Người tiêu dùng đồng loạt lên tiếng cảnh báo sản phẩm khớp GENKI

author 08:59 19/06/2021

(VietQ.vn) - Sau loạt bài phản ánh về những góc khuất trong hoạt động kinh doanh của sản phẩm khớp GENKI do Công ty TNHH TOHANO Việt Nam (số 35, Lê Văn Lương, Hà Nội) phân phối, không ít người tiêu dùng đã đồng loạt lên tiếng khuyến cáo nên đưa sản phẩm này vào “danh sách hạn chế” để tránh “tiền mất tật mang”.

Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã có loạt bài viết phản ánh những dấu hiệu kinh doanh trái pháp luật, đạo đức sản phẩm khớp GENKI của Công ty TNHH TOHANO Việt Nam (Công ty TOHANO, địa chỉ số 35, đường Lê Văn Lương, Hà Nội) phân phối. Trong hành trình tìm hiểu bản chất mô hình kinh doanh online của Công ty TOHANO, PV đã chứng minh, khớp GENKI chỉ là thực phẩm chức năng, không có tác dụng điều trị với các loại bệnh xương, khớp như thoái hóa đốt sống cổ, cột sống, khớp gối… Tất cả những hình thức quảng cáo quá công dụng của khớp GENKI chỉ là lừa dối người tiêu dùng.

Người tiêu dùng đồng loạt lên tiếng cảnh báo với sản phẩm khớp GENKI 

 

 

 

 

 

Không chỉ vậy, tại địa điểm kinh doanh của Công ty TOHANO, PV còn nhận thấy rất nhiều màn kịch được nhân viên ở đây dàn dựng, lấy danh nghĩa như: lương y, thầy lang để tư vấn, bắt bệnh hay thậm chí nhận là nhân viên bưu điện gọi cho khách hàng nhận sản phẩm.

Thực chất, những nhân viên không có chuyên ngành y, dược, chỉ được đào tạo qua vài ngày ngắn ngủi và học thuộc một kịch bản soạn sẵn là có thể tư vấn, khám bệnh online cho bệnh nhân. Sở dĩ như vậy vì đơn vị kinh doanh chỉ đơn giản quan tâm đến lợi nhuận, không đặt sức khỏe cộng đồng làm mục tiêu, do đó, dưới áp lực này nhân viên thỏa sức tư vấn, bất chấp đạo đức nghề nghiệp nhằm chốt được doanh số.

Vì tin vào những quảng cáo có cánh của khớp GENKI mà nhiều khách hàng đã để lại thông tin

Sau khi bài viết của VietQ.vn đăng tải đã nhận được những phản hồi rất tích cực từ người tiêu dùng. Rất nhiều người đồng tình và cảm ơn những thông tin thiết thực mà VietQ đã đăng tải giúp họ có cái nhìn khách quan, sâu sắc hơn về bản chất của hoạt động kinh doanh sản phẩm khớp GENKI nói riêng và cả thị trường TPCN “bẩn” nói chung. Tuy nhiên, cũng không ít bạn đọc cảm thấy ngạc nhiên và bất ngờ về mô hình kinh doanh đầy tinh vi, bài bản như VietQ đã mô tả chi tiết qua những bài viết về hoạt động kinh doanh của Công ty TOHANO.

Chị Nguyễn Ánh Tuyết (33 tuổi, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) phản ánh tới VietQ.vn cho biết, chị có ý định mua một loại thuốc hỗ trợ bệnh đau khớp gối của bố, sau khi tìm hiểu trên mạng internet, vô tình thấy những dòng quảng cáo rất sinh động của khớp GENKI gắn với tên tuổi Bác sỹ Nguyễn Hồng Siêm nên đã để lại số điện thoại để được tư vấn. Tuy nhiên, gọi điện cho chị lại là một người phụ nữ, giới thiệu là trợ lý cho bác sỹ Siêm, lấy lý do bác sỹ này bận rộn nên giao việc chị tư vấn. Quá trình hai bên trao đổi, người phụ nữ kia chỉ dựa theo lời chị Tuyết để tư vấn và thể hiện không phải là người có kiến thức chuyên môn. Thấy lạ, chị Tuyết đã bắt bẻ thì đầu dây bên kia nhanh chóng dập máy.

Tuy nhiên, sự việc chưa dừng lại ở đó, sang ngày hôm sau lại có một số điện thoại khác, giọng nam đầu đây bên kia giới thiệu mình gọi đến từ “trung tâm khớp GENKI” của Bác sỹ Nguyễn Hồng Siêm. Lý do, người này gọi lại cho chị Tuyết là để củng cố thêm thông tin hồ sơ của chị và phương án điều trị bệnh xương khớp của bố chị bằng phương pháp dùng sản phẩm khớp GENKI. Nhưng sau khi trao đổi, chị Tuyết nhận thấy không tin cậy nên nhất quyết từ chối.

Nhiều trang website mọc lên như nấm, quảng cáo lừa người tiêu dùng 

Còn trường hợp của bà Nguyễn Thị Thủy (50 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội), trước những thông tin mà VietQ đăng tải, mô tả bản chất thực hoạt động kinh doanh sản phẩm khớp GENKI bà rất bức xúc. Bà Thủy cho rằng, bản thân những người mắc bệnh đã rất khổ tâm, thậm chí nhiều người còn khánh kiệt về kinh tế, chắt bóp được chút tiền nhưng nếu kinh doanh lừa dối người tiêu dùng như sản phẩm GENKI thì rất đáng lên án.

Tương tự, ông Lê Thành Đạt (45 tuổi, huyện Văn Giang, Hưng Yên) khẳng định, người tiêu dùng hiện nay nên cảnh giác với tất cả những sản phẩm TPCN nhưng quảng cáo dối trá, đội lốt “lương y”, “nhà tôi  ba đời”… tràn lan trên mạng internet. Đánh giá về sản phẩm khớp GENKI sau khi VietQ.vn đăng tải phản ánh, ông Đạt cho rằng, ông cũng từng là nạn nhân tương tự của những hình thức quảng cáo nêu trên, dẫn tới nghịch cảnh “tiền mất, tật vẫn mang”. Vì vậy, ông Đạt khuyên người tiêu dùng cần đưa sản phẩm khớp GENKI vào “danh sách hạn chế” càng sớm càng tốt, để tránh rơi vào trường hợp tương tự như ông và hàng nghìn người tiêu dùng khác. 

Đồng thời, ông Đạt khuyên nếu có bệnh người bệnh nên đến những địa chỉ phòng khám uy tín, có địa chỉ xác thực để kiểm tra và được sự chăm sóc sức khỏe tốt nhất, đặc biệt, khi sử dụng bất kỳ loại thuốc, kể cả thực phẩm chức năng nào cũng cần có sự tư vấn, chỉ dẫn của bác sỹ chuyên khoa.

“Màn kịch” tư vấn dối trá

Trong quá trình đào tạo, PV còn được những nhân viên ở đây gửi cho một đoạn ghi âm cuộc gọi của một “ông lang” (thực chất là nhân viên ở đây đóng giả để tư vấn cho khách hàng - PV) làm chuẩn học hỏi.

“Khớp chân tay của con cử động có kêu lạo xạo gì đấy không?”, “ông lang” hỏi.

“Đang bị hiện tượng khô khớp rồi đấy! Teo chân rồi à? Như thế là chèn ép dây thần kinh tọa rồi. Rất là nặng, không khắc phục sớm sẽ teo tứ chi, bắt buộc phải đi mổ. Bác nhắc để con lưu ý”. Một loạt những câu hỏi, rồi trả lời đối đáp giữa “ông lang” và người bệnh diễn ra như vậy. 

Tiếp đến “ông lang” khuyến cáo: “Bệnh con nặng nhé, may mà gặp bác sớm, không thì muộn nữa bác từ chối bác không giúp cho con được đâu. Nhắc con lưu ý, con còn trẻ bị nặng không ai giúp được đâu người chịu thiệt vẫn là con…”.

Sau tất cả những lời khám bệnh, dặn dò… rồi cuối cùng “ông lang” cũng quyết định chốt đơn 1 liệu trình 2 lọ thuốc, với giá 1,5 triệu đồng. 

Nhịp điệu đang xuôi xuôi thì bỗng dưng, trong cuộc ghi âm, giọng “ông lang” thay đổi sắc thái nhanh và mạnh: “Biết ngay mà vợ giật máy, anh có bao nhiêu tiền mà anh lấy, để gọi lại…”.

Tới đây, PV mới hiểu là bệnh nhân đang đến đoạn chốt mua thuốc thì bị vợ giật điện thoại mắng quở, do “đang hay thì bị đứt dây đàn” nên “ông lang” lộ chân tướng chỉ là một người thanh niên. Do không kìm chế được cảm xúc nên đã bộc lộ luôn trong cuộc gọi mà không hề để ý việc đang ghi âm lại.

 PVĐT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang