Người giỏi nên làm khoa học hay quản lý? (Kỳ 2)

author 10:55 21/02/2013

(VietQ.vn) - Việt Nam ta đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có đại học nằm vào danh sách “top 200” đại học hàng đầu thế giới. Để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực, từ đầu tư cho cơ sở vật chất đến nghiên cứu khoa học và nhất là nhân sự.

Nghĩ đến Việt Nam

Câu chuyện bổ nhiệm viện trưởng Viện Garvan có ăn nhằm gì đến chuyện bên nhà? Bất cứ thấy chuyện gì bên này, tôi cũng đều nghĩ đến chuyện bên nhà. Do đó, tôi thấy qui trình bổ nhiệm viện trưởng Viện Garvan là thú vị và có thể là một kinh nghiệm cho các trung tâm và đại học bên nhà. Tôi rút ra ba bài học (có lẽ là kinh điển) như sau:

Một là qui trình bổ nhiệm rất minh bạch. Dù không xa lạ gì với nguyên tắc minh bạch ở phương Tây, nhưng tôi vẫn rất ấn tượng với tính minh bạch của toàn bộ qui trình bổ nhiệm. Hội đồng quản trị tham vấn các giáo sư của Viện để đề ra những tiêu chuẩn tuyển dụng và lên một văn bản về nhiệm vụ (statement of responsibilities) cho tân viện trưởng. Họ báo cáo từng kì với các nhà khoa học cao cấp trong viện về tiến trình bổ nhiệm và những khó khăn trong quá trình thu hút ứng viên.

GS Nguyễn Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan và Đại học New South Wales, Úc)
GS Nguyễn Văn Tuấn - Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan và Đại học New South Wales, Úc

Sự minh bạch làm cho ai trong viện cũng cảm thấy mình có dự phần và tiếng nói vào việc bổ nhiệm một lãnh đạo mới. Điều này có vẻ hơi khó ở bên nhà, bởi vì cách làm theo kiểu “cơ cấu”. Với chế độ cơ cấu, người ta chỉ nghe lời đồn đại cho đến ngày có tuyên bố chính thức mới biết ai là lãnh đạo mới. Với chế độ cơ cấu, cán bộ cấp dưới không có tiếng nói vào việc bổ nhiệm và cũng chẳng biết tiêu chuẩn cụ thể ra sao. Tôi nghĩ cần phải học phương Tây về tính minh bạch trong bổ nhiệm nhân sự khoa học cấp cao.

Hai là tiêu chuẩn hoàn toàn dựa vào tài năng của ứng viên. Thật vậy, hội đồng tuyển dụng không hề quan tâm đến ứng viên có quan điểm chính trị gì, theo tôn giáo nào và quá khứ chính trị ra sao. Yếu tố chính trị hoàn toàn không nằm trong tiêu chuẩn tuyển dụng. Họ cũng chẳng quan tâm người được bổ nhiệm là sắc dân nào, vì quảng cáo trên các tập san quốc tế.

Tiêu chuẩn khoa học được đặt lên hàng đầu, sau đó mới đến tiêu chuẩn quản lí và ngoại giao...

Ba là quân bình giữa khoa học và quản lí. Tôi nghĩ sẽ rất khó để tìm được một lãnh đạo viện nghiên cứu mà giỏi cả hai mặt về chuyên môn và quản lí. Ở Viện Garvan, Gs John Shine là một người có tiếng trong khoa học, nhưng nếu đo bằng uy tín và các chỉ số khoa học (như chỉ số H) thì ông chỉ thuộc vào hạng “đàn em” các giáo sư khác dưới quyền [hành chính] của ông.

Thế nhưng GS Shine có một tố chất mà các giáo sư danh tiếng kia không có được: đó là tài quản lí và tài ngoại giao. Ông có cách quản lí rất… thoải mái. Ông chẳng làm gì cả, mà tất cả chỉ giao cho cấp dưới làm và ông chỉ đứng ra đôn đốc. Đúng là “dám đốc”! Ông suốt ngày chỉ suy nghĩ về tương lai và làm sao để phát triển uy thế của viện.

Ông còn có tài nói rất hay, thuyết phục các chính khách cho tiền. Có người nói đùa rằng ông có khả năng nói ngọt đến nỗi chính khách bần tiện nhất cũng sẵn sàng rút ví tiền ra đưa cho ông! Tài ngoại giao của ông là ông có thể dung hòa tất cả các bất đồng ý kiến của các giáo sư, mà không làm phiền ai.

Phải có giáo sư đẳng cấp quốc tế

GS Shine có một tố chất mà các giáo sư danh tiếng kia không có được: đó là tài quản lí và tài ngoại giao. Ông có cách quản lí rất… thoải mái. Ông chẳng làm gì cả, mà tất cả chỉ giao cho cấp dưới làm và ông chỉ đứng ra đôn đốc.

Tôi thì thích tính hài hước của ông, mỗi khi có gì quan trọng ông mào đầu bằng những ví von rất vui làm cả hội trường cười xòa, rồi mới vào đề. Có lần tôi nổi nóng với một đồng nghiệp nước ngoài và viết một bài báo với lời lẽ gay gắt; ông đọc được và triệu tôi vào văn phòng.

Ông pha cà phê cho tôi uống, nhìn tôi một hồi, rồi nói: mày đang nóng giận? Tôi nói “yes”, rồi ông nói: chẳng lẽ mày muốn chết sớm à, mày có đọc bài báo hôm qua trên Science nói là người nóng giận giảm tuổi thọ và tao không muốn thấy mày nóng giận. Rồi ông khuyên một câu mà tôi còn nhớ đến ngày nay và lấy làm phương châm hành xử mỗi khi gặp chuyện buồn bực: stay above.

Ông nói mình phải đứng trên những tranh chấp nhỏ nhặt, đừng bao giờ hạ mình thấp ngang hàng hàng với đám nhảm nhí. Tôi nhớ hoài lời khuyên "stay above" này. Do đó, khi ông nói thì các giáo sư đàn anh đều phải nghe và ông quản lí rất hữu hiệu. Ở Việt Nam, tôi không biết có những lãnh đạo như thế hay không.

Nói chuyện bên lề một chút (nhưng có liên quan đến Việt Nam ta). Hôm trước, tôi gặp một số anh em đang giảng dạy và nghiên cửu ở Singapore. Câu chuyện của chúng tôi cuối cùng thì cũng quay về quê hương mình, về giáo dục và khoa học bên nhà. Qua nói chuyện, tôi mới biết được một thông tin thú vị. Đại học Quốc gia Singapore (NUS – National University of Singapore) có chính sách thu hút các giáo sư giỏi từ khắp thế giới về giảng dạy và nghiên cứu ở NUS. Không có gì ngạc nhiên, vì tôi đã nghe đến chính sách này từ lâu.

Nhưng tôi ngạc nhiên khi biết rằng lương bổng của các giáo sư ngoại ở NUS cao hơn đồng nghiệp bản xứ 18%. Chẳng hiểu sao có con số 18%, mà không là 20%! Tôi hỏi thế các giáo sư địa phương có phàn nàn gì không, thì anh K nói “không”, họ hài lòng vì sự nghiệp chung. Để phát triển Singapore, họ biết rằng cần phải có sự đóng góp của người ngoài và đó là cách hay nhất để thu hút người tài. Thật đáng nể! Chẳng biết bên Việt Nam có chính sách nào như Singapore?

Việt Nam ta đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có đại học nằm vào danh sách “top 200” đại học hàng đầu thế giới. Để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực, từ đầu tư cho cơ sở vật chất đến nghiên cứu khoa học và nhất là nhân sự. Một đại học cho dù giàu có cỡ nào mà không có các giáo sư đẳng cấp quốc tế và công trình nghiên cứu đẳng cấp quốc tế thì không thể nào lọt vào danh sách top 200 được.

Nhưng để có con người quốc tế là chuyện không dễ chút nào. Số giáo sư đẳng cấp quốc tế ở bên nhà chắc chắn chẳng bao nhiêu, nếu không muốn nói là đếm đầu ngón tay. Như vậy, cần phải tuyển mộ giáo sư từ nước ngoài.

Nhưng bài học trên cho thấy không phải có tiền là có thể thu hút người tài từ ngoài, bởi vì nước người ta cũng cố gắng giữ người có tài. Ngoài ra, cơ chế tuyển dụng theo “cơ cấu” và những “tiêu chuẩn hồng” vô tình loại bỏ những ứng viên có tài. Nếu không có thay đổi tôi e rằng mục tiêu “top 200” vẫn chỉ là một phát biểu lãng mạn mà thôi.

GS Nguyễn Văn Tuấn
(Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan và Đại học New South Wales, Úc)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang