, thực hành tại các nhà máy, xí nghiệp… Làm tốt điều này sẽ giúp nguồn nhân lực lấp đầy được những thiếu hụt vừa nêu.

Chúng ta có thể khuyến khích các doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình này và có những ưu đãi cụ thể cho họ. Mô hình "đào tạo kép" - học cao đẳng nghề tại trường kết hợp với thực tập ở nhà máy mà Bosch lên kế hoạch triển khai cũng nhằm hướng tới mục đích đó.

Trở lại với vấn đề sụt giảm FDI trong những tháng đầu năm, đó có lẽ là một phần hệ quả của câu chuyện chính sách. Để cải thiện tình hình, Việt Nam cần làm gì, thưa ông?

Là Ủy viên Ban điều hành Phòng Thương mại châu Âu và Hiệp hội doanh nghiệp Đức, tôi có nhiều dịp trao đổi với các đồng nghiệp quốc tế về môi trường đầu tư của nước ta. Trong thời gian qua, các vấn đề như lạm phát, tài chính của Việt Nam đang là những điểm khiến các nhà đầu tư cân nhắc.

Giữa bối cảnh nền kinh tế thế giới biến động và luôn có những thay đổi khó lường như hiện nay, việc thu hút đầu tư mới không còn dễ dàng như những năm 70 - 90. Trong khi đó, ở khu vực Đông Nam Á, sự thay đổi và sức hấp dẫn mạnh mẽ của Indonesia và Myanmar cũng tạo sự cạnh tranh với Việt Nam.

Vì thế, Việt Nam nếu muốn giữ vững sức hấp dẫn thì phải liên tục phát triển môi trường đầu tư, cải thiện hành chính theo kịp quốc tế, có các chính sách liên quan như hải quan và thuế tốt để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực. Những đổi mới này dễ thực hiện hơn và cần phải được nhanh chóng xúc tiến, trong khi một số hạn chế khác thì cần phải có thời gian để khắc phục, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng và giao thông.

Người ta có câu: khách hàng quan trọng nhất là khách hàng có sẵn. Nhân viên quan trọng nhất là nhân viên có sẵn. Bạn quan trọng nhất là bạn có sẵn". Liên hệ tới câu chuyện thu hút FDI của việt Nam, để FDI có chất lượng và hiệu quả thì việc quan trọng nhất là làm thế nào chăm sóc tốt những doanh nghiệp đã và đang làm ăn ở Việt Nam, quan điểm của ông như thế nào?

Trong câu chuyện này, việc những dự án đầu tư mở rộng sản xuất từ năm 2009 không nhận được ưu đãi đã trở thành một rào cản lớn. Có thông tin là Chính phủ Việt Nam cũng đã nhận ra vấn đề khó khăn này và đang lên kế hoạch để cải thiện trong năm 2013. Tôi hy vọng việc này sớm được hoàn tất, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã và đang làm ăn ở Việt Nam yên tâm mở rộng đầu tư.

Người của hai thế giới

Mấy chục năm trải nghiệm ở Đức, đến lúc trở về Việt Nam, chắc chắn môi trường kinh doanh có nhiều điểm khác biệt, cụ thể đó là gì và ông có mất nhiều thời gian để thích nghi không?

Tôi có lúc chia sẻ với những người thân rằng "trong tôi có những đặc điểm của người Việt Nam, nhưng đồng thời có những khi lại rất Đức, tôi là con người của hai thế giới". Lãnh đạo của một công ty đa quốc gia lớn tại Việt Nam hiểu được ngôn ngữ và văn hóa địa phương, cộng với việc hiểu văn hóa và cách làm việc của công ty và nước gốc là một điều kiện thuận lợi để hòa nhập và thích nghi.

Với nỗ lực và tâm huyết xây dựng, phát triển Bosch thành công tại Việt Nam, tôi hy vọng có thể tạo ra một thí dụ tốt để qua đó thuyết phục nhiều tập đoàn đa quốc gia mạnh dạn đề cử những người gốc Việt vào vị trí lãnh đạo chủ chốt cho tập đoàn tại Việt Nam.

Nhìn vào con người của CEO Võ Quang Huệ, điều mà rất nhiều người cảm nhận được là cách sống tình cảm, nhẹ nhàng… Ông có cho rằng, đôi lúc một nhà lãnh đạo tạo được sự tin tưởng của nhân viên không chỉ bằng kỷ luật, nguyên tắc, mà quan trọng hơn là cảm hóa bằng nhân tâm và sự tận tụy của mình?

Tập đoàn Bosch có các giá trị mà tôi muốn chia sẻ: tinh thần trách nhiệm, cởi mở và tin tưởng, luôn hướng đến kết quả và tương lai, sáng tạo và cương quyết, công bằng, tuân thủ pháp luật. Điều tôi quan tâm là làm sao vận động đội ngũ ban lãnh đạo của công ty cùng tôi làm việc và quản lý công ty tuân theo các giá trị này.

Bên cạnh việc đề ra các chiến lược kinh doanh và những chương trình hành động cụ thể thì người lãnh đạo công ty, theo tôi, luôn cần có "lửa trong lòng" và biết cách truyền lửa để động viên đội ngũ của mình.

Làm việc tại Đức và nhiều quốc gia, đâu là những điều mà ông học hỏi được; và đâu là những yếu tố từ cội nguồn Việt Nam đã giúp ông thành công?

Hành trình đi đến nhiều quốc gia, làm việc ở nhiều môi trường khác nhau đã giúp tôi nhận ra một điều: không có điều gì là đúng cho mọi trường hợp. Tất cả mọi điều đều có thể thay đổi, do đó biết thích nghi là một phẩm chất tốt. Bên cạnh đó, tôi cũng nhận ra được các giá trị của sự đa dạng, nếu biết tổng hợp được những sự khác biệt thì mình sẽ tự làm mình mạnh lên.

Bởi vậy, tôi tự nhủ rằng mình phải luôn mở lòng ra để đón nhận những cái mới, chấp nhận những thay đổi để tốt hơn. Trong tâm tôi, cội nguồn Việt Nam là một nội lực quan trọng giúp tôi vượt qua những thử thách trong thời gian học, sống và làm việc ở nước ngoài.

Từ góc độ của một doanh nhân làm CEO cho doanh nghiệp nước ngoài, ông nhìn nhận như thế nào về khó khăn mà các doanh nghiệp Việt đang trải qua và câu chuyện phá sản của hàng loạt doanh nghiệp? Ông chia sẻ gì với các đồng nghiệp là chủ doanh nghiệp Việt bị lâm vào tình cảnh này?

Người đứng đầu phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI), TS Vũ Tiến Lộc có lần đề cập rằng "tính đến 20/9, trong số 675.000 doanh nghiệp đã thành lập, còn 471.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Nghĩa là có gần 200.000 doanh nghiệp đã rời khỏi thị trường". Đứng trước ngưỡng cửa của năm 2015, khi mở cửa thị trường, thì các doanh nghiệp Việt Nam lại càng đứng trước một thử thách lớn hơn nữa.

Theo tôi, các doanh nghiệp cần tìm hiểu và mở rộng thị trường, đồng thời luôn quan tâm đến chất lượng và giá thành để nâng cao tính cạnh tranh. Cũng như những doanh nhân Việt Nam khác, chúng tôi mong Việt Nam có một môi trường kinh tế vĩ mô tốt hơn nữa và thêm các chính sách hỗ trợ thiết thực để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

 Ông Võ Quang Huệ

Được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc của Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam từ ngày 1/1/2008. Hiện ông cũng là thành viên của Hội đồng thành viên, Công ty TNHH Robert Bosch Engineering & Business Solutions Việt Nam.

Ông khởi đầu sự nghiệp chuyên môn của mình với Tập đoàn BMW hồi năm 1980. Trong hơn 24 năm làm việc tại đây, ông đã tích luỹ nhiều kinh nghiệm và làm việc với tư cách trưởng dự án cho dự án của BMW ở Việt Nam.

Sau 6 năm làm người đại diện cho Tập đoàn BMW ở Ai Cập, ông trở về Việt Nam để làm việc cho Bosch từ tháng 8/2006.

Theo DDDN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang