Người tiêu dùng "hững hờ" với xăng giảm giá

author 07:56 24/05/2012

Có lẽ quá quen với "chiêu" giảm nhỏ giọt của xăng, dầu..., nên hầu hết người tiêu dùng cảm thấy "bình thường" khi Bộ Tài chính thông báo giá xăng dầu trong nước bắt đầu giảm 300 - 600 / lít từ 15 giờ 30 ngày 23/5.

Ví von việc giảm giá xăng dầu nhỏ giọt cứ như trêu tức dân một cách khéo léo, Chị Xuân (ở đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội) ngao ngán nói: Mấy lần trước tăng một lúc 3.000 đồng, rồi lần này giảm thì chỉ từ 300-600 đồng/lít, nếu tính ra mà mỗi lần chỉ giảm vài trăm đồng/lít thì phải đến gần chục lần giảm may ra mới bằng mới bằng một hay hai lần tăng.

Giá xăng giảm tiếp lần hai chỉ trong chưa đầy một tháng, tuy nhiên anh Nguyễn Việt Bắc ( ở Mai Động, Hà Nội) chia sẻ: đọc mấy tin này giờ cũng thấy bình thường không có cảm giác vui, vì mức giảm cũng không có gì là nhiều. Theo như anh Bắc thì giảm một lần được vài trăm đồng một mà còn phải xem xét hàng bao nhiêu ngày, còn tăng thì vụt một phát lên mấy nghìn. Kiểu xăng dầu giảm nhỏ giọt cứ như để lấy đà tăng lên.

Giá xăng dầu mỗi lần tăng thì nhiều, còn giảm thì nhỏ giọt. Ảnh Tuổi trẻ
Giá xăng dầu mỗi lần tăng thì nhiều, còn giảm thì nhỏ giọt. Ảnh Tuổi trẻ

Giá xăng dầu mỗi lần tăng thì các dịch vụ, hàng hóa sẽ tăng theo. Tuy nhiên, mỗi lần giảm thì phải chờ khá lâu hàng hóa, dịch vụ mới giảm hay thậm chí không giảm. Ghi nhận tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội), theo một số tiểu thương kinh doanh mặt hàng thực phẩm cho biết, mỗi lần giá xăng dầu giảm ít thì giá hàng hóa sẽ khó giảm theo, nếu có giảm cũng phải chờ các nhà cung cấp, phân phối hàng điều chỉnh phí vận chuyển.

Tương tự, bác Nguyễn Mạnh Hùng lái xe ôm ở ngõ 112- Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: Thực tình mỗi lần giá xăng lên nhiều người lái xe ôm như chúng tôi cũng thấy khó lắm nhưng vẫn buộc phải tăng giá theo. Vì không tăng thì công chở không được bao nhiêu. Còn đối với khi giá giảm thì nó ít quá có vài trăm đồng chẳng lẽ giá xe ôm cũng giảm theo giá xăng!

Bên cạnh đó cũng có một bộ phận người tiêu dùng thông cảm với việc giá xăng dầu giảm ít. bạn Phạm Tuấn (sinh viên Đại học Điện lực, Hà Nội) cho rằng cứ giảm là tín hiệu tốt rồi, giảm được đến đâu hay đến đó.

Theo tính toán, đây là đợt giảm thứ 2 liên tiếp sau đợt giảm giá 500 đồng/lít đối với mặt hàng xăng và 300 đồng/lít đối với mặt hàng dầu diesel ngày 9/5 vừa qua. Nhưng tổng cộng, giá xăng đã giảm chỉ ở mức 1.100 đồng/lít vẫn chưa bằng một nửa của hai đợt tăng trước đó là 3.000 đồng. Liệu việc tăng giảm giá xăng dầu có đúng là lợi ích luôn dành cho doanh nghiệp, còn lợi ích người tiêu dùng luôn đứng sau.

Bộ trưởng Bộ Tài chính:

“Tính toán cặn kẽ từng đồng để giảm giá xăng”

Đúng vào thời điểm trên thị trường bắt đầu giảm giá xăng dầu, bên hành lang của kỳ họp Quốc hội chiều 23/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trao đổi về căn cứ cho quyết định ấy. Ông cho hay quyết định giảm giá xăng dầu đã được Bộ “tính toán chi li, cặn kẽ đến từng đồng”.

Trả lời câu hỏi, căn cứ giá xăng dầu thế giới ngày hôm nay, các doanh nghiệp kinh doanh đang lãi 1.700đ/lít, khác xa mức tính của Bộ, ông Huệ xác nhận “nói như vậy không sai” nếu tính giá trong 1 ngày. Tuy nhiên, chúng ta phải tính một cách tổng thể. Cách điều hành hiện nay buộc chúng ta phải tính theo giá cơ sở bình quân 30 ngày (chu kỳ dự trữ lưu thông xăng dầu bắt buộc là 30 ngày). Hơn nữa, giá bán từng ngày trên thị trường thế giới thông báo nhưng không có nghĩa các công ty kinh doanh xăng dầu của Việt Nam có nguồn xăng đó để bán ngay mà phải dự trữ, lưu thông trước đó rất lâu.

Đối với thắc mắc về việc giá xăng dầu luôn tăng nhiều, giảm nhỏ giọt, qua 2 lần tăng giá từ đầu năm nay (một lần tháng 3, một lần tháng 4) đã lên 3.000đ/lít trong khi tổng 2 đợt giảm vừa qua mới hạ được 1.100 đồng/lít, Bộ trưởng Huệ cũng khẳng định, hiện tượng này hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng chúng ta cần xem xét bản chất của nó là gì.

Khi giá xăng tăng, nếu điều chỉnh theo đúng tỷ lệ chênh lệch giữa giá bán và giá cơ sở, mức tăng thường rất lớn. Nhưng để đảm bảo bình ổn giá và hạn chế tác động tới sản xuất, tiêu dùng, thường thì Nhà nước phải hy sinh bằng cách giảm thuế và tăng giá ít hơn. Vậy nên cả thời gian dài vừa qua, thuế suất với xăng dầu đều bằng 0.

Cá nhân tôi cũng như lãnh đạo bộ rất chia sẻ với tình hình khó khăn hiện nay. Lạm phát từ đầu năm tới giờ khả quan, tháng này chắc chỉ khoảng 0,18% tức là cả 5 tháng chưa tăng đến 3%. Nhưng nếu so với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát hiện nay vẫn cao hơn 10%. Mặt khác, tuy lạm phát giảm, nhưng mặt bằng giá cả còn cao, ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống. "Vậy nên sắp tới, nếu có cơ hội tiếp tục giảm giá xăng dầu, chúng tôi sẽ giảm ngay để chia sẻ với sản xuất và tiêu dùng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay”- ông Huệ nhấn mạnh.

Dương Vũ Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang