Người tiêu dùng không hề đơn độc trong cuộc chiến chống hàng kém chất lượng

author 06:26 22/01/2016

(VietQ.vn) - Không ít người dân cùng có chung thắc mắc “Hội Bảo vệ người tiêu dùng rất xa xôi với người Việt” bởi vai trò quá mờ nhạt hay không ai để ý đến?

Tại buổi Giao lưu trực tuyến được tổ chức mới đây, độc giả đã đưa ra nhiều câu hỏi "hóc búa" với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) đã trả lời nhiều câu hỏi.

82% số vụ được giải quyết thành công

Thực phẩm không an toàn là đề tài được nói đến rất nhiều trong thời điểm cận Tết Nguyên đán 2016. Một bạn đọc tỏ ra băn khoăn cho rằng, người tiêu dùng luôn trong thế “thấp cổ bé họng” và Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng chưa phát huy hết vai trò của mình.

“Nghe Hội bảo vệ người tiêu dùng tôi cứ thấy xa xôi. Ở Việt Nam, Hội bảo vệ người dân cụ thể như thế nào”, bạn đọc thắc mắc.

Trả lời câu hỏi của bạn đọc này, ông Hùng cho biết, năm 2015, Hội đã giải quyết trên 2.200 khiếu nại của người tiêu dùng. Thủ tục, khiếu nại rất đơn giản: người tiêu dùng có thể vào trang web của Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng việt Nam (vinastas.org). Tại đây sẽ có mẫu đơn khiếu nại dành cho người tiêu dùng. Sau đó, chỉ cần điền thông tin theo mẫu và gửi qua mail hoặc đường bưu điện theo các địa chỉ có trên đơn. Hội sẽ nhanh chóng tiếp nhận và giải quyết.

“Chúng tôi không hề thu bất cứ một khoản tiền nào khi giải quyết khiếu nại. Hội hoàn toàn làm theo tinh thần tự nguyện”, Tổng thư ký VINASTAS cho biết.

Được biết, trong những vụ đã được Hội giải quyết trực tiếp, tỷ lệ thành công là 82%.

Xa xôi như Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùngTrà xanh C2 của công ty URC từng bị phản ánh có ruồi và bị thu hồi do không đủ tiêu chuẩn

Chia sẻ với người tiêu dùng về hiện tượng ngộ độc với thực phẩm được mua ở chợ, không có hóa đơn, ông Hùng trấn an: Hóa đơn chỉ là 1 trong những bằng chứng giao dịch mà phía người bán phải chủ động cung cấp cho người mua. Luật không quy định phải có hóa đơn mới là người tiêu dùng. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần chứng minh được mua hàng ở đâu, của ai và chứng minh nó không an toàn.

“Để chứng minh việc này tôi nghĩ có nhiều cách, ví dụ có người làm chứng, bạn mua vào thời điểm nào... Nếu làm kịp thời, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc, kiểm tra số hàng còn lại vẫn còn ở nơi bán hàng, để từ đó đưa ra kết luận”, ông Hùng mách.

Chỉ yếu khi đơn độc

Vụ Tân Hiệp Phát và chai nước ngọt có ruồi là một trong những vụ điển hình về an toàn thực phẩm trong năm nay. Điều đáng chú ý là qua vụ việc này, người tiêu dùng đã phải ngồi “nhà đá”. Bạn đọc Nguyễn Hoàng Linh cho rằng: “người tiêu dùng thấp cổ bé họng không thể địch lại được doanh nghiệp nhiều tiền” và dù người này đang rất mất niềm tin vào an toàn thực phẩm nhưng hầu như không có bằng chứng. Đến khi có bằng chứng vụ việc thì không biết báo cho ai để được giải quyết thỏa đáng?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý, người tiêu dùng chỉ ở thế yếu khi đơn độc, còn khi là một cộng đồng người tiêu dùng lại rất mạnh. Sức mạnh tập thể của người tiêu dùng có thể đặt một doanh nghiệp trước nguy cơ phá sản nếu đồng loạt tẩy chay và trên thực tế ở Việt Nam đã chứng minh điều đó.

Trong trường hợp cụ thể, để khiếu nại, vị này cho biết, Hội cũng chỉ là một kênh mà người tiêu dùng có thể "gõ cửa". Bảo vệ người tiêu dùng còn có các cơ quan chức năng của nhà nước. Ở Trung ương là Cục Quản lý cạnh tranh (tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng 1800 6838, miễn phí); ở các tỉnh, thành có các Sở Công Thương; ở cấp quận huyện cũng có bộ phận bảo vệ người tiêu dùng, thuộc phòng nào là tùy theo sự phân công mỗi địa phương.

Ngoài ra người tiêu dùng có thể trực tiếp liên hệ với nơi cung ứng hàng hóa để thương lượng, hoặc thông qua trọng tài Thương mại, hoặc Tòa án dân sự. 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang