Người Việt chế tạo hộp đen

author 13:32 02/12/2012

Lâu nay ở thị trường Việt Nam, nhắc đến hộp đen dùng giám sát hành trình cho các phương tiện giao thông, người ta thường nghĩ đến các sản phẩm với thương hiệu nước ngoài. Giờ đây, đã có những chiếc hộp đen chất lượng cao với công nghệ hoàn toàn Việt Nam.

Tên chính xác của những chiếc hộp đen đó là “Thiết bị giám sát hành trình X100” được thiết kế bởi những chuyên viên trẻ của ICDREC - Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch - thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM. Đơn vị sản xuất là Công ty cổ phần Công nghệ định vị Saigon Track. Sản phẩm là thành quả kết tinh từ nền tảng vi mạch Việt và công nghệ Việt, đáp ứng tiêu chí chất lượng, dịch vụ và giá cả cạnh tranh tại thị trường Việt Nam.

Hộp đen nội hóa

Giản dị, khép kín, ít nói và có chút rụt rè, Phạm Xuân Diệu (sinh năm 1985) và Phạm Minh Dương (sinh năm 1983) - “nhạc trưởng” của nhóm chế tạo hộp đen tại ICDREC - bộc lộ đúng “chất” của dân làm nghiên cứu kỹ thuật. Câu chuyện với hai chàng trai chỉ thật sự sôi nổi khi nhắc đến hộp đen. Dương hào hứng: “Khoảng năm 2009 tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng hộp đen để giám sát hành trình ôtô, xe tải bắt đầu tăng lên. Ngoài những hộp đen nhập ngoại, trong nước cũng có nhiều công ty rao thông tin có thể sản xuất hộp đen nhưng thật ra nhập hàng Trung Quốc đem về bán. Vậy là lãnh đạo ICDREC và các thầy “bật đèn xanh” cho chúng tôi nghiên cứu, làm thử”.

Xuân Diệu (trái) và Minh Dương nghiên cứu mô hình hộp đen tại ICDREC - Ảnh: Gia Tiến
Xuân Diệu (trái) và Minh Dương nghiên cứu mô hình hộp đen tại ICDREC. Ảnh: Gia Tiến

Thời gian này Bộ Giao thông vận tải chưa công bố quy chuẩn, tính năng cụ thể của hộp đen nên quá trình nghiên cứu cũng gặp nhiều lúng túng. Sau nhiều lần làm đi thử lại, nhóm của Dương, Diệu dần hoàn thiện chiếc hộp đen với rất nhiều tính năng.

Hiện chiếc hộp đen hoàn chỉnh được sản xuất đại trà và chào bán trên thị trường đã có 17 tính năng theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Giao thông vận tải. Không dừng lại ở đó, tùy theo yêu cầu của khách hàng, nhóm nghiên cứu còn tạo thêm các tính năng cho hộp đen như: hỗ trợ camera để chụp ảnh khi có sự kiện, hỗ trợ màn hình LCD để hiển thị thông tin điều xe từ tổng đài taxi, bộ cảm biến nhiệt độ dùng cho các xe chuyên dụng...

Xuân Diệu tự hào: “Đợt hàng đầu tiên công ty đã cho ra đời và phân phối khoảng 1.000 hộp đen. Chúng tôi tự tin là sản phẩm của mình rẻ hơn tất cả các sản phẩm cùng loại đang có mặt trên thị trường trong nước”. Dương, Diệu tiết lộ đang tiếp tục nghiên cứu để chế tạo hộp đen dành cho xe máy.

Độ tuổi trung bình của các kỹ sư đang làm việc tại ICDREC là 26. Độ tuổi của trưởng nhóm nghiên cứu cũng chỉ trên dưới 30. “Với tuổi đời còn rất trẻ như vậy, đây là một lực lượng hết sức sung sức, tiềm năng nghiên cứu và cống hiến còn nhiều. Hiện công việc ở trung tâm hầu như do các bạn đảm nhiệm, gánh vác hoàn toàn. Các thầy chỉ đóng vai trò tư vấn, hướng dẫn và giải đáp những thắc mắc cho các bạn khi gặp vấn đề khó khăn”, Ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc ICDREC, cho biết.  

Ở ICDREC, ngoài nhóm làm hộp đen, nhóm bạn trẻ chế tạo con chip vi mạch cũng làm được nhiều “chuyện lớn”. Hầu Nguyên Thanh Hoàng, sinh năm 1980, trưởng nhóm chế tạo chip, vẫn không quên thời khắc mà trung tâm chế tạo được con chip SG8VI đầu tiên: “Thiết kế cả năm trời, cuối cùng tụi mình cũng làm xong bản thiết kế con chip hoàn toàn Việt Nam và gửi bản thiết kế sang chế tạo tại Đài Loan. Ngày đem con chip về chạy thử, buổi sáng chip không chạy, từ thầy tới trò ai cũng thất vọng não nề. Sau khi xem lại thiết kế, cuối cùng phát hiện được lỗi sai. Đến tối chip hoạt động. Cả trung tâm kéo nhau đi ăn mừng”.

Từ thành công bước đầu, trung tâm bắt tay thiết kế thành công con chip 32 bit. Đây là sự kiện đánh dấu một bước tiến mới trong công nghệ vi mạch Việt Nam.

Không có sức trẻ không làm nổi

“Mơ ước của chúng tôi là phải dần giành lại thị trường trong nước với những sản phẩm công nghệ mà chúng ta làm được”, Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng phòng thị trường và đầu tư ICDREC, bày tỏ. Chuyện về Hiếu cũng có thể được xem là một chuyện lạ ở trung tâm này. Học xong cấp III, Hiếu sang Đức học đại học ngành vi mạch điện tử. Sau đó, Hiếu lại sang Anh học tiếp thạc sĩ chuyên ngành toán tài chính.

Cái say mê của dân làm kỹ thuật, cộng với đầu óc thực tế của một người từng học về tài chính khiến Hiếu có khát vọng đưa những sản phẩm công nghệ ứng dụng vào đời sống. Học xong, vừa trở về VN, đọc được thông tin về ICDREC, Hiếu tự tìm đến trung tâm xin được làm việc với mức lương thấp hơn nhiều so với mức đãi ngộ mà Hiếu có thể có được với bằng cấp của mình nếu làm việc cho các công ty nước ngoài.

Công việc hàng ngày của Hiếu là tự mày mò, tìm hiểu thông tin rồi chủ động liên hệ với những công ty, đơn vị để tìm đến chào hàng, tìm đầu ra cho các sản phẩm công nghệ mà đồng nghiệp của mình chế tạo được.

“Trong quá trình đi thực tế, tôi thấy nhiều thứ người Việt mình hoàn toàn có thể làm được nhưng lại đang bỏ trống sân chơi cho các nhà cung cấp nước ngoài. Chẳng hạn như máy giám sát hành trình dành cho các đơn vị giao nhận, chuyển phát hàng hóa, hệ thống tính tiền tự động tại các siêu thị...”, Hiếu nhận xét.

Ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc ICDREC, cười chia sẻ: “Công ty cổ phần Công nghệ định vị Saigon Track ra đời được xem là một mô hình rất mới: là sự kết hợp giữa một trường đại học và một tổng công ty (ở đây là Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn). ICDREC không có tiền, chỉ hùn vốn bằng công nghệ. Thủ tục thành lập công ty mất gần 18 tháng. Đi tới đâu người ta cũng thắc mắc tại sao lại có chuyện hùn hạp kỳ lạ như vậy. Trung tâm nghiên cứu khoa học sao không lo nghiên cứu mà lo chi chuyện hùn hạp làm ăn. Phải nói thời gian đó, nếu không phải các bạn trẻ kiên trì theo đuổi thì những người già như chúng tôi không khéo cũng bỏ cuộc. Có những chuyện không có sức trẻ không làm nổi”.

Theo Tuoitre.vn

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang