Người sánh vai với GS Tôn Thất Tùng

author 09:06 25/04/2013

(VietQ.vn)- Ở Đức, có hai nhà thơ rất nổi tiếng là Goethe và Schiller, người ta đã đúc hai bức tượng của hai ông to bằng nhau, cao bằng nhau, nặng bằng nhau. Ở nước ta trong lĩnh vực Y học, có hai con người rất nổi tiếng và rất đáng kính trọng là GS Tôn Thất Tùng - nhà Ngoại khoa và GS Đặng Văn Chung - một nhà Nội khoa, hai ngành chủ chốt của Y học Việt Nam”.

Nhà Sư phạm mẫu mực

Giáo sư Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết ông thuộc lớp người được GS Đặng Văn Chung đào tạo từ thời chống Pháp, những người mà còn sống đến nay có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. GS Đại nhớ về những ngày đầu tiên được theo học thầy: “Năm 1945-1946 GS Đặng Văn Chung, lúc đó chúng tôi chỉ gọi là anh vì lúc đó anh mới có 33-34 tuổi, còn chúng tôi mới 19, 20 tuổi, GS là người đầu đàn dạy dỗ chúng tôi. Là những sinh viên nội trú, chập chững bước vào nghề, chúng tôi được GS Đặng Văn Chung dạy những động tác rất cơ bản, khám tim, phổi như thế nào, nắn bụng ra sao, nắn thế nào để bàn tay vẫn mềm mại, đẹp mà bệnh nhân không cảm thấy nhột.

GS Đặng Văn Chung
GS Đặng Văn Chung

GS Đặng Văn Chung chỉ bảo cho chúng tôi rất kỹ mà ngay bây giờ chúng tôi vẫn còn những ấn tượng không thể nào phai mờ được. Ngay kể cả những động tác rất nhỏ, thí dụ đối với người hôn mê thì anh giảng làm thế nào để biết hôn mê sâu, hôn mê mức độ ra sao qua phản ứng của bệnh nhân, nhất là đối với phụ nữ. Khi đó chưa có trình độ gì cả nhưng chúng tôi nhớ rất rõ thế nào là hôn mê sâu, thế nào là hôn mê vừa, thế nào là hôn mê ít. Những cái đó gây ấn tượng rất sâu đậm với chúng tôi trong những ngày đầu đời bước vào nghề”.

Rồi ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ (19-12-1946), sinh viên Y khoa theo các đơn vị phục vụ bộ đội, mỗi người một nẻo, nhưng đến khoảng giữa năm 1947 thì lại tập trung nhau lại ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang để thi lên lớp. Khi ấy, để duy trì việc học cho các sinh viên Y khoa, vừa phục vụ chiến trường, trường Y được xây dựng giữa núi rừng Việt Bắc. Thầy trò quy tụ về đây học rồi lại đi chiến dịch, đi rồi lại về học,... Được gặp gỡ, sinh hoạt và học tập với các Giáo sư trường Y, kỷ niệm ấy thật không thể nào quên. GS Đỗ Doãn Đại nhớ lại: GS Đặng Văn Chung thì ở với chúng tôi ở bên này ngòi Quẵng. Nhiều người ở với chúng tôi dạo đó cũng đi xa hết cả, anh Phạm Khuê, anh Trịnh Kim Ảnh, Đặng Chu Kỷ, rồi anh Ấu Thực. Thầy trò quấn quýt với nhau lắm. Ăn cơm ở nhà cụ Lãng ở Quẵng, món cải thiện phong phú nhất bấy giờ là phở chua của Tuyên Quang. Ngoài ra còn có chuối tiêu ăn với lạc rang, ngày nào thầy trò cũng có thể nói vui vẻ với nhau. Rồi thời gian đi qua, chúng tôi cứ về thi, rồi lại về lại các đơn vị bộ đội”.

Về lĩnh vực sư phạm Y học, GS Đặng Văn Chung là một người rất nổi bật cùng với những cây đại thụ khác như GS Tôn Thất Tùng, GS Vũ Công Hòe, GS Trịnh Ngọc Phan,... Các bài giảng và sách giáo khoa của GS Đặng Văn Chung bao giờ cũng sáng sủa, dễ hiểu và nhớ lâu. Bài giảng luôn có tính liên tục, không bị ngắt quãng, Giáo sư rất chú ý đến yếu tố thực tiễn bệnh tật ở nước ta. Là một học trò được dìu dắt, chỉ bảo tận tình từ khi còn là một sinh viên, luôn cận kề thầy của mình cho đến khi GS Chung qua đời, GS Nguyễn Khánh Trạch, nguyên trưởng khoa Tiêu hóa, bệnh viện Bạch Mai khẳng định: “Thầy Chung đã đem lại cho tôi một cái nghề và một cái nghiệp cao quý, nhân đạo. Thầy là tấm gương về nhân cách, lòng yêu nghề, về y đức và y đạo, thầy đã dạy tôi về phẩm cách của một người làm khoa học chân chính”.

Những kinh nghiệm GS Đặng Văn Chung truyền thụ luôn được GS Nguyễn Khánh Trạch ghi nhớ và thực hiện trong suốt cuộc đời làm nghề giáo, nghề thầy thuốc của mình. Ông đã tổng kết lại những bài học ấy một cách ngắn gọn: Thầy nói chúng tôi không nên giảng bài như cái máy quay đĩa mà phải đưa vào đó những kinh nghiệm, sự say mê, sự đối xử công bằng đối với người bệnh. Thầy yêu cầu chúng tôi phải chuẩn bị bài giảng thật kỹ, phải giảng thử trước, rồi mới giảng thật ở trên bục giảng. Thầy luôn nhấn mạnh đào tạo ra một bác sĩ kém là không tốt, là cấp bằng cho họ được hại người nhưng cũng chỉ hại được ít người thôi.

Đào tạo ra một bác sĩ kiêm thầy giáo kém thì sự hại đó tăng lên gấp 2, 3, 4 lần vì người thầy đó sẽ đào tạo ra những người thầy thuốc khác cũng kém cỏi và cứ như thế sự thiệt hại sẽ tăng lên không thể biết trước được. Thầy là người thầy mẫu mực, từ những động tác đến lời nói trước bệnh nhân mà có hại cho người bệnh thì thầy đều tránh. Thầy đã dạy cho chúng tôi phương pháp nghiên cứu khoa học cũng như đạo đức người làm khoa học, nghiên cứu khoa học phải trung thực khách quan, không vì thành tích mà bóp méo sự thật, vô cùng nguy hiểm. Thầy là người không bao giờ chấp nhận bệnh thành tích. 

Được GS Đặng Văn Chung dìu dắt từ những ngày đầu, GS Phạm Gia Khải, nguyên viện trưởng viện Tim Mạch đặc biệt ấn tượng với phương pháp lâm sàng trong công tác giảng dạy. Theo ông, thầy Chung hỏi và khám bệnh có hệ thống, không bỏ qua mọi chi tiết có liên quan tới người bệnh và tới những triệu chứng lâm sàng phát hiện được; Thầy thuốc coi người bệnh là trung tâm, nhưng lại không phải đơn thuần là thư ký thụ động. Ông nhớ lại: “Hàng tuần, chúng tôi có một buổi trình bày và thảo luận lâm sàng, trong đó thầy uốn nắn chúng tôi từ cách làm bệnh án, đến lập luận trong các bước tiến hành chẩn đoán, lý do chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết, và các xét nghiệm bắt buộc, gọi là xét nghiệm cơ bản. Với phương pháp đó, dần dần chúng tôi không bị lệ thuộc quá nhiều vào lý thuyết, và thấy chính người bệnh mới là nguồn cung cấp các dữ kiện, từ đó lý thuyết bệnh học càng phong phú thêm mãi, đúng như câu các thày đã nói: “Không có bệnh mà chỉ có con người mắc bệnh”. (Il n’y pas de maladies, il n’y a que des malades)”.

Sinh thời, GS Đặng Văn Chung luôn nhắc nhở các học trò của mình rằng đức tính quý nhất của người thầy thuốc, người làm công tác khoa học, là “sự trung thực”. Lời dặn đó, những học trò của Giáo sư Chung đã và đang bước theo. Như chứng minh và nhấn mạnh thêm y đức đã học được từ thầy giáo mình, GS Phạm Gia Khải xúc động kể lại câu chuyện cuối cùng về thầy mình trên giường bệnh: “Có một lần duy nhất, mà là đối với thầy, chúng tôi không nói sự thực, đó là khi ở Bệnh viện Bạch Mai, thầy đang được theo dõi điều trị bệnh bạch cầu cấp, GS Vũ văn Đính và tôi cho chỉ định truyền máu, nhưng không cho thầy biết chẩn đoán, chỉ giải thích là vì thấy thầy thiếu máu, mệt nhiều thôi…Sau vài ngày, bệnh nặng dần, thầy Đặng văn Chung ra đi, nhưng không bao giờ biết được chẩn đoán bệnh của mình… Có thể thầy cũng biết, nhưng không nói, cũng như chúng tôi không nói sự thực đó, một lời tuyên án mà không bao giờ người ta muốn cho người thân yêu của mình biết….”

Nhà Nội khoa hàng đầu

GS.TS Nguyễn Khánh Trạch đưa ra một sự so sánh: “Ở nước Cộng hòa Liên bang Đức, có hai nhà thơ rất nổi tiếng là Goethe và Schiller, người ta đã đúc hai bức tượng của hai ông to bằng nhau, cao bằng nhau, nặng bằng nhau. Ở nước ta trong lĩnh vực Y học, tôi cũng nghĩ có hai con người rất nổi tiếng và rất đáng kính trọng là GS Tôn Thất Tùng - nhà Ngoại khoa và GS Đặng Văn Chung - một nhà Nội khoa, hai ngành chủ chốt của Y học Việt Nam”.

GS Đặng Văn Chung là một nhà Lâm sàng học, sư phạm Y học và đồng thời là người rất quan tâm tới nghiên cứu khoa học. Nhiều nhà khoa học thế hệ học trò của GS Đặng Văn Chung cho đến tận bây giờ vẫn luôn nhớ tới và khâm phục ông. Bằng bàn tay và khối óc, phối hợp với những dụng cụ y học thô sơ, một số xét nghiệm thông thường, GS Chung đã chẩn đoán phát hiện nhiều loại bệnh khó mà ngày nay phải nhờ đến những phương tiện, xét nghiệm hiện đại cao cấp mới chẩn đoán được, trong đó phải kể đến các bệnh như hạ đường huyết do u tụy, cao huyết áp do u tủy tuyến thượng thận, bệnh đa u tủy xương. GS Tôn Thất Tùng là người đầu tiên ở nước ta đã mổ tim thành công và lập ra Khoa Phẫu thuật Tim mạch đầu tiên ở nước ta nhưng GS Đặng Văn Chung là người góp phần to lớn vào thành công đó của GS Tôn Thất Tùng vì đã chẩn đoán chính xác nhiều bệnh tim mạch trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn nhiều phương tiện chẩn đoán. GS Tôn Thất Tùng đã từng nói: “Tôi không thể yên tâm mổ tim mà không có chẩn đoán của GS Đặng Văn Chung”.

Bệnh nhiễm trùng ở nước ta trước đây khá phổ biến, trong đó có những bệnh rất khó chẩn đoán, nếu không có những phương tiện hiện đại như siêu âm, chụp citi, nuôi cấy vi khuẩn. Sau một thời gian nghiên cứu, GS Đặng Văn Chung đưa ra một khái niệm về nhiễm trùng vùng sâu, dành cho những trường hợp nhiễm trùng khó chẩn đoán, nhờ vậy mà việc chẩn đoán trở nên chính xác hơn nhiều và tỉ lệ tử vong giảm xuống. Thận và gan là hai cơ quan hay bị nhiễm trùng nhưng dễ bị bỏ qua nhất nếu không có những triệu trứng điển hình. Ngày nay nhiễm trùng hai cơ quan này chẩn đoán tương đối dễ nhờ chẩn đoán qua hình ảnh. Vào thời của GS Đặng Văn Chung thì cực kỳ khó khăn nhưng với trình độ chuyên môn sâu, tay nghề tinh tế, sự suy luận sắc sảo, ông đã giúp các bác sĩ chẩn đoán được những bệnh đó.

 Giáo sư Đặng Văn Chung là người đầu tiên xây dựng ngành Tim mạch học Việt Nam và ngày nay đã trở thành Viện Tim mạch Quốc gia. Giáo sư đã từng là Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược Hà Nội nhưng chỉ mấy năm sau ông tự nguyện xin thôi quản lý để làm chuyên môn với chức vụ Chủ nhiệm Bộ môn Nội trường Đại học Y Hà Nội, Chủ nhiệm Khoa Nội Bệnh viện Bạch Mai, ông chuyên tâm vào việc khám, chữa bệnh và giảng dạy. GS Nguyễn Khánh Trạch phần nào hiểu rõ tâm tư của thầy mình, nhấn mạnh: “Nhiều người cho rằng thầy không thức thời nhưng thầy lại không nghĩ như vậy, thầy luôn nghĩ rằng hạnh phúc là do người bệnh và các thế hệ học trò của mình mang lại chứ không phải chức tước địa vị hay quyền lực”.

Là một người làm lâm sàng Nội khoa, nhưng GS Đặng Văn Chung đã tự mình mổ hàng ngàn tử thi, xác định và kiểm tra những thiếu sót trong chẩn đoán, điều trị. Về sau này, khi các chuyên khoa đã phát triển hơn, ông không trực tiếp làm công tác này nữa, nhưng thường xuyên yêu cầu các học trò, các bác sĩ tham dự các ca mổ tử thi và trong giao ban hàng ngày phải trình bày về kết quả giải phẫu bệnh học để tất cả các thầy thuốc và sinh viên trao đổi, học tập. Trong suốt thời gian làm Chủ nhiệm Bộ môn, Chủ nhiệm Khoa, GS Đặng Văn Chung duy trì đều đều các báo cáo chuyên môn vào các buổi chiều thứ hai, chủ đề là do yêu cầu từ thực tế khám, điều trị bệnh.

GS Phạm Gia Khải còn nhớ như in một ca bệnh: “Năm 1961, tôi được theo dõi một bệnh nhân lên cơn động kinh nhiều lần và cơ thể rất béo, hỏi kỹ, được biết người bệnh này hay đói, và phải ăn nhiều để tránh lên cơn giật. Thầy Chung cho tôi mượn một quyển sách để tham khảo về vấn đề này, sau vài ngày, tôi trình bày trường hợp bệnh nhân động kinh trong sinh hoạt chuyên môn thường kỳ của Khoa Nội. Thầy Chung hỏi, tôi trả lời rằng mình hướng tới chẩn đoán cơn động kinh do hạ đường huyết, vì làm xét nghiệm khi đó thấy đường huyết rất thấp, có nhiều khả năng là do u tụy nội tiết…

Bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Việt - Đức, GS Tôn thất Tùng phẫu thuật, lấy được khối u ở phần đuôi tụy (Nésidioblastome), bệnh nhân khỏi hẳn động kinh, xuống cân, trở lại bình thường. Thành công này đánh dấu cho một bước trưởng thành trong lâm sàng Nội khoa, mà GS Đặng văn Chung là người đã giúp tôi thực hiện”. Và đến tận bây giờ GS Khải vẫn nhớ lời dặn của thầy mình: “Đừng tách bệnh nhân khỏi môi trường của họ, phải quan tâm tới tất cả những gì có liên quan. Người thầy thuốc phải có hiểu biết về xã hội, về văn hóa”.

Trong mấy chục năm công tác ở Bệnh viện Bạch Mai, giữ chức Chủ nhiệm Khoa Nội, GS Đặng Văn Chung đã đặt nền móng và bồi dưỡng nhiều thế hệ bác sĩ. Ông đặc biệt chú ý đến công tác cấp cứu Nội khoa. Khoa A9 hai lần được phong danh hiệu Anh hùng là nhờ một phần công lao to lớn của GS Đặng Văn Chung. Là người giữ chức Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhiều năm, GS Đỗ Doãn Đại vẫn rất nhớ: “Thầy có nói rằng sau này phải chia ra làm nhiều chuyên khoa. Thầy rất ủng hộ chuyện các học trò của mình đi vào các phân khoa, lúc đó mới đi sâu được, do đó mới có Viện Tim Mạch, có Khoa Xương khớp,…Điều đó cho thấy tầm nhìn rất rộng của thầy, nó giúp anh em chúng tôi có thể xây dựng được các ngành chuyên môn của mình”.
 

Còn rất nhiều những câu chuyện, những kỷ niệm về người thầy đáng kính - GS Đặng Văn Chung được các học trò kể lại với những cảm xúc đặc biệt. Có thể nói, gia tài mà GS Đặng Văn Chung để lại vô cùng to lớn, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp Y học nước nhà. Nơi chín suối, Giáo sư có thể mỉm cười vì ông đã đào tạo được các thế hệ học trò giỏi về “Y năng”, vững vàng về “Y đức”. Xin mượn lời một học trò của Giáo sư để khép lại những câu chuyện này cũng như bày tỏ lòng biết ơn chân thành của các thế hệ đi sau tới ông: “Mỗi con người đều có một số phận riêng, số phận của thầy Đặng Văn Chung quang vinh cũng lắm, đắng cay cũng nhiều. Ông trời không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả, thầy biết vậy và không bao giờ kêu ca phàn nàn về những khoảng tối, về những mất mát của mình. Chính vì vậy chúng tôi càng thấy thương yêu thầy hơn, quý trọng thầy và luôn nhớ ơn thầy!”.

Nguyễn Thanh Hóa

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang