Người Việt có tay nghề giỏi sao năng suất lao động thấp

author 09:45 15/10/2014

(VietQ.vn) - Việt Nam đạt giải cao ở kỳ thi Tay nghề ASEAN nhưng lại có năng suất lao động thấp. Vì sao?

“Cuộc thi Tay nghề ASEAN 2014 vừa được tổ chức tại Hà Nội, đoàn Việt Nam giải Nhất với 15 HCV, tiếp theo là Malaysia với 9 HCV, Indonesia 8 HCV, Singapore với 4 HCV, Thái Lan 3 HCV. Đây là lần thứ 3 đoàn Việt Nam giải Nhất toàn đoàn vào các năm 2004, 2006, 2014”, đại biểu quôc hội Nguyễn Thanh Hải lấy ví dụ.

Vị Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng, công tác đào tạo nghề và nguồn nhân lực của Việt Nam rất tiềm năng và hoàn toàn có thể so sánh với các nước trong khu vực. 

Nâng cao tay nghề lao động ASEAN
Nâng cao tay nghề lao động ASEAN. Ảnh minh họa

“Mặc dù luôn vượt trên các nước Malaysia, Singapore, Thái Lan trong các cuộc thi tay nghề trong khu vực, nhưng năng suất lao động của người Việt Nam kém người Singapore 15 lần, kém người Malaysia 5 lần, và bằng 2/5 năng suất lao động của người Thái Lan”, bà Hải nêu ra nghịch lý.

Như vậy, năng suất, chất lượng lao động của người Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân do mục tiêu giáo dục nghề nghiệp hiện nay đặt ra còn chưa phù hợp, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, cơ cấu ngành nghề lao động còn chưa hợp lý.

Vị đại biểu Quốc hội của tỉnh Hòa Bình cho rằng tăng năng suất lao động trong các hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ là vô cùng quan trọng với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sự phát triển của xã hội. 

Bà Hải nhấn mạnh: “Tăng năng suất lao động không chỉ là kỳ vọng của tôi mà là kỳ vọng của tất cả các đại biểu Quốc hội trong lần sửa luật lần này”. 

Vì vậy, vị nữ đại biểu này cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc đưa vào mục tiêu tăng năng suất lao động trong luật.

Ngoài ra, bà Hải cũng dành nhiều thời gian để góp ý về chính sách nhà nước phát triển giáo dục nghề nghiệp. Dự thảo luật cũng đề cập đến chính sách miễn giảm học phí, nội dung học tập phong phú, đa dạng… Tuy nhiên, những chính sách này chưa đủ mạnh để khuyến khích việc học nghề.

Vị Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị bổ sung chính sách đối với người học sau khi tốt nghiệp các trường nghề. Đó là chính sách tạo việc làm, tuyển dụng vào các cơ quan doanh nghiệp nhà nước.

Hiện nay có thực trạng một số vị trí ở cơ quan doanh nghiệp nhà nước chỉ cần trình độ trung cấp nhưng vẫn ưu tiên tuyển dụng bằng cấp cao hơn như cao đẳng, đại học, cao học.

“Tôi đã đi khảo sát ở một trường trung học cơ sở tại một huyện miền núi. Tổng thu chi một năm của trường đó cũng chỉ khoảng 500 triệu đồng. Như vậy, chỉ cần trình độ trung cấp kế toán là có thể đảm nhận việc hoạch toán thu chi. Nhưng khi nhà trường cần tuyển dụng vị trí này thì có hàng chục đơn xin việc của các cử nhân kế toán”, bà Hải lấy ví dụ.

Như vậy, cơ hội cho những người tốt nghiệp trung cấp bị khép lại. Việc tuyển dụng như thế gây lãng phí lớn cho ngân sách, lãng phí kinh phí đào tạo.
Phạm Thịnh
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang