Người tiêu dùng đã thực sự có quyền?

author 16:41 19/06/2012

(VietQ.vn) - Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) đã có hiệu lực gần một năm kể từ 1/7/2011, nhưng trên thực tế, đến thời điểm này NTD Việt Nam vẫn chưa có được toàn bộ quyền của mình, ít nhất là trên các hợp đồng cam kết của nhiều loại sản phẩm dịch vụ thiết yếu hiện nay.

Do tâm lý sợ phiền hà, nhiều NTD đã bỏ quên quyền của mình

Khi NTD chưa thực sự biết quyền

NTD vốn được xem là nhân tố quyết định sự phát triển của thị trường hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, đại đa số NTD không hiểu hết nghĩa vụ và quyền lợi mà họ được hưởng, cũng như chưa biết tự bảo vệ và chưa được bảo vệ quyền lợi thích đáng; trong khi cơ chế hiện nay chưa bảo đảm quyền lợi chính đáng của họ.

Theo thống kê của Văn phòng phía Nam - Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam (Vinastas) và Hội Bảo vệ Quyền lợi NTD TP.HCM, những năm gần đây, số vụ khiếu nại đến văn phòng năm sau đều giảm hơn năm trước.

Trong năm 2011 và nửa đầu năm 2012, Vinastas phía Nam tiếp nhận 258 vụ, Hội Bảo vệ Quyền lợi NTD TP.HCM tiếp nhận 198 vụ khiếu nại liên quan đến chất lượng hàng hóa dịch vụ, trong đó nhiều nhất là thực phẩm, điện tử, điện máy, mỹ phẩm, dịch vụ viễn thông, khuyến mãi, vận chuyển… Con số này quá thấp, cho thấy NTD còn e ngại, chưa có thói quen khiếu kiện khi bị xâm hại quyền lợi chứ không hề thiếu chuyện khiếu nại, kiện cáo.

Thông tin từ văn phòng phía Nam Vinastas, 5 tháng đầu năm 2012, số vụ nộp đơn khiếu nại giảm nhưng số cuộc gọi đến văn phòng nhờ tư vấn hoặc phản ánh về chất lượng hàng hóa dịch vụ lại tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2011, lên đến 602 vụ. Hầu hết ý kiến yêu cầu được tư vấn, hướng dẫn khi mua phải hàng hóa, dịch vụ không đạt chất lượng, bán hàng không đúng giá niêm yết, gian lận, quảng cáo sai sự thật… nhưng doanh nghiệp không giải quyết hoặc giải quyết chậm trễ.

Nhiều NTD nhẹ dạ, cả tin, không tìm hiểu kỹ thông tin về nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, không yêu cầu xuất hóa đơn nên khi mua nhầm hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng… rất khó khiếu nại. Ngoài ra, tâm lý sợ phiền hà, sợ mất thời gian, mù mờ về luật cộng với trình tự, thủ tục khiếu nại, khiếu kiện rắc rối nhưng chưa biết có đem lại kết quả hay không đã khiến nhiều NTD chọn thái độ im lặng.

Với hàng hóa giá trị thấp, NTD ngại khiếu nại vì sợ mất thời gian; với hàng hóa giá trị cao thì việc đòi quyền lợi thỏa đáng khó thành công (tại Vinastas phía Nam, số vụ khiếu nại không thành công tập trung ở các lĩnh vực nhà chung cư, đồ gỗ, xe máy, dịch vụ bưu chính viễn thông…). Nhiều trường hợp, các tổ chức bảo vệ NTD tiếp nhận khiếu nại, tổ chức hòa giải nhưng đơn vị bị khiếu nại vắng mặt hoặc cử người không có trách nhiệm, thẩm quyền đến… nên không hòa giải được hoặc hòa giải không thành, chỉ còn cách hướng dẫn NTD kiện ra tòa.

Và khi quyền bị hạn chế

Pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD đang từng bước được hoàn thiện nhưng chưa rõ ràng, người dân chưa được tuyên truyền phổ biến nên một số doanh nghiệp vẫn lợi dụng kẽ hở để xâm hại quyền lợi của họ.

Thực tế, hiện rất ít người đọc kỹ bản hợp đồng dịch vụ viễn thông trước khi đặt bút ký, bởi nếu có đọc thì cũng không thể chỉnh sửa được. Đó là bản hợp đồng mẫu, được nhà cung cấp soạn sẵn nên NTD không có sự lựa chọn nào khác. Trong 7 điều khoản có trong hợp đồng, không điều khoản nào nhắc đến yếu tố căn bản là chất lượng dịch vụ trong trường hợp chất lượng dịch vụ không như cam kết. NTD sẽ căn cứ vào đâu để đòi hỏi quyền lợi.

Trong hợp đồng mua bán ô tô của một hãng lớn, người mua cũng nắm đằng lưỡi khi bên bán quy định dù hợp đồng ký vào thời điểm nào thì họ vẫn có quyền tự thay đổi giá bán theo mức thuế hay tỷ giá đô la Mỹ tại thời điểm bàn giao ô tô. Còn trong điều khoản giải quyết tranh chấp trên hợp đồng của một ngân hàng lớn khác lại ghi: "Trong trường hợp có tranh chấp thì cách giải quyết theo ý chí của ngân hàng sẽ được ưu tiên áp dụng". Rõ ràng, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã có hiệu lực nhưng NTD vẫn chưa thực sự có được trọn quyền của mình.

Vẫn còn nhiều bất cập cho người tiêu dùng khi thực hiện quyền của mình

Bà Vũ Thanh Bình - Ngõ 167, Kim Mã, Hà Nội, cho rằng những điều khoản được ghi trong các bản hợp đồng thường rất dài và chữ thì nhỏ, trong khi lại có nhiều thuật ngữ không thể hiểu được nên NTD rất có thể bỏ qua. Với điều khoản được ghi trong hợp đồng của ngân hàng như trên, khi có tranh chấp, rõ ràng bất lợi cho NTD.

Điều 15, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD khẳng định, giải quyết tranh chấp phải giải quyết theo hướng có lợi cho NTD. Nhiều nội dung khác liên quan mật thiết đến quyền lợi NTD cũng được dư luận hết sức chú ý. Chẳng hạn: doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại do hàng hoá có khuyết tật của mình gây ra, NTD được khuyến khích quyền khiếu nại, khởi kiện để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và khi NTD khởi kiện sẽ không phải nộp tạm ứng án phí, lệ phí toà án... Với những nội dung như vậy, 51 Điều trong Luật Bảo vệ quyền lợi NTD được cho là sẽ tác động nhiều mặt tới vai trò của NTD Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, bên cạnh việc được trao quyền, NTD cũng có nghĩa vụ không được lạm dụng quyền của mình để làm ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của người khác.

Nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trước tình hình luật đã có hiệu lực nhưng việc thực thi vẫn chưa đồng bộ thì các doanh nghiệp cũng chưa cần phải lo lắng về nguy cơ lạm dụng quyền này; bởi thực tế có muốn, NTD vẫn chưa thực sự có toàn bộ quyền của mình, cho dù luật có hiệu lực từ tháng 7/2011.

Uyên Chi

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang