Sản phẩm giảm cân quảng cáo thổi phồng công dụng, người dùng coi chừng “sập bẫy”

author 06:30 06/05/2021

(VietQ.vn) - Nhiều sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang được quảng cáo “tâng bốc”, cường điệu hóa công dụng, người tiêu dùng cần cẩn trọng tránh “sập bẫy” nhầm tưởng là thuốc giảm cân.

Đủ chiêu quảng cáo tâng bốc

Thời gian qua, tòa soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) nhận được phản ánh nhiều sản phẩm giảm cân quảng cáo như thuốc chữa giảm cân, có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật, lừa dối người tiêu dùng.

Theo phản ánh, sản phẩm được quảng cáo với nhiều công dụng như thần dược: “Giảm cân cho mọi cơ địa, kể cả lỳ nhất; 1 tháng sử dụng đánh bay mỡ thừa; chỉ 2 viên/ ngày sụt ký vèo vèo; giảm ngay 10kg như ý muốn; kỹ thuật tiêu mỡ đột phá...”. Toàn bộ nội dung của quảng cáo thể hiện người dùng không cần ăn kiêng, tập thể dục chỉ cần uống là giảm được cân.

Cụ thể, sản phẩm giới thiệu chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn đầu sẽ làm mềm mô mỡ cứng lâu năm nếu chị em là người béo lâu, cơ địa khó giảm. Giai đoạn 2 đốt cháy mỡ thừa và đào thải hoàn toàn qua tuyến mồ hôi, nước tiểu. Cơ thể nhẹ nhàng, thanh thoát, không còn khó chịu vì lớp mỡ dày. Sau khi dùng hết liệu trình sẽ đào thải hoàn toàn mỡ thừa đồng thời lấy lại vóc dáng “như mơ”, siết chặt vòng eo khiến cơ thể trở nên cân đối.

 Ảnh minh hoạ

Ngoài ra trên các trang mạng xã hội, sản phẩm giảm cân quảng cáo khẳng định đã được Cục ATTP xác nhận có tác dụng giảm cân, đánh bay cả “tạ mỡ thừa” và cam kết không tăng trở lại. Thậm chí, quảng cáo còn có dấu hiệu lừa dối khi cho rằng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, có thể thấy tất cả những nội dung quảng cáo đều hướng tới mục đích “thổi phồng” chất lượng của sản phẩm này.

Thậm chí, để người dùng tin tưởng và chi tiền mua sản phẩm, một số website còn lồng ghép những video, chia sẻ của khách hàng, người nổi tiếng để quảng cáo như: Nghệ sỹ Kim Xuân, diễn viên Lê Dương Bảo Lâm, Á hậu Huyền My. Tuy nhiên, liệu những người nổi tiếng này có thực sự dùng sản phẩm? Đây là câu hỏi khiến dư luận quan tâm, bởi từng có không ít người nổi tiếng bị gắn mác, lồng nghép quảng bá cho những sản phẩm tăng - giảm cân khác, chỉ khi cơ quan chức năng phát giác mới lộ tẩy, thậm chí có trường hợp chứa cả chất cấm.

Nhiều dấu hiệu vi phạm quy định quảng cáo

Theo tìm hiểu của phóng viên, thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ có tác dụng hỗ trợ chứ không có tác dụng giảm cân nhanh chóng như quảng cáo. Đồng thời quá trình cấp phép, Cục ATTP khuyến cáo thực phẩm này không phải là thuốc. Thận trọng không dùng cho người mẫn cảm với thành phần của sản phẩm. Không dùng cho phụ nữ có thai, cho con bú, người có tiền sử bị bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường. Thế nhưng trong rất nhiều quảng cáo, sản phẩm này lại giới thiệu dành cho nhiều đối tượng, không hề có khuyến cáo như chỉ định.

Theo Mục b, Khoản 3, và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012, các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.

Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Căn cứ những quy định trên có thể thấy, việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện nay đang có nhiều dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng, dễ khiến người tiêu dùng lầm tưởng về công dụng thực sự của sản phẩm. Trước thực trạng sản phẩm giảm cân đang làm loạn thị trường, các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng không nên mua sản phẩm giảm cân qua mạng xã hội, sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Để cơ thể khỏe mạnh người tiêu dùng nên có chế độ ăn hợp lý, luyện tập thể dục thể thao hàng ngày.

Đã có rất nhiều câu chuyện thương tâm xảy ra với người tiêu dùng khi mua sản phẩm giảm cân qua mạng xã hội để rồi tiền mất, tật mang thậm chí ảnh hưởng đến cả tính mạng. Điển hình như trường hợp một bà mẹ trẻ 24 tuổi đã thiệt mạng vì uống thuốc giảm cân mua trên mạng.

Do ám ảnh cân nặng sau khi sinh con gái được một năm, chị G lên mạng tìm mua thuốc giảm cân, sau 10 ngày uống chị giảm hơn 7 kg. Tuy nhiên, sau khi uống được một tháng, chị bị đau đầu dữ dội phải tìm đến bác sĩ. Chị nhanh chóng được cho nhập viện với chẩn đoán phù não. Hai ngày sau, chị lên cơn đau tim và rơi vào hôn mê, phải duy trì sự sống nhờ ống thở. Một tuần sau, bác sĩ quyết định rút ống thở vì xác định chị đã bị chết não. Theo các bác sĩ, loại thuốc giảm cân chị đã uống là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của chị. Loại thuốc này được quảng cáo là một liệu pháp giảm cân tự nhiên, dùng để giảm mỡ trong cơ thể nhưng không giảm cơ. Sau sự ra đi của chị G, các trang mạng rao bán loại thuốc này đã ngưng hoạt động. Nhà chức trách cũng đã tìm ra và xử lý nghiêm khắc.

 An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang