Người tiêu dùng mua sữa nội - ngoại cần vững tin

author 14:27 06/09/2013

Dù có thành phần chất dinh dưỡng tương đương nhau nhưng giá của một lon sữa nội chỉ bằng 50-70% giá một lon sữa nhập khẩu. Sự chênh lệch lớn này được lý giải rằng giá trị lon sữa nhập khẩu không chỉ nằm trong chất lượng mà còn được gia tăng vì hàng tỷ đồng chi phí cho quảng cáo và tiếp thị

Đây cũng là quy luật của thị trường kinh doanh, chỉ có điều, nếu tiềm lực tài chính có hạn thì người tiêu dùng không nên biến mình thành tín đồ của sữa ngoại và bị quay cuồng trong “cơn sốt” ấy mà hoa mắt không nhìn ra lối thoát.

 

Trên thị trường, giá sữa bột của các công ty do Việt Nam sản xuất chỉ bằng 50-70% giá một lon sữa nhập khẩu, điều này đã khiến cho dư luận đặt ra câu hỏi khoảng cách này có phải do sự khác biệt về chất lượng. Tuy nhiên, trên thực tế, sản phẩm sữa bột của các công ty trong nước cũng vẫn được xuất khẩu và tiêu thụ ở Mỹ, các nước châu Âu với số lượng ngày càng tăng, chứng tỏ vấn đề không nằm ở chất lượng. Vậy thì vì sao lại có sự chênh lệch lớn đến vậy?

 
Sự “lép vế” của sữa nội trên chính “sân nhà” có lẽ nằm ở việc nhà nước khống chế mức trần chi phí quảng cáo tiếp thị có 10%. Vì thế, các công ty sữa ngoại loay hoay với ngân sách dành cho mục đích quảng bá sản phẩm quá eo hẹp. Ai chẳng muốn sản phảm được nhiều người biết đến, mà muốn vậy thì phải biết cách quảng bá sâu rộng, đánh trực diện vào thị giác người tiêu dùng chứ còn chờ “hữu xạ tự nhiên hương” như thuở xưa chắc chỉ có nước “sập tiệm”. Vì thế, mặc dù không thua kém về chất lượng nhưng sữa nội vẫn không được biết đến nhiều, để rồi lặng lẽ xuất khẩu sản phẩm giá rẻ, điều đáng lẽ người tiêu dùng trong nước được hưởng thì vô hình trung chính họ lại từ chối vì không biết đến tên tuổi sữa nội mà sử dụng.
 
Trong khi đó, hình ảnh về sữa ngoại xuất hiện khắp mọi nơi mọi chốn, trên TV, trên báo in, trên các diễn đàn, các pano quảng cáo ngoài trời… Không những thế, sữa ngoại còn len lỏi vào cả bệnh viện, chi hoa hồng đậm cho nhân viên y tế tiếp thị đến các mẹ từ khi bé còn chưa uống được sữa ngoài, cho đến chi tiền tài trợ sơn phủ kín tường các trường mẫu giáo khiến người tiêu dùng chạy đâu cũng… không thoát. Chính độ “phủ sóng” rộng khắp và thường xuyên này đã khiến tổng chi phí cho quảng cáo của các hãng sữa ngoại cao đứng thứ 2 trong các sản phẩm chi nhiều tiền cho quảng cáo tiếp thị, chỉ đứng sau ngành hóa mỹ phẩm.
 
Theo ông Trần Hữu Đức - GĐ Quan hệ công chúng - Công ty Nutifood cho biết: “Chi phí cho truyền thông và quảng cáo của các hãng sữa nước ngoài rất lớn, các doanh nghiệp trong nước không thể bì kịp”. Còn bà Bùi Thị Hương - GĐ Đối ngoại Vinamilk cũng nhận định: “Có thể các hãng sữa ngoại đổ nhiều tiền vào tiếp thị, hoa hồng cho những người trực tiếp khuyến nghị dùng sữa… Nếu các công ty của Việt Nam cũng làm theo thì giá sữa chắc chắn sẽ không thể ở mức hợp lý như hiện nay”.
 
Với 40 năm kinh nghiệm làm kế toán kiểm toán, ông Mai Thanh Tòng, Phó Chủ tịch Hội Kế toán TP.HCM cho rằng khi nhà nước không kiểm soát được chi phí hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh sữa nhập khẩu thì gánh nặng này sẽ được đẩy sang vai người tiêu dùng.
 
Theo Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), giai đoạn 2007-2010, sữa có tới 16 lần tăng giá khiến mỗi năm trung bình sữa tăng giá hơn 5 lần. Tần suất tăng giá ngày càng dày đặc hơn khi chỉ trong quý 1 năm nay, sữa đã 3 lần tăng giá; tính đến hết 6 tháng đầu năm 2013 có hãng sữa đã tăng giá tới 5 lần, mỗi lần tăng từ 5-10%, thậm chí có loại tăng 13-15%.
 
Sở dĩ sữa ngoại “vênh váo” độc quyền tăng giá như vậy chính là bởi tâm lý không tin tưởng vào những sản phẩm của nội. Việc đánh đồng chung hàng nội kém chất lượng đã mang đến nhiều hệ lụy khôn lường cho những mặt hàng sản xuất trong nước mà sữa là một sản phẩm tiêu biểu. Rất may là trong vụ việc sữa nhiễm khuẩn vừa xảy ra tháng trước, một số người tiêu dùng đã như tỉnh “cơn mơ” để rồi quay về với cái “ao nhà”, dùng sản phẩm nội, dù trong lòng vẫn chưa thực sự tin tưởng tuyệt đối. Muốn lấy lại lòng tin của số đông, sữa nội vẫn cần thời gian để minh chứng cho chất lượng sản phẩm và giá cả hợp lý của mình. Nhưng với sự bó buộc, được tiếng là bảo vệ DN, của việc khống chế mức trần quảng cáo đã mang lại tác dụng ngược. Đây chính là vấn đề bức thiết khiến các DN thấy Luật Doanh nghiệp cần thay đổi, nếu được tháo gỡ cũng sẽ phần nào giúp đỡ các DN nội hồi sinh và lớn mạnh.
 
Nhưng để các nhà quản lý hiểu được rằng các quyết định của họ cũng góp phần giúp người Việt Nam được dùng hàng Việt Nam và hơn thế nữa, trẻ em Việt được dùng sữa nội với giá hợp lý, góp phần lấy lại bình ổn cho không chỉ thị trường sữa lại là một chặng đường dài, không phải ai cũng dám làm. Còn trong thời gian chờ đợi chính sách được thay đổi ở tầm vĩ mô, người tiêu dùng Việt cần sáng mắt và vững lòng trong việc quyết định nhu cầu mua sắm và sử dụng sữa. Bởi điều này không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của con cái họ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của chính họ, nhất là trong lúc kinh tế đang khó khăn.
 
Hà My -SM
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang