Người tiêu dùng có thể "mất quyền" được bồi thường

author 16:54 17/05/2012

Nếu đơn vị kinh doanh chứng minh được "khuyết tật" của hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học kỹ thuật tại thời điểm cung cấp cho người tiêu dùng thì đơn vị kinh doanh không phải bồi thường.

Theo Điều 24 Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá ... được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi chứng minh được khuyết tật của hàng hoá không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá cung cấp cho người tiêu dùng.” Vấn đề tương tự này cũng được quy định tại Điều 62 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007. 

Ai sẽ "bảo lãnh" cho người tiêu dùng nếu nhà sản xuất chứng minh được trình độ khoa học kỹ thuật "còn yếu"(Ảnh minh họa: internet)
Ai sẽ "bảo lãnh" cho người tiêu dùng nếu nhà sản xuất chứng minh được trình độ khoa học kỹ thuật "còn yếu"(Ảnh minh họa: internet)
Như vậy, trong thực tế có những trường hợp người tiêu dùng mua sản phẩm, hàng hóa về sử dụng sau đó do sử dụng hàng hóa đó mà dẫn đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng bị xâm phạm nhưng nếu tổ chức, cá nhân kinh doanh “chứng minh được khuyết tật của hàng hoá không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá cung cấp cho người tiêu dùng” thì không bồi thường. 
 
Vấn đề này đang gây ra những vướng mắc trên thực tế áp dụng pháp luật hiện nay, có trường hợp như cháy xe chẳng hạn, cho đến nay dù đã có 04 Bộ ngành đã công bố kết luận về nguyên nhân xe cháy nhưng thực tế vẫn chưa chốt lại được nguyên nhân cơ bản nào dẫn đến xe cháy, và chưa quy ra ai có trách nhiệm trong việc xe bị cháy để người dân có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại. Chẳng nhẽ, tất cả các vụ xe cháy một cách thường xuyên lại do ... người tiêu dùng! Và tất cả mọi rủi ro đều thuộc về người tiêu dùng? 
 
Khi sản xuất sản phẩm, hàng hóa người sản xuất phải đảm bảo rằng hàng hóa đó an toàn cho người sử dụng. Nếu sản xuất một loại sản phẩm, hàng hóa mà lại không xác nhận được rằng sản phẩm, hàng hóa đó có an toàn hay không những vẫn tung ra thị trường thì người tiêu dùng phải lãnh hậu quả là tất yếu. 
 
Và nếu nhà sản xuất chứng minh được sự an toàn của sản phẩm, hàng hóa nhưng trên thực tế sử dụng người tiêu dùng lại bị thiệt hại, vậy cơ sở nào để nhà sản xuất chứng minh về “trình độ khoa học, kỹ thuật” tại thời điểm đó không phát hiện được khuyết tật. Trình độ khoa học, kỹ thuật ở đây là gì, quy trình chứng minh ra sao ... cho đến nay, khi có Nghị định số 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Bảo vệ người tiêu dùng vẫn chưa thấy có hướng dẫn cụ thể. 
 
Dù Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã “miễn” trách nhiềm bồi thường cho giới thương nhân, nhưng sự thiệt hại của người tiêu dùng vẫn còn đó. Đối với những trường hợp chưa xác định được sự khuyết tật của hàng hóa mà hàng hóa đó lại, trên thực tế gây thiệt hại, vẫn còn để ngõ quy trình, cách thức để các thương nhân chứng minh, nhưng có một điều rõ ràng hơn là trách nhiệm chịu bồi thường thì không thể xác định. Thiết nghĩ, cần có những quy định cụ thể hơn về vấn đề này, hoặc phải bãi bỏ quy định miễn trừ này, không thể đẩy các rủi ro hoàn toàn về phía người dân, bởi lẽ khuyết tật của hàng hóa không được tìm ra bởi khoa học, kỹ thuật nhưng lại rất sẳn thấy trong đời sống thực tế. 
 
Nếu cứ treo lơ lửng rủi ro trên đầu người tiêu dùng như vậy, thì rất khó để bảo vệ đến cùng lợi ích của họ, trong khi chất lượng hàng hóa có vấn đề thì ngày càng nhiều, mà khả năng phát hiện ra khuyết tật lại vẫn chưa có gì mới cả. 

LÊ CAO
 
(Bài viết được thực hiện với sự hỗ trợ phối hợp của Công ty Luật hợp danh FDVN, 193 Nguyễn Tri Phương, TP Đà Nẵng, ĐT: 05113. 890 568) 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang