Người phát ngôn Chính phủ trả lời nhiều vấn đề nóng mà báo chí và dư luận quan tâm

authorHồng Anh 20:12 31/07/2015

(VietQ.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa thông báo nội dung trả lời của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người phát ngôn của Chính phủ đối với một số vấn đề mà báo chí và dư luận quan tâm.

Về câu hỏi, Ngân hàng Nhà nước vừa nêu quan điểm không nên có gói tín dụng cho giao thông theo chỉ đạo xem xét nghiên cứu tại Nghị quyết phiên họp của Chính phủ. Việc này diễn ra trong bối cảnh rất nhiều dự án giao thông đang kêu gọi đầu tư ngoài xã hội, mà trong đó vốn các doanh nghiệp chủ yếu đi vay. Vậy Chính phủ có lo ngại chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông sẽ bị ảnh hưởng và có giải pháp gì để thay thế? Người phát ngôn của Chính phủ cho rằng: "Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2015, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Đây mới là nội dung Chính phủ giao nghiên cứu. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đề xuất của NHNN và ý kiến của các Bộ liên quan, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định. Tuy nhiên, để triển khai bằng hình thức PPP thì vốn góp của Nhà nước là hết sức cần thiết; Nghị định số 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã nêu rõ vấn đề này".

Sau 2 năm triển khai, gói hỗ trợ nhà ở xã hội đã cho vay đạt gần 50% tổng số tiền của gói hỗ trợ

Sau 2 năm triển khai, gói hỗ trợ nhà ở xã hội đã cho vay đạt gần 50% tổng số tiền của gói hỗ trợ

Liên quan đến tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để trục lợi, trong khi đó đối tượng chính của gói hỗ trợ là người thu nhập thấp lại gặp khó khăn khi tiếp cận gói vay này, cho thấy cơ quan quản lý chưa có giải pháp ngăn chặn doanh nghiệp trục lợi, khiến người dân phải chịu thiệt hại. Xin cho biết quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về việc này?

Người phát ngôn của Chính phủ trả lời: "Mục đích của gói 30.000 tỷ đồng là để hỗ trợ cho vay đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở được vay vốn mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích nhỏ, giá thấp.

Sau hơn 2 năm thực hiện (đến 31/5/2015), tổng số tiền cam kết cho vay đối với khách hàng khoảng 14.161 tỷ đồng (đạt gần 50% tổng số tiền của gói hỗ trợ), trong đó có hơn 18.000 hộ gia đình, cá nhân với số tiền là gần 9.000 tỷ đồng.

Vừa qua, báo chí phản ánh về tình hình một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ này để trục lợi, Bộ Xây dựng đã giao Thanh tra Bộ và Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản kiểm tra làm rõ; đồng thời tiến hành rà soát, tiếp tục hoàn thiện các quy định về đối tượng và điều kiện cho vay để tránh việc lợi dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo rà soát kỹ quy trình cho vay, việc giải ngân vốn vay đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng theo quy định và sẽ phối hợp với các địa phương kiểm tra các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, trước hết là ở những địa phương mà báo chí phản ánh, xử lý nghiêm các vi phạm".

Đối với việc Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2014, Luật Kinh doanh bất động sản đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7 tuy nhiên đến nay còn thiếu một số văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn, lúng túng cho không ít doanh nghiệp, làm giảm đi tác động tích cực của các Luật này. Xin cho biết chỉ đạo của Chính phủ về việc này? Theo Người phát ngôn Chính phủ, ba luật này đều có nhiều điểm mới nhằm thể chế hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp 2013, với những cải cách mạnh mẽ, khơi thông các rào cản đối với môi trường đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính, thiết lập các cơ chế hỗ trợ, bảo vệ doanh nghiệp, nhà đầu tư, thị trường và an toàn cho người dân.

Ngay từ đầu năm 2015, sau khi các Luật được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phân công các Bộ, cơ quan khẩn trương soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện các Luật này. Các Bộ đã tích cực xây dựng, trình các nghị định quy định chi tiết thi hành, các thành viên Chính phủ đã tham gia ý kiến, cơ quan soạn thảo đang nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý.

Nhiều địa phương đề xuất ngừng thu phí đường bộ đối với xe máy

Nhiều địa phương đề xuất ngừng thu phí đường bộ đối với xe máy

Để bảo đảm thực hiện ngay các quy định của Luật tại thời điểm Luật có hiệu lực, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan chức năng có văn bản hướng dẫn việc áp dụng trực tiếp các quy định mới của Luật, bảo đảm thông suốt trong hoạt động của người dân, doanh nghiệp.

Mới đây, tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng Pháp luật tháng 7/2015, Chính phủ cũng đã xem xét và quyết nghị những nội dung, giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật đã có hiệu lực, trong đó có Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014.

Trả lời câu hỏi về việc triển khai thu phí đường bộ đối với xe máy gặp khó khăn, thiếu khả thi; Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ có văn bản kiến nghị Chính phủ dừng thu phí xe máy. Người Phát ngôn Chính phủ khẳng định: "Việc thu phí sử dụng đường bộ đối với phương tiện giao thông cơ giới hiện nay được thực hiện theo Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ quy định Phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm: xe ô tô và xe mô tô và Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện.

Trong thời gian qua, việc thực hiện thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Nhiều địa phương chưa triển khai thực hiện được; việc tổ chức thu gặp nhiều khó khăn; một số địa phương đã triển khai thu nhưng hiệu quả thấp.

Trước tình hình trên, Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị không thực hiện việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe mô tô trên phạm vi toàn quốc bắt đầu từ ngày 01/01/2016. Về việc này, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Giao thông vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 9 năm 2015".

Cũng trong dịp này, Người Phát ngôn Chính phủ cũng đã trả lời việc vỡ đường ống dẫn nước sông Đà lần thứ 12 đã gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của hơn 70.000 người dân. Trước đó, Chính phủ đã có yêu cầu thanh, kiểm tra dự án đường ống nước sông Đà, Tổng công ty Vinaconex đã triển khai dự án xây dựng tuyến ống số 2 nhưng tiến độ triển khai dự án chậm so với kế hoạch.

Theo đó, sự cố vỡ đường ống dẫn nước sông Đà tính đến ngày 24/7/2015 đã xảy ra 12 lần, gây ảnh hưởng đến đời sống một bộ phận người dân Thủ đô. Liên quan đến vụ việc này, cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam một số cá nhân liên quan, để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

quy định lớp trưởng được gọi là Chủ tịch hội đồng tự quản gây bức xúc trong dư luận

Lớp trưởng được gọi là Chủ tịch hội đồng tự quản gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận

Trước mắt, để khắc phục tình trạng vỡ đường ống, Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex (VIWASUPCO) đã thành lập Tổ sẵn sàng khắc phục nhanh khi có sự cố. Đồng thời, để góp phần cấp nước ổn định cho người dân Thủ đô, Thủ tướng Chính phủ đã giao Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (VINACONEX) chủ động triển khai tuyến ống cấp nước giai đoạn 2 bảo đảm chất lượng và hiệu quả (CV số 315/TTg-KTN ngày 21/2/2006, CV số 7056/VPCP-KTN ngày 12/9/2014). Hiện nay, các thủ tục để bảo đảm đúng quy trình theo quy định của pháp luật về xây dựng đang được khẩn trương hoàn thiện. Dự kiến tháng 10/2015 sẽ khởi công và hoàn thành vào tháng 9/2016.

Về việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT năm nào cũng có nhiều lùm xùm, tranh cãi, gây tai tiếng cho hoạt động đánh giá, ghi nhận của cơ quan quản lý nhà nước đối với giới nghệ sỹ, uy tín của danh hiệu. Nhiều ý kiến đặt vấn đề có nên tiếp tục hay bỏ việc xét tặng các danh hiệu này? Người Phát ngôn Chính phủ cho biết: "Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) là danh hiệu vinh dự Nhà nước được phong tặng cho các nghệ sĩ có phẩm chất đạo đức, tài năng nghệ thuật xuất sắc, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ.

Từ năm 1981 đến nay đã thực hiện 8 đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Hiện nay, đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng các danh hiệu này được quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định số 89/2014/NĐ-CP. Tiêu chuẩn thời gian hoạt động nghệ thuật là 20 năm trở lên đối với NSND và 15 năm trở lên đối với NSƯT. Luật cũng không quy định xét đặc cách. Do vậy việc xét tặng các danh hiệu trên phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan chức năng sẽ lắng nghe, tiếp thu các góp ý, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện để đề xuất cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện các quy định cho phù hợp với thực tiễn".

Ngoài ra, liên quan đến một số nội dung trong dự thảo Điều lệ Trường tiểu học do Bộ GD&ĐT công bố (quy định lớp trưởng được gọi là Chủ tịch hội đồng tự quản, quy định cụ thể số sổ sách mà giáo viên yêu cầu phải có, số tiết dạy của hiệu trưởng, hiệu phó…) chưa phù hợp với thực tế, gây băn khoăn cho giáo viên và phụ huynh học sinh. Người Phát ngôn Chính phủ cho biết: Triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, theo đó việc đổi mới được triển khai thực hiện trong từng cấp học, bậc học một cách toàn diện, trong đó có giáo dục tiểu học.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến ban hành Điều lệ Trường Tiểu học mới là theo kế hoạch công tác và thuộc thẩm quyền của Bộ. Theo thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Dự thảo đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, kế thừa kinh nghiệm và bài học của Việt Nam qua các giai đoạn, tham khảo thành tựu khoa học giáo dục của các nước phát triển, phù hợp với điều kiện Việt Nam và kết quả thực hiện thành công ở gần 2.000 trường tiểu học thí điểm trên cả nước từ năm 2011. Dự thảo Điều lệ đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi của xã hội để hoàn thiện trước khi ban hành. Quan điểm của Chính phủ là, Bộ phải lắng nghe, tiếp thu đầy đủ các ý kiến phù hợp của các tổ chức, cá nhân, đồng thời làm tốt công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang