Người Việt chỉ xếp hàng khi bị bắt buộc?

author 17:39 15/02/2016

Việt Nam là một thành viên trong cộng đồng Đông Nam Á, nhưng hình như vẫn có những cách ứng xử “kỳ quặc” trong mắt bạn bè.

Một hình ảnh đẹp: hàng trăm người đã kiên nhẫn xếp hàng để xin chữ đầu năm tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) sáng mùng 4 Tết Bính Thân

Để nhận diện rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã tiến hành cuộc khảo sát với 200 bạn trẻ (từ 15-30 tuổi) là học sinh THPT, sinh viên, công nhân và giới nhân viên văn phòng ở TP.HCM để tìm hiểu xem họ đánh giá thế nào về những ứng xử nơi công cộng và ý thức xếp hàng của người Việt, để từ đó chúng ta có những điều chỉnh sao cho các ứng xử sẽ ngày càng văn minh hơn trong thời kỳ hội nhập sâu rộng của đất nước.

3 lối ứng xử không đẹp

Khi được hỏi về các ứng xử thường thấy của người Việt tại những nơi công cộng, các bạn trẻ trong mẫu khảo sát (200 người) đã nêu lên ba lối ứng xử không đẹp thường có nhất của người Việt nơi công cộng, đó là “xả rác bừa bãi” (79%), “nói chuyện ồn ào” (74%) và “chen lấn xô đẩy” (70,5%).

Vứt rác bừa bãi nơi công cộng quả thật là một thói quen đã có từ lâu của người Việt, thói quen này có thể là kết quả từ quan niệm không gian công cộng là chung, không phải là không gian của riêng mình nên cần gì phải giữ cho sạch sẽ.

Biểu hiện rõ nhất là người Việt hay có thói quen quét nhà và đẩy rác ra đường, đường đầy rác, đường dơ bẩn cũng được, miễn sao nhà của mình, sân của mình sạch là được. Từ thói quen tưởng là nhỏ đó dần dần hình thành nên tâm thức không xem trọng việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng là một điều có thể hiểu được.

Nói chuyện ồn ào cũng là một nét rất dễ thấy nơi người Việt, từ những buổi nhậu người ta tranh nhau hô “dzô dzô” cho to hơn bàn khác, đến việc các hành khách nước ngoài khó chịu vì người Việt nói chuyện ồn ào trên máy bay...

Có lẽ đây là một lối ứng xử nhằm thu hút sự chú ý của người khác đối với mình, bởi khi không thể gây được chú ý bằng những thứ cao cấp hơn thì người ta sẽ gây chú ý bằng tiếng ồn, để người khác biết là mình hay, mình sang trọng.

Kết quả khảo sát ý kiến 200 người Việt về việc thực hiện xếp hàng nơi công cộng - Đồ họa

Không xếp hàng vì ngại chờ lâu

Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 27% số người được hỏi cho rằng việc xếp hàng của người Việt đã thành thói quen, trong khi có đến 65,5% cho rằng người Việt chỉ xếp hàng khi bị bắt buộc, tức là chỉ xếp hàng ở những nơi có quy định phải xếp hàng.

Như vậy chúng ta thấy có chưa đến 1/3 số người được hỏi cho biết việc xếp hàng đã trở thành thói quen. Điều này là dễ hiểu vì để trở thành một thói quen cần một thời gian dài và nên bắt đầu bằng những quy định mang tính pháp quy buộc người ta phải biết xếp hàng.

Chẳng hạn như tại Philippines có ban hành quy định yêu cầu mọi người phải xếp hàng lên xe và không được chen lấn.

Mặt khác, tất cả các nơi từ cơ quan công quyền, trường học, bệnh viện... phải thực hiện nguyên tắc “đến trước được phục vụ trước” vì đây là một nguyên tắc được ngầm hiểu ở tất cả các nước văn minh.

Nước ta thì không hiếm trường hợp mọi người đang chờ đến lượt nhưng người đến sau lại được phục vụ trước do có quen biết hay do có quyền lực hay có nhiều tiền, và điều này làm cho việc xếp hàng dần trở nên vô nghĩa trong mắt mọi người.

Nhưng vì sao người Việt ít có thói quen xếp hàng? Kết quả khảo sát cho thấy đa số những người được hỏi cho rằng người Việt ít chịu xếp hàng là vì phải “chờ đợi lâu” (62%), đứng ở vị trí thứ hai là vì “người Việt chưa có thói quen xếp hàng” (55%) và thứ ba là vì “thấy ai cũng không xếp hàng” (46,5%).

Chờ đợi lâu khiến người ta ít chịu xếp hàng vì nghĩ rằng chen lấn sẽ được giải quyết nhanh hơn.

Đây là một lối ứng xử theo kiểu “nhất thời” vì việc chen lấn khiến người ta phải trả giá nhiều hơn, bởi vì người ta thường cảm thấy căng thẳng về tâm lý khi bị chen lấn và đôi lúc chen lấn còn gây tác dụng là khiến tiêu hao nhiều năng lượng hơn.

Những người chen lấn thì lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng, nôn nóng trong khi những người xếp hàng thì trông thoải mái hơn nhiều.

Ứng xử tốt nơi công cộng, biết xếp hàng theo nguyên tắc người đến trước được phục vụ trước là những điều cần có trong một xã hội văn minh.

Ứng xử đẹp nơi công cộng còn là một đòi hỏi bức thiết hơn khi chúng ta đang hằng ngày tiếp xúc với nhiều công dân đến từ các quốc gia khác nhau.

Đừng để họ nghĩ rằng chúng ta thuộc về “thế giới thứ ba” trong ứng xử, bởi điều đó sẽ làm giảm sút rất nhiều giá trị thương hiệu quốc gia - vốn là thứ rất quan trọng trong thời đại mà cả thế giới được kết nối thông tin như một ngôi làng toàn cầu.

Khó tránh khỏi xô đẩy ở hội Gióng

Đã có những phản ảnh về lễ hội Gióng (đền Sóc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) diễn ra vào mùng 6 tháng giêng năm nay (13-2), tuy không còn tình trạng vác gậy đánh nhau như năm trước nhưng vẫn xảy ra tình trạng xô đẩy, tranh giành lộc.

Ông Đoàn Văn Sinh, trưởng Phòng văn hóa huyện Sóc Sơn, giải thích: “Tục tranh lộc ở hội Gióng là một nghi lễ được trao truyền từ nhiều đời nay. Năm nay, nhân dân làm đúng theo nghi lễ và phong tục trước đây của lễ hội. Còn việc có sự xô đẩy nhau để giành lấy lộc thì khó tránh khỏi. Năm nay, chúng tôi thực hiện đúng kế hoạch đề ra và thực hiện đúng phong tục nên không còn tình trạng mang gậy gộc vào trong lễ hội cũng như không có những hình ảnh không đẹp (vác gậy đánh nhau - PV) như năm ngoái”.

Giải thích về hiện tượng xô đẩy cướp lộc ở hội Gióng, ông Sinh cho biết đó là người dân và du khách chạy theo và muốn giành được lộc vì tâm lý ai đi lễ hội cũng mong muốn giành được một phần lộc cho mình.

Ông Tô Văn Động, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội, cũng khẳng định so với năm trước, tình hình tại hội Gióng năm nay có chuyển biến tích cực. Tuy ranh giới giữa cướp lộc và xô đẩy nhau còn chưa rõ nét, nhưng không còn tình trạng đánh nhau như năm ngoái.

Hiện tượng xô nhau để cướp lộc cũng vừa phải. Theo đánh giá chung, bước đầu như vậy là có tiến bộ, kiểm soát được tình hình.

Theo Tuổi trẻ


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang