Người 'khai quốc công thần" Vinaconex

author 11:08 01/05/2013

Mặc dù được làm việc và tiếp xúc với ông đã ngót nghét 10 năm nhưng chưa bao giờ tôi được ông tự mình kể về những công việc trước đây trên cương vị thuyền trưởng “đứng mũi chịu sào” sáng lập và chèo lái con thuyền mang thương hiệu Vinaconex từ ngày thành lập cho đến khi Tổng Công ty này lên 12 năm tuổi ổn định và vững mạnh.

Thoảng đôi khi, tôi dần dần được nghe những câu chuyện giản dị, những bước đi, những khám phá trải nghiệm đến những quyết sách quyết định vận mệnh trong những thời khắc khó khăn nhất để phát triển, chăm lo đời sống cả về tinh thần và vật chất cho hàng chục nghìn cán bộ công nhân viên của Vinaconex, hàng chục nghìn công nhân đổi đời qua các chương trình xuất khẩu lao động do ông khởi xướng thiết lập.

Với thế hệ lãnh đạo và cán bộ Vinaconex hiện nay, ông được nhắc đến với công lao là vị khai quốc công thần, với hội viên Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, ông là người đại diện nói lên tiếng nói bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên khi được đề nghị viết về tấm gương công đoàn ngành xây dựng, ở tuổi thất thập với phong thái điềm đạm ông chỉ mỉm cười “Tôi giờ là người lạc hậu rồi, có gì để viết đâu”…Ông là PGS. TS. Vũ Khoa - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (1988 - 2000).

Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Có một nền tảng chuyên môn vững vàng sau khi đi học chuyên ngành cơ giới hoá xây dựng tại Liên Xô. Trở về nước năm 1962, ông công tác tại Uỷ ban khoa học Nhà nước, Văn Phòng Chính phủ. Đến khi bảo vệ luận án phó tiến sỹ tại Tiệp Khắc, ông chuyển sang làm lại Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng). Dựa trên nền tảng tri thức và năng lực, ông được đề bạt giữ chức Tổng Giám đốc Liên hiệp Xí nghiệp Thi công cơ giới (Licogi), rồi Phó tổng giám đốc phụ trách thi công công trình thuỷ điện Sông Đà.

Với tâm huyết về ngành xây dựng, ông lại về tiếp nhận Tổng công ty dịch vụ và Xây dựng nước ngoài -Vinaconex. Tài sản tiếp nhận về vỏn vẹn có 5 con người, Tổng công ty mà không có trụ sở phải mượn tạm một gian nhà cấp 4 làm nơi giao dịch. Trong khi vốn liếng bằng không, ông phải vay mượn mua một số chiếc xe cũ để làm kinh tế. Trăn trở lớn nhất của người lãnh đạo là phải lo được thu nhập cho người lao động, lo được cho anh em. Rồi thì “cái khó ló cái khôn”, sau khi dành dụm được ít tiền, ông cho mua mấy chỉ vàng tích trữ, đến cuối tháng lại bán đi lấy tiền trả lương mọi người.

Nói đến chuyện này, ông nhớ lại “Ngày đó, làm như vậy là sai luật đấy, nhưng thời buổi lạm phát nếu mình không làm vậy không giữ được giá trị đồng tiền. Cũng vì quyền lợi của tập thể nên mới làm vậy thôi…”. Trước bối cảnh thời cuộc chuyển đổi cơ chế từ bao cấp sang nền kinh tế thị trường, ông là người trực tiếp đến các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam để gõ cửa giao dịch. Và từ đó, đồng hành với sự trưởng thành là những cơ hội mới, những bước ngoặt mới đã đến trên hành trình lãnh đạo của một doanh nhân đi lên từ gian khó…

Người thiết lập thị trường lao động xuất khẩu sang nước ngoài

Sau khi Liên Xô sụp đổ, hơn 13.000 công nhân xây dựng Việt Nam làm việc ở nước ngoài buộc phải về nước. Bộ Xây dựng giao trọng trách cho Vinaconex tiếp nhận, duy trì, quản lý và phát triển lực lượng lao động xuất khẩu này. Nhận nhiệm vụ, ông Vũ Khoa mạnh dạn lập đề án kiến nghị Bộ cho phép thành lập các công ty xây lắp trên cơ sở sắp xếp đồng bộ các công ty xây dựng ở nước ngoài. Các công ty xây dựng số 4, số 5, số 6, số 9 ra đời sau thời gian ngắn đánh dấu sáng kiến nhạy bén vừa tận dụng được kinh nghiệm của công nhân vừa nhận thầu các công trình xây dựng tái thiết đất nước.

Có lợi thế 3 ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Tiệp và tiếng Nga, ông là người thiết lập thị trường xuất khẩu lao động sang các nước thông qua các mối quan hệ bạn bè thân thiết. Không chỉ xuất khẩu sang một số nước Châu Á, mà hợp đồng để đời của ông phải kể đến hợp đồng đầu tiên đưa 2.000 lượt người sang Lybya xây dựng công trình “sông nhân tạo vĩ đại” cuả đất nước này. Sau đó, Vinaconex tiếp tục đưa được gần chục nghìn công nhân tiếp tục khai phá thị trường truyền thống cho đến khi Lybya xảy ra nội chiến. Kể từ khi thành lập, Vinaconex đã xuất khẩu được tổng cộng trên 60.000 lượt chuyên gia và công nhân kỹ thuật sang thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, và các quốc gia khác như: Iraq, Algeria, Đài Loan, Cộng hòa Czech, UAE, Qatar, Lào... đạt doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng.

Câu chuyện Logo Vinaconex và thương hiệu quốc gia ngành xây dựng

Có tầm nhìn xa trông rộng, ông Vũ Khoa cũng là một trong những người thích ứng nhanh với thời đại. Trong khi các đơn vị khác chưa nhận thức được truyền thông thương hiệu là thế nào thì cuối năm 1995, khi thành lập Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam ông đã chỉ đạo phải xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trong đó hai yếu tố chính là logo Vinaconex hiện nay và slogan “xây những giá trị, dựng những ước mơ”.

Mỗi khi xuống đến công trường nào đó, chỉ cần thấy lá cờ Vinaconex hơi bạc hay gió làm rách là ông yêu cầu luôn phải thay cái mới ngay lập tức. Khi nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục miệt mài nghiên cứu khoa học, giảng day tại các trường đại học lớn của ngành như Kiến trúc, Xây dựng, Bách khoa, Giao thông Vận tải. Nhưng tâm huyết và sự trăn trở cùng trách nhiệm với Vinaconex lúc nào cũng là sự quan tâm lớn. Các thế hệ lãnh đạo kế nhiệm của Vinaconex mỗi khi có quyết sách lớn đều tìm đến ông thể tham mưu. Đường đi nước bước của Tổng công ty này do đó mang nhiều dấu ấn khác biệt.

Nhanh chân hơn các anh em khác, ngày 1/12/2006, Vineconex đã thự hiện xong cổ phần hoá chuyển thành Tổng công ty cổ phần XNK & Xây dựng Việt Nam, tạo tiền đề cho việc niêm yết cổ phiếu thành công vào ngày 5/9/2008 tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Giờ đây, nhìn lại thành tựu và cơ ngơi với hàng ngàn công trình kỹ thuật cao trong mọi lĩnh vực khắp đất nước, trên 30 đơn vị thành viên, các văn phòng đại diện trong, ngoài nước, các nhà máy sản xuất vât liệu xây dựng, hệ thống bất động sản, nhà hàng khách sạn, các trường đào tạo và hai đơn vị liên doanh…Vị nguyên lãnh đạo tuy không thể hiện nhưng chắc trong thâm tâm không thể không tự hào.

Vẫn ngày ngày đến văn phòng làm việc tại Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, vẫn kín đặc những lịch trình công tác, sự kiện trong ngoài nước… Ở tuổi 76 ông đã yếu và chậm hơn nhiều so với một hai năm trước sau một đợt bị bệnh cao niên. Ông quan niệm: “nếu mình không làm việc, trí tuệ và đầu óc sẽ trơ lì kém minh mẫn”.

Vẫn tiếp tục nạp những kiến thức mới qua từng tập tài liệu dày cộp nhiều thứ tiếng, vẫn tham gia cố vấn cho các bộ luật của Chính phủ và Quốc hội, vẫn phản biện mạnh mẽ với các cơ quan bộ, ngành để bảo vệ quyền lợi chính đánh của các nhà thầu xây dựng Việt, vẫn là trí tuệ và tầm ảnh hưởng để giới truyền thông báo chí khai thác thông tin….Với lối sống giản dị khiêm nhường, ông - Vũ Khoa là ngọn lửa sáng ngành xây dựng, luôn và sẽ cháy hết mình…

Theo Xây dựng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang