Người tiêu dùng: "Chờ được vạ, má đã sưng" (Bài 6)

author 17:44 02/07/2012

(VietQ.vn) - Không chỉ móc túi người tiêu dùng bằng các chiêu thức ở chợ, nhiều du khách còn phản ánh với PV Chất Lượng Việt Nam về tình trạng chặt chém ở các khu nghỉ dưỡng, du lịch... xảy ra rất nhiều, song đến nay vẫn chưa có cơ quan nào vào cuộc kiểm tra, xử lý.

Bài 6: Khi người tiêu dùng mắc bẫy "treo đầu dê bán thịt chó"

Mỗi dịp nghỉ hè, khu du lịch Mũi Né (Phan Thiết) thu hút rất nhiều khách du lịch nước ngoài cũng như trong nước. Nơi đây có bãi biển nông, thoải, nước xanh trong, nắng ấm quanh năm là nơi tắm biển, nghỉ dưỡng lý tưởng dành cho du khách. Ăn theo đó là hàng loạt resort mọc lên để phục vụ khách du lịch. Điều đáng nói là không ít du khách tới đây đã bị "chủ địa phương"... "chặt chém"!

Qua giới thiệu chúng tôi đến nghỉ ở resort Hải Yên (132 Nguyễn Đình Chiểu, phường Hàm Tân, TP. Phan Thiết, Bình Thuận). Sau khi bước chân vào phòng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì các căn phòng ở đây được thiết kế rất đơn giản, nội thất không có gì gọi là đạt tiêu chuẩn, chất lượng của một resort. Điều hòa phát ra tiếng kêu khó chịu, những chiếc khăn tắm ngả màu ố, vật dụng trong phòng thiếu thốn, nhân viên phục vụ thiếu thân thiện.

Resort Hải Yên thực chất chỉ là nhà nghỉ
Resort Hải Yên thực chất chỉ là nhà nghỉ

Không chịu được với cái nhà nghỉ... kiểu resort này, chúng tôi quyết định di chuyển sang khu vực khác thuê nghỉ. Dù ở 3 giờ đồng hồ song nhân viên vẫn tính tiền hẳn... một ngày! Khi chúng tôi thắc mắc, cả nhân viên lẫn chủ resort  lạnh lùng nói đó là quy định của họ!

Qua tìm hiểu thông tin trên mạng, resort Hai Yen (thực chất là Hải Yên) được quảng cáo chỉ là một nhà nghỉ, thế nhưng thực tế lại treo biển resort. Nhiều người cho rằng việc làm này  không khác gì "treo đầu dê bán thịt chó" đánh lừa du khách.

Anh Nguyễn Tuân (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, resort Hải Yên không khác gì nhà nghỉ, thậm chí chất lượng dịch vụ còn thua xa nhà nghỉ ở các nơi khác.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Toàn - Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch Bình Thuận, resort Hải  Yên chưa có tên trong danh sách các khu nghỉ dưỡng được xếp hạng ở địa phương này. Thậm chí, chưa có hồ sơ trình sở thẩm định xếp hạng.

Trang web quảng cáo của Nhà nghỉ Hải Yên
Trang web quảng cáo của nhà nghỉ Hải Yên

Khi chúng tôi hỏi về quy định niêm yết giá phòng nghỉ ở các khu nghỉ dưỡng, nhà nghỉ, resort trên địa bàn, ông Toàn khẳng định: “Ngành du lịch không quản lý giá phòng, giá phòng là tự các doanh nghiệp đưa ra, sau đó báo cáo lên ngành thuế dựa vào đó để thu thuế”.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến du khách đến nghỉ dưỡng ở khu du lịch Mũi Né bị "chặt chém".

Trước đó, trao đổi với báo giới, ông Trần Văn Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, cho rằng có nhiều khách sạn hay resort xây dựng nhiều phòng (trên 70 phòng) nên họ tự ghi là “4 sao”, giá mềm, để câu khách. Khi khách đến ở mới biết mình bị lừa vì chất lượng quá tệ. Đây là một hình thức kinh doanh không lành mạnh đang phổ biến ở Mũi Né.

“Những resort tự gắn sao làm cho du khách thiệt đủ đường. Từ giá cả đến chất lượng dịch vụ, thậm chí mua cái bực mình vào thân. Một resort 3 sao giá phòng trung bình hiện nay khoảng 2 triệu đồng/phòng/ngày, nhưng khi "gắn" 4 sao thì giá phòng được đẩy lên 3 triệu đồng/phòng/ngày. Còn resort tự "phong" 5 sao phải 5 triệu, có khi đẩy giá lên 7-8 triệu đồng. Chúng tôi cũng rất bức xúc vì hiện nay trên nhiều trang web, các hãng lữ hành tự tiện phong “sao” cho những resort ở Phan Thiết - Mũi Né”, ông Bình cho hay

Mai Anh Tuân
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang