Giảm CPI: Người tiêu dùng "thông minh hơn" hay chẳng còn tiền?

author 08:40 27/03/2014

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, nhà hoạch định chính sách không nên “vẽ” toàn màu hồng khi chỉ số giá cả (CPI) của thàng 3 và cả quý I đầu năm 2014 thấp nhất tròng vòng chục năm trở lại đây

Mới đây, Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Ba giảm 0,44% so với tháng trước, tuy nhiên tăng 4,39% so với cùng kỳ năm 2013. Tính chung, CPI quý I năm nay tăng 4,83% so với cùng kỳ năm 2013.

CPI thấp là do điều hành tốt, người tiêu dùng thông minh hơn?

Nhận định về thị trường và giá cả quý 1-2014, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá Tổng cục Thống kê Nguyễn Đức Thắng cho biết, CPI quý 1 năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp trong 10 năm gần đây, bình quân mỗi tháng tăng 0,27%. Đây là tín hiệu lạc quan giúp CPI sẽ giữ được mức ổn định trong năm nay.

CPI đang ở mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây

Trước đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cũng đưa ra lập luận: "CPI thấp không phải do sức mua kém mà do sự điều hành chính sách tốt của Chính phủ và do cách chi tiêu của người dân tốt hơn. Không phải cứ thấp là thấy lo. CPI thấp, sẽ ổn định kinh tế vĩ mô...”.

Cùng chung quan điểm,  ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng CPI tăng thấp là do nguồn cung dồi dào, sự kiểm soát, điều phối tốt của Chính phủ và “một nguyên nhân quan trọng khác làm CPI tăng thấp là do nhu cầu tiêu dùng tăng không cao như năm trước, người dân chi tiêu ngày càng tính toán, tiết kiệm, hiệu quả và thông minh hơn” và “mức tăng thu nhập năm nay không cao như mọi năm nên người dân cân nhắc và tiết kiệm hơn”.

Tương tự, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá - Tổng cục Thống kê, đơn vị trực tiếp tính toán CPI, cho rằng, “lo ngại về sức cầu của nền kinh tế yếu là không có cơ sở” và CPI tăng thấp “có nguyên nhân quan trọng nhất là tâm lý của người tiêu dùng không còn sợ lạm phát, nên không mua hàng hóa dự trữ”.

Nhà quản lý đừng vẽ màu hồng

Ngược lại với quan điểm của các cơ quan quan lý, các chuyên gia kinh tế nhận định nguyên nhân quan trọng khiến CPI tăng thấp là sức cầu yếu.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích: Đừng nhìn con số CPI thấp mà vội mừng. Hãy nhìn từ phía đằng sau con số đó sẽ thấy, sức chịu đựng của DN trong nước vốn đã yếu nay còn yếu hơn khi sức mua trong dân đã cạn kiệt.

"Mới đây, tôi đã có những chuyến đi khảo sát, đánh giá ý kiến của DN mới thấy cảnh DN của chúng ta đang "chết như thế nào". Đặc biệt là DN tại TP.HCM, nơi mà những người chủ vốn được cho là bám sát lăn lộn với thị trường nhất cũng cho thấy họ bi quan không giám mở rộng sản xuất vì không tì được đầu ra...Đau lắm chứ.", nữ chuyên gia nói.

Mặc dù giá mặt hàng giảm song sức mua vẫn thấp

Bằng những lý luận từ thực tiễn, chuyên gia về giá Ngô Trí Long đã chứng minh phần đóng góp của điều hành chỉ đóng góp rất nhỏ trong câu chuyện CPI ở mức thấp.
Theo đó, có 3 nguyên nhân cơ bản khiến CPI thấp ở mức kỷ lục hiện nay: Trước hết là theo xu hướng chung của người tiêu dùng sau tết sẽ giảm, tuy nhiên mức giảm lại sâu hơn so với cùng kỳ các năm trước.

Thứ hai, mặt hàng lương thực, thực phẩm (chiếm gần 40% trong rổ hàng hóa) lại giảm nhiều nhất nên đã kéo cả mặt bằng chung giảm cùng.

Thứ ba, đây cũng là nguyên nhân chính, tổng cầu giảm cả về đầu tư lẫn tiêu dùng. " DN gặp khó trong sản xuất kinh doanh. Mặc dù Ngân hàng nhà nước đã tung chính sách hạ lãi suất song DN vẫn không mặn mà vay vốn vì đầu ra không có. Dù DN đã tung mọi chiêu khuyến mãi nhưng vẫn không đẩy được đầu ra nhích lên", ông Ngô Trí Long nói.

Theo ông Long, nhìn vào số thống kê có thể thấy hầu hết các mặt hàng trên thị trường đều giảm song không phải do đầu vào, giá thành sản xuất giảm. "Giá thành không giảm, năng suất lao động không tăng, không những thế còn phát sinh lãng phí, tham nhũng thì đầu vào của DN không tăng mới là lạ. Có thể khẳng định, thực tế nguồn cung của chúng ta không thiếu, vậy nên giá giảm chắc chắn do cầu", vị chuyên gia phân tích.

“ Phía cơ quan quản lý nhà nước cụ thể là tổng cục thống kê đang nhìn CPI bằng con mắt màu hồng, với lý do điều hành giá tốt, người tiêu dùng Việt Nam đã tiêu dùng thông minh hợp lý hơn….Tuy nhiên,  với một nước đang phát triển, nếu cứ để CPI thấp diễn biến liên tục, đầu ra nhỏ giọt, sức cầu yếu sẽ khiến kinh tế suy thoái rồi đi tới khủng hoảng . Đó là bài học nhỡn tiền!”, ông Long nói.

Theo các chuyên gia kinh tế, mức cảnh báo về CPI đang ở mức cao. Nhà chính sách, quản lý điều hành cần phải nhìn đúng bản chất sự việc, đừng chủ quan vẽ ra những “bánh vẽ” lớn khiến nền kinh tế đi chệch hướng, càng gây khó khăn thách thức trong thời gian tới.

 

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang