Người tiêu dùng lạc vào 'mê cung' chất lượng sản phẩm điện máy

author 17:07 26/08/2014

(VietQ.vn) - Hàng loạt trường hợp người tiêu dùng (NTD) bị thiệt thòi khi mua phải những sản phẩm điện máy kém chất lượng và việc bảo vệ họ trong điều kiện vòng đời sản phẩm ngắn, thay đổi liên tục không phải là điều dễ dàng.

Siêu thị này từng bị khiếu nại vì bán hàng không có bảo hành sản phẩm. Ảnh minh họa

Siêu thị điện máy HC từng bị khiếu nại vì bán hàng không có bảo hành sản phẩm. Ảnh minh họa

Của đắt cũng là của ôi

Dân gian thường có câu, "của rẻ là của ôi" nhưng trong thực tế mua bán sản phẩm điện máy, chẳng hẳng "của rẻ" đã là "của ôi" mà chính "của" đắt tiền cũng nhiều khi vẫn ôi như thường.

Thị trường điện máy đang phát triển như vũ bão, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại điện máy mọc lên như nấm ở khắp nơi, các thế hệ máy móc điện máy ra đời nhanh chóng lỗi thời, sản phẩm có vòng đời rất ngắn, chất lượng dù được các nhà sản xuất, phân phối cam kết nhưng vẫn đang thách thức sự "thông minh" của NTD khi mua hàng.

Chia sẻ trước đông đảo NTD về những bất cập của việc mua bán sản phẩm điện máy thời gian qua, có nhiều khiếu nại, tố cáo và thắc mắc của người mua hàng về sản phẩm lỗi, hỏng, khiến khiếu nại, tố cáo giữa bên bán và bên mua kéo dài, ông Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng thư ký Hội Bảo vệ quyền lợi NTD Việt Nam cho rằng, một trong những lý do diễn ra các sự việc có tâm lý ham của rẻ của người tiêu dùng.

Theo ông Tuấn, ham rẻ, sẵn sàng bỏ tiền ra mua hàng mặc dù không biết rõ chất lượng của hàng hóa, không biết rõ các thông tin về doanh nghiệp cung cấp hàng, ham rẻ khi chấp nhận mua hàng không hóa đơn, chứng từ hợp lệ, lợi dụng quyền khiếu nại, yêu cầu, đòi hỏi quá đáng với doanh nghiệp... diễn ra với sản phẩm điện máy rất phức tạp. 

Trong 6 tháng đầu năm, các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong cả nước tiếp nhận 374 trường hợp khiếu nại. Trong đó có 276 trường hợp khiếu nại trực tiếp bằng văn bản, 98 trường hợp tư vấn qua điện thoại. Tỷ lệ giải quyết thành công đạt 76%.

"Lĩnh vực khiếu nại ngày càng đa dạng và phức tạp hơn. Lĩnh vực khiếu nại chiếm tỷ trọng lớn là chất lượng hàng hóa, an toàn thức phẩm và dịch vụ bảo hành. Trong 6 tháng qua, ghi nhận tại Văn phòng tư vấn khiếu nại tại Hà Nội tiếp nhận 29/78 trường hợp khiếu nại liên quan đến lĩnh vực điện máy, bao gồm khiếu nại liên quan đến điều hòa là 3 trường hợp, bếp điện 2 trường hợp, ti vi 6 trường hợp, điện thoại 8 trường hợp, tỷ lạnh 1 trường hợp, chổi đa năng 1 trường hợp, máy sản xuất 2 trường hợp, ô tô và xe máy 6 trường hợp", ông Tuấn cho biết.

Ông Tuấn kể, như trường hợp của ông Nguyễn Đức Long tại Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội gần đây, Văn phòng tư vấn khiếu nại có nhận được khiếu nại của ông này về mua ti vi Samsung. Vào ngày 18/9/2011 khách hàng này mua ti vi, ngày 12/8/2013 ti vi bị lỗi màn hình, công ty đã xác nhận và thay thế màn hình mới. Nhưng ngày 9/12/2013, màn hình ti vi lại tiếp tục lỗi, công ty xác nhận lỗi nhưng lại từ chối không đồng ý bảo hành vì cho rằng thời hạn bảo hành đã hết.

Hoặc như trường hợp của bà Nguyễn Thị Thu Lan ở Bạch Đằng, Hà Nội, khiếu nại khi mua điện thoại di động trả góp hiệu Oppo R827 tại cửa hàng trên phố Huế với giá 8,5 triệu đồng. Sản phẩm này mới dùng được 1 tháng đã bị lỗi. Trong vòng 2 tháng cài lại phần mềm 4 lần nhưng vẫn không thể khắp phục được lỗi.

Mới đây nhất, ông Ngô Nguyên Đồng ở Từ Liêm (Hà Nội) khiếu nại khi mua điều hòa Panasonic tại siêu thị HC Phạm Văn Đồng nhưng không có phiếu bảo hành của hãng. NTD đã liên hệ với siêu thị để phản ánh. Vào tháng 5/2014 khi sử dụng sản phẩm được ít hôm thì quạt dàn lạnh không hoạt động, NTD liên hệ với siêu thị ngày 23/5/2014 và tới tận ngày 7/6/2014 vẫn chưa được bảo hành. Sản phẩm của người tiêu dùng này được bảo hành ngày 16/6/2014, khi NTD đã làm đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng.

Xem kỹ sản phẩm, đọc hướng dẫn dùng và các giấy tờ liên quan đến sản phẩm là điều cần thiết để người tiêu dùng tránh rủi ro khi mua hàng

Xem kỹ sản phẩm, đọc hướng dẫn dùng và các giấy tờ liên quan đến sản phẩm là điều cần thiết để người tiêu dùng tránh rủi ro khi mua hàng. Ảnh minh họa

Cần chủ động bảo vệ người tiêu dùng 

Nhận định về thực tế chất lượng sản phẩm điện máy trên thị trường có nhiều vấn đề, ảnh hưởng đến quyền lợi NTD, ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công Thương cho rằng, NTD đang phải đối mặt với hàng loạt hành vi vi phạm quyền lợi như bán hàng hóa kém chất lượng với giá cao. Cung cấp thông tin sai lệch, gian dối, gây hiểu lầm về hàng hóa, dịch vụ. Khuyến mại không trung thực, không cung cấp hóa đơn, chứng từ hoặc từ chối bảo hành.

Theo ông Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng thư ký Hội Bảo vệ quyền lợi NTD Việt Nam cho rằng, thực tế cho thấy, việc bán hàng có tính chất lừa dối NTD. Cụ thể, người bán và nhà sản xuất cung cấp hàng hóa, dịch vụ không đúng như công bố, quảng cáo. Hàng hóa không có giấy tờ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Không có hóa đơn chứng từ hợp lệ, giá cao hơn so với thực tế.

"Dịch vụ sau bán hàng, bảo hành chất lượng hàng hóa không chuẩn mực. Từ chối, lảng tránh, không nhận lại hàng hóa khi người tiêu dùng khiếu nại, trả lại hàng hóa không có chất lượng, chất lượng không như công bố. Quá trình tiếp nhận, xem xét bảo hành phức tạp, kéo dài, không có sẵn các linh kiện thay thế cho khách hàng. Nêu lên các nguyên nhân gây hỏng hóc không phù hợp; đổ lỗi cho NTD. Không cung cấp giấy tờ, chứng từ trong quá trình xem xét, bảo hành. Ứng xử của nhân viên tiếp nhận khiếu nại và bảo hành không phù hợp", ông Tuấn nói thêm.

Theo nhận định của ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng - Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, tổng chi tiêu của Việt Nam về sản phẩm điện tử tiêu dùng đã tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước, lên gần 35 ngàn tỷ đồng, đây là mức cao nhất từ trước tới nay. Trong đó doanh số bán hàng điện thoại tăng gần 375 lên 13 ngàn tỷ đồng. Sản phẩm công nghệ thông tin tăng 43% và đạt 2,2 ngàn tỷ đồng...

"Thị trường chứng kiến sự bùng nổ của sản phẩm điện máy, công nghệ và nội dung số với các kênh bán hàng hiện đại. Số trung tâm điện máy, điện lạnh, cửa hàng điện máy gia tăng nhanh chóng về số lượng", ông An nói.

Theo ông An, hiện hệ thống Nguyễn Kim có 22 cơ sở, Pico có 6 cơ sở, Trần Anh có 11 cơ sở, Media mart có 11 cơ sở, HC có 11 cơ sở.

Trước sự phát triển mạnh mẽ về số lượng cửa hàng, trung tâm thương mại điện máy và số sản phẩm đa dạng, để bảo vệ NTD, hướng cạnh tranh lành mạnh, theo ông Nguyễn Phương Nam cần thiết phải thực thi hiệu quả Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, nhằm kịp thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ cũng như lợi ích chính đáng của doanh nghiệp chân chính.

Theo ông Lộc An, các chương trình khuyến mãi, liên kết giảm giá các sản phẩm phải là nhưng chương trình khuyến mãi thực chất, thực sự kích thích nhu cầu NTD. Cùng với sự tăng trưởng về quy mô vấn đề nguồn nhân lực hoạt động tại các cơ sở kinh doanh điện máy cần được đào tạo, bồi dưỡng bài bản, qua đó nâng cao trình độ của cán bộ quản lý, bồi dưỡng kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng, nâng cao tay nghề của đội ngũ kỹ thuật viên bảo hành...

Cong theo ông Vũ Minh Phú - Nguyên PGĐ Sở Thương mại Hà Nội, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, vai trò kiểm soát thị trường nội địa của các cơ quan chức năng như công an, quản lý thị trường, hải quan... cần được nâng lên một bước. Kiểm soát sao cho công bằng, minh bạch, không gây khó khăn cho quá trình kinh doanh của các siêu thị một cách bình thường. Kiểm soát vừa đảm bảo giữ nguyên kỷ cương pháp luật, biểu dương những đơn vị làm ăn tốt, đồng thời xử lý kịp thời các cá nhân và tổ chức kinh doanh vi phạm trên thị trường, tạo điều kiện cho làm ăn nghiêm túc, chân chính phát triển.

 

 

Nguyễn Nam 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang