Người tiêu dùng lạc vào 'mê hồn trận' sữa (Bài 2)

author 07:34 23/10/2012

(VietQ.vn) - Doanh nghiệp sữa quảng cáo một đằng, chất lượng sản phẩm một nẻo, giá cả của sản phẩm sữa quá cao so với thu nhập của người dân. Cạnh tranh không lành mạnh, người tiêu dùng (NTD) thiếu thông tin về sản phẩm… Đó là những “thiệt kép” mà NTD đang gánh chịu từ thị trường sữa trong nước.

Bài 2: Người tiêu dùng chịu thiệt trăm bề

Chỉ riêng phân khúc thị trường sữa công thức cho trẻ em từ 0-6 tháng tuổi đã có tới 28 công ty với 50 nhãn khác nhau. Sữa cho trẻ em 6-12 tháng tuổi có 27 công ty với 53 nhãn khác nhau. Thế nhưng không phải người tiêu dùng nào cũng biết, các sữa công thức đó như thế nào, doanh nghiệp nào đang sản xuất, phân phối.

"Mù mờ" về sản phẩm

Một mặt, doanh nghiệp “lên hình” rầm rầm nói rằng trong sữa có khoáng chất, vi chất làm phát triển, cho trẻ thể trạng thấp còi cải thiện chiều cao, giúp trẻ thông minh, cải thiện IQ, có những chất bổ “cực hiếm” như DHA, Omega… để tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. Thế nhưng cả người tiêu dùng và cơ quan quản lý lại không nắm được, kiểm soát được điều đó và gần như doanh nghiệp bảo sao thì “biết vậy”.

Đặc biệt, có nhiều sản phẩm sữa công thức, sữa đặc thù cho từng đối tượng sử dụng và cần có hướng dẫn, thậm chí là tư vấn của các bác sỹ chuyên khoa dinh dưỡng bởi nếu sử dụng “nhầm” có thể giá trị dinh dưỡng mang lại sẽ không có, thậm chí lại mắc một số những rối loạn sức khỏe nhưng không được thông tin đầy đủ tới NTD.

Thị trường sữa bột trong nước bị chi phối bởi nhiều sản phẩm nhập ngoại. Ảnh: Minh họa
Thị trường sữa bột trong nước bị chi phối bởi nhiều sản phẩm nhập ngoại. Ảnh: Minh họa

Điển hình như vụ Sữa Nestle Nan Ha công thức 1 đã bị NTD Australia “tố” làm rối loạn tiêu hóa, gây dị ứng cho trẻ nhỏ khi dùng loại sữa này. Theo giải thích của Nestle Việt Nam với Chất lượng Việt Nam, điều đó là do sữa đã thay đổi công thức và dù cơ quan chức năng Australia vào cuộc, kiểm tra và phản hồi sữa đảm bảo chất lượng dinh dưỡng nhưng cần phải có khuyến cáo rõ ràng về sản phẩm sữa này với NTD.

Theo một đại diện truyền thông của Nestle Việt Nam, sữa Nestle Nan Ha công thức 1 không được bày bán rộng dãi vì những “vấn đề” của nó mà thường bán ở gần khu bệnh viện, cửa hàng thuốc hoặc chỉ định của bác sỹ mới được dùng.

Từ sự việc nói trên cho thấy, nếu không có những “rắc rối” diễn ra, chắc chắn cơ quan chức năng không vào cuộc và NTD cũng không thể biết những loại sữa đặc thù, sữa công thức nên sử dụng khi nào và cần có tư vấn ra sao. Điều đó cũng cho thấy, doanh nghiệp sữa mải mê “kiếm tiền” của NTD hơn là có trách nhiệm với sản phẩm, hướng dẫn và khuyến cáo cho người sử dụng.

Nói như ông Nguyễn Đình Cung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), NTD hiện đang “mù thông tin”. Thiếu thông tin đầy đủ, hướng dẫn cho người tiêu dùng về giá cả, cách chọn lựa sữa.

“Cần thường xuyên tập hợp số lượng khiếu nại, nội dung khiếu nại của NTD về sữa bột trên thị trường, thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Việc làm này sẽ tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp kinh doanh sữa, tăng thêm tính cạnh tranh và cũng là tăng quyền lợi thiết thực cho NTD”, ông Cung nói.

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam kiến nghị phải có cơ chế đảm bảo các kênh thông tin về sản phẩm tới NTD một cách thuận tiện. Ngoài các thông tin chính thống về sữa được đăng ký với các cơ quan quản lý, tạo cơ chế và nguồn lực cho các tổ chức xã hội kiểm tra, giám định chất lượng sữa trên thị trường nhằm cung cấp các thông tin so sánh cập nhật cho NTD.

“Giá sữa” lên tùy hứng

Thời gian qua, các sản phẩm sữa trên thị trường Việt Nam đồng loạt tăng giá. 9 tháng đầu năm, giá sữa đã 4 lần tăng với mức tăng trung bình 5% - 18% nhưng chưa hề có đợt giảm giá nào. Trong khi đó, trên thị trường thế giới 9 tháng đầu năm 2012, giá sữa liên tục giảm. Riêng trong tháng 6 tiếp tục giảm khá nhiều so với tháng 5 do đang vào cuối mùa sản xuất sữa ở châu Úc. 

Lý giải cho việc tăng giá ồ ạt của các sản phẩm sữa, các doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân của việc tăng giá chủ yếu do giá của các loại nguyên vật liệu tăng từ 8 đến trên 20%, xăng, dầu tăng 36%, điện tăng 5%, trượt giá khiến lương trả cho cán bộ công nhân viên tăng 11%. Bên cạnh đó, là tỷ giá ngoại tệ đã tăng khoảng 13%, trong khi nguyên liệu chủ yếu vẫn nhập khẩu. Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh tăng tỷ giá VND/USD cũng tác động lớn đến giá thành sản phẩm, gây áp khó khăn cho doanh nghiệp.

Cục Quản lý giá cho biết, theo Nghị định 170 của Chính phủ về quản lý giá sữa thì việc tăng giá sữa sữa là quyết định của các doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng chỉ có quyền yêu cầu hạ giá sữa nếu giá tăng vượt quá 20%,. Vì thế, việc tăng giá của các doanh nghiệp trong thời gian qua là không vi phạm các quy định về giá và hoàn toàn  phù hợp với mức tăng giá của các nguyên vật liệu đầu vào.

Ông Phan Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ công nghiệp nhẹ Bộ Công Thương cho biết, việc tăng giá trong thời gian qua chỉ diễn ra ở phân khúc thị trường sữa bột nhưng các thông tin khiến mọi người đều lầm tưởng tất cả sản phẩm sữa đều tăng giá cao. Sở dĩ giá sữa luôn thất thường là do không có nguồn nguyên liệu ổn định chứ không phải các hãng sữa cấu kết để tăng giá.

Giá sữa tùy doanh nghiệp áp?
Giá sữa tùy doanh nghiệp áp?

Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương cho rằng, thị trường sữa bột ở Việt Nam hiện nay còn tồn tại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như có những tính năng sản phẩm chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm định, nhưng doanh nghiệp vẫn công bố liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng gây sự hiểu nhầm cho NTD.

Hay các doanh nghiệp còn lợi dụng phương tiện thông tin để nói xấu, hạ thấp uy tín của các doanh nghiệp đối thủ. Thậm chí còn có tình trạng, các doanh nghiệp mua những loại nguyên liệu giá rẻ trộn thêm với vài vi chất rồi đóng gói thật đẹp để bán, cũng gọi là sữa bột, dẫn đến tình trạng sữa bột thiếu đạm, không đủ các chất dinh dưỡng như công bố xảy ra thường xuyên. Việc xử lý chỉ là xử phạt vi phạm hành chính, không đủ sức răn đe để các doanh nghiệp làm ăn gian dối chùn tay.

Theo một báo cáo của Tổ chức Thống nhất, Tín thác và Bảo vệ NTD (CUTS) giá sữa của Việt Nam chỉ ở mức trung bình trong khu vực. Tuy nhiên, xét về mức thu nhập bình quân theo đầu người tính theo sức mua trung bình thì thu nhập của người Việt Nam đứng vào hàng thấp so với các nước trong khu vực. Do vậy, giá sữa tại Việt Nam không phải thấp, thậm chí còn cao hơn giá sữa tại một số nước có thu nhập bình quân đầu người tính theo sức mua cao hơn Việt Nam như Malaysia, Thái Lan và Philippines.

Cũng theo CUTS, yếu tố gây sức ép lên giá sữa nhập khẩu chính là thuế và chỉ số lạm phát. Các sản phẩm sữa công thức cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi được sản xuất trên nguồn nguyên liệu nhập khẩu hoặc là sản phẩm nguyên hộp. Với thuế suất thuế nhập khẩu 10%, một hộp sữa giá 10 USD nhập từ Úc khi tới tay người tiêu dùng Việt Nam có giá 12,1 USD. Trong khi cùng một hộp sữa đó đến tay người tiêu dùng Malaysia chỉ có giá 10 USD, tới Philippines có giá 11,984 USD, tới Thái Lan là 11,235 USD… do các nước này có thuế suất nhập khẩu từ 0%-7%. Bên cạnh đó, giá sữa tại Việt Nam còn bị ảnh hưởng bởi chính sách ngoại hối. Khi đồng nội tệ rớt giá, NTD sẽ có cảm giác các mặt hàng ngoại nhập ngày càng đắt đỏ. (Còn nữa)

Sữa ngoại hiện chiếm đến hơn 70% thị phần sữa bột Việt Nam, trong đó đứng đầu là Abbott, Dutch Lady (Freisland Campina), Dumex, Nestle…Trong đó, hãng sữa Abbott chiếm 32% thị phần sữa bột, Dutch Lady (16%), Dumex (8%), Nestle (4,2%). Thị trường sữa bột cho trẻ em Việt Nam đang được chia sẻ bởi các nhãn hiệu chính như Abbott (khoảng 23%), Vinamilk (khoảng 17%), Mead Johnson (khoảng 15%)…

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang