Người Mỹ yêu Việt Nam

author 16:47 13/02/2013

Lần đầu tiên biết đến Kyle Horst là khi tôi tìm địa chỉ liên lạc của cựu lính thủy đánh bộ Mỹ R. Frazure-người đã giữ cuốn nhật ký của liệt sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam Vũ Đình Đoàn trong suốt 46 năm, để phỏng vấn lấy tư liệu cho bài viết. Một người bạn đã cho tôi địa chỉ liên lạc của Kyle kèm câu dặn dò: “Đừng có sốc nhé”.

Với vốn tiếng Việt phong phú,  nên ai chỉ tiếp xúc với Kyle qua email sẽ rất dễ nhầm anh là người Việt. Đợt ấy, trao đổi với Kyle qua email về cuốn nhật ký của liệt sĩ Vũ Đình Đoàn, nhiều lúc tôi ngờ rằng mình đang đọc thư của một người Việt, chứ không phải của một người Mỹ. Ngữ pháp chuẩn xác, lối hành văn trôi chảy, đôi khi chêm một hai câu bông đùa bằng những thành ngữ Việt, nên tôi có thể dùng từ "hoàn hảo" để nói về tiếng Việt của Kyle. Điều ngạc nhiên là Kyle không học tiếng Việt một cách bài bản.

Kyle Horst trong chuyến làm phóng sự cho ABC NEWS "Nightline" ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.
Kyle Horst trong chuyến làm phóng sự cho ABC NEWS "Nightline" ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Anh chỉ học qua những lần tiếp xúc với người Việt, nghe họ nói và học theo, có gì không biết thì hỏi và tìm sách tiếng Việt đọc để luyện.Nhưng tôi vẫn bị "sốc". Bởi trong suy nghĩ của tôi, người nước ngoài biết tiếng Việt cùng lắm thì cũng chỉ có thể giao tiếp và đọc hiểu, chứ linh hoạt như tiếng mẹ đẻ thì... còn lâu. Nhưng Kyle thì lại khác, ngoài việc nói tiếng Việt “như gió”, ví von thành ngữ đủ cả, anh thậm chí còn có một tên tiếng Việt đầy đủ là Vũ Việt Mạc Khải.

Dò hỏi ngọn nguồn cái tên, anh bảo cũng là do những người Việt Nam đầu tiên anh gặp hồi những năm 80 của thế kỷ trước đặt cho. “Đận ấy, do công việc hay phải tiếp xúc với người Việt Nam, họ thấy cái tên Kyle của mình khó gọi, họ gọi là Khải cho dễ. Vậy là có một cái tên Việt Nam đầy đủ”. Kyle đã giữ cái tên đó cho tới tận bây giờ, và thậm chí mỗi khi gửi email cho Kyle, tôi vẫn gọi anh là Khải. Kyle vẫn nói: “Cả đời tôi gần như là gắn bó với Việt Nam”.

Cũng phải nhắc tới công việc của Kyle. Hồi những năm giữa của thập niên 1980, anh là thành viên của một tổ công tác của LHQ có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, đại diện Chính phủ Mỹ về chương trình ODP (Orderly Departure Program)-chương trình xuất cảnh để đoàn tụ với thân nhân ở Mỹ. Khi đó, công việc của Kyle và các đồng nghiệp là phỏng vấn những trường hợp nộp đơn đi đoàn tụ, xem xét giấy tờ của họ. Ngày nào cũng tiếp xúc với người Việt Nam, nghe họ nói chuyện, tự nhiên cái tiếng Việt nó ngấm vào Kyle lúc nào không hay.

Lúc đó, tiếng Việt của Kyle tiến bộ nhanh lắm. Nhiệm kỳ thứ hai của Kyle tại Việt Nam là vào những năm 1991-1993. Lần này, Kyle phụ trách chương trình tái hòa nhập khi hồi hương, khu vực từ Quảng Ngãi trở vào. Hồi đó, Kyle hay phải đi xuống các vùng miền sâu xa để làm việc với các địa phương, tính ra cũng là hơn 100 huyện trong vòng 2 năm. Kyle đùa rằng, lúc đó anh “chìm” trong tiếng Việt, “ăn, ở, đi lại, nói năng đều là Việt Nam hết”. 

Có lẽ, tôi chưa từng gặp một người nước ngoài nào mê ẩm thực Việt Nam như Kyle. Anh có thể ngồi hàng giờ kể vanh vách từng món ăn Việt, từ quà vặt cho đến đặc sản từng vùng miền. Thậm chí, Kyle còn điểm danh từng món ngon ở Hà Nội và địa điểm “chuẩn” nhất để ăn. Kyle thích đồ ăn Bắc như: Bánh khúc, bánh gối, xôi lạc, bún chả Hà Nội… Cũng như bao người nước ngoài khác, Kyle đặc biệt mê phở. Những năm 1984-1985, khi còn công tác ở TP Hồ Chí Minh, Kyle đã phóng xe máy một mạch từ Tân Sơn Nhất đến khúc quẹo Nguyễn Du - Đồng Khởi, đoạn gần Nhà thờ Đức Bà chỉ để ăn một bát phở.

Kyle cũng hoài niệm lần đầu tiên đi xe máy xuyên Việt, từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Ấy là vào năm 1993, rong ruổi trên Quốc lộ 1, nhìn đường phố vắng vẻ như đi trên con đường riêng của mình, Kyle thấy lòng mình bình yên đến thế. Giờ ở Mỹ, Kyle vẫn da diết nhớ mùa đông Hà Nội, đận tháng Giêng, tháng Hai. Lúc ấy, sương mù giăng đầy phố, đi trong mưa phùn lất phất, cảm nhận rõ cái lạnh đến tê người. Ở Mỹ dù có xuống tới -20 độ thì cũng không thể thấy cái lạnh kiểu cắt da cắt thịt như cái rét của Hà Nội. 

Kyle cũng đã từng đón khá nhiều cái Tết ở Việt Nam. Anh nhớ nhất cái Tết năm 1985, Tết Ất Sửu. Lúc đó, Kyle ở TP Hồ Chí Minh. Chiều Ba mươi Tết, đường phố nhộn nhịp đông đúc, Kyle đứng trên đường Cách Mạng Tháng Tám, gật đầu, mỉm cười với những người đi qua, miệng thì liên tục: “Chúc mừng năm mới”.

Đấy là những ấn tượng của Kyle về Việt Nam. Những mảnh nhỏ ngọt ngào mà giờ đã về Mỹ, anh vẫn luôn muốn nhớ lại. Nhưng Kyle lại bảo, ấn tượng sâu sắc nhất của anh về Việt Nam lại chính là con người. Bởi vì đối với Kyle, Việt Nam là một dân tộc đẹp, thông minh và trên hết là rất chịu khó và giàu đức hy sinh. Chỉ đơn giản thế thôi.

28 năm biết Việt Nam, học được nhiều thứ, nghe nhiều chuyện, có buồn có vui, giờ Kyle bảo anh tính về Việt Nam tìm miếng đất trồng cà phê ở Buôn Ma Thuột rồi lấy vợ. Chẳng biết là đùa hay thật bởi tính anh hay tếu táo, nhưng trừ chuyện này ra, tin rằng những điều Kyle nói trên là thật...

Theo QĐND

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang