Người tiêu dùng lo lắng về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm của Miniso?

author 16:21 30/10/2018

(VietQ.vn) - Những năm gần đây, thị trường sản phẩm hàng hóa được giới thiệu là nhập ngoại,giá rẻ, mẫu mã đẹp đã thu hút người tiêu dùng, tuy nhiên điều này lại đang đưa người tiêu dùng vào một ma trận khó hiểu về nguồn gốc của các sản phẩm này.

Sự kiện: Thực phẩm bẩn kinh hoàng

Đường dây nóng của Chất lượng Việt Nam Online nhiều lần nhận phản ánh của người tiêu dùng đề nghị tìm hiểu giải đáp nhưng thông tin khó hiểu về nguồn gốc sản phẩm đang được lưu hành trên thị trường của thương hiệu có tên MINISO JAPAN .

Theo tìm hiểu được biết, các sản phẩm của thương hiệu MINISO JAPAN bày bán tại hệ thống cửa hàng Miniso hiện nay được nhập khẩu & phân phối chủ yếu do 2 công ty là Công ty cổ phần đầu tư Mini số Việt Nam và Công ty TNHH MTV Miniso Việt Nam. Hệ thống cửa hàng Miniso bày bán chủ yếu các sản phẩm được ghi sản xuất tại Trung Quốc. Tuy nhiên điều đáng nói là không hiểu lý do gì trên các sản phẩm lại có một khoảng chữ rất to nổi bật “MINISO JAPAN”? Đây cũng chính là câu hỏi mà người tiêu dùng gửi tới Chất lượng Việt Nam Online.

Chị Trịnh H. (Nam Từ Liêm, Hà Nội) người tiêu dùng có sử dụng sản phẩm của Miniso cho biết: “Mình thấy ghi ở trên sản phẩm là MINISO JAPAN nhưng bên cạnh có ghi là made in China, không biết sản phẩm này là của Trung Quốc hay là của Nhật Bản nên mình rất là lo. Không biết nguồn gốc như thế này có đảm bảo không?”

 Chị Trịnh Thị H. - Người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của MINISO. Ảnh: Minh Nghĩa

Một người tiêu dùng khác thường sử dụng nước ép trái cây Miniso cho hay khi xem trên sản phẩm không thấy thông tin nào về chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm nên thấy khá lo vì trước không để ý đến thông tin này.

Khi đi vào cụ thể các sản phẩm của thương hiệu này, như mỹ phẩm, nước ép trái cây, đồ gia dụng, thiết bị điện tử… thì theo quy định của Luật Chất lượng Sản phẩm, Hàng hóa tất cả các sản phẩm đều công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng trước khi bán ra thị trường. Ví dụ như nước ép trái cây thì doanh nghiệp phải công bố hợp quy theo quy định của Bộ Y Tế. Nên người tiêu dùng đã đặt ra thắc mắc không biết đã được công bố phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 6-2:2010/BYT về an toàn thực phẩm với đồ uống không cồn hay chưa?

 Chị Vũ Thị D. - người tiêu dùng sử dụng nước ép trái cây MINISO. Ảnh: Minh Nghĩa

Chị Vũ D. (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “không biết nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của sản phẩm như thế nào? Tôi mong muốn nhà cung cấp ghi rõ là nơi chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, để tôi yên tâm sử dụng.”

Những thắc mắc này của người tiêu dùng không phải là không có căn cứ bởi khi họ đặt lòng tin vào một sản phẩm, một thương hiệu và đã sử dụng thì cần phải nhận được sự minh bạch và rõ ràng từ đơn vị phân phối bán hàng và nhà sản xuất.

Điều 23. Công bố tiêu chuẩn áp dụng, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa:

  1. Người sản xuất, người nhập khẩu tự công bố các đặc tính cơ bản, thông tin cảnh báo, số hiệu tiêu chuẩn trên hàng hóa hoặc một trong các phương tiện sau đây:

a) Bao bì hàng hóa;

     b) Nhãn hàng hóa;

     c) Tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa.

  1. Nội dung của tiêu chuẩn công bố áp dụng không được trái với yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Điều 34. Điều kiện bảo đảm chất lượng hàng hóa nhập khẩu, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa:

  1. Hàng hóa nhập khẩu phải được công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định tại Điều 23 của Luật này và ghi nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
Hàng hóa nhập khẩu thuộc nhóm 2 phải được công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng liên quan đến quá trình sản xuất, sản phẩm cuối cùng bởi tổ chức chứng nhận được chỉ định hoặc được thừa nhận theo quy định tại Điều 26 của Luật này.

 

Theo điều 4. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN  quy định trong Quy chuẩn Quốc gia QCVN 6-2:2010/ BYT của Bộ Y tế

    1. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất các sản phẩm đồ uống không cồn phải công bố hợp quy phù hợp với các quy định kỹ thuật tại Quy chuẩn này, đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo phân cấp của Bộ Y tế và bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn theo đúng nội dung đã công bố.

    2. Tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đồ uống không cồn sau khi hoàn tất đăng ký bản công bố hợp quy và bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn, ghi nhãn phù hợp với các quy định của pháp luật.

Minh Nghĩa

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang