Người Việt được đề cử làm tỉnh phó ở Campuchia

author 07:29 31/01/2014

Tố chất thông minh, lại từng học tiếng Anh, tiếng Pháp vững vàng thời chế độ ngụy, chỉ chừng 3 tháng anh đã nói được tiếng Khơ-me. Thêm vài tháng nữa thì đã rành rõi, đến mức dân nước bạn cứ tưởng anh là người bản xứ.

Cựu chiến binh Đinh Đoàn ở thôn 6, xã Quê Thuận (Quế Sơn, Quảng Nam) dáng gầy ốm, đen, không có vẻ gì điển trai vậy mà anh có sức thu hút lạ với người dân nước bạn Cam-pu-chia. Thú vị nhất là Tỉnh trưởng Stung Treng (Cam-pu-chia) đã nghề nghị anh ở lại làm Tỉnh phó trong thời gian anh làm lính tình nguyện.

Cảm hóa đại đội trưởng của Pôn-pốt

Đi bộ đội từ năm 1975, rồi qua nước bạn làm nhiệm vụ quốc tế, trong đội hình Đoàn 2 (Cục Chính trị Quân khu 5), Đinh Đoàn bắt đầu làm nghề quản giáo trại tù binh ở Strung Treng. Với suy nghĩ, phải học tiếng thì mới khai thác tốt tù binh và thuận lợi trong việc giao dịch mua sắm hàng hóa cho các bếp ăn, anh đặt cho mình quyết tâm học mọi lúc, mọi nơi với mọi đối tượng.

CCB Đinh Đoàn (ngoài cùng bên trái) và các đồng đội.

CCB Đinh Đoàn (ngoài cùng bên trái) và các đồng đội.

Tố chất thông minh, lại từng học tiếng Anh, tiếng Pháp vững vàng thời chế độ ngụy, chỉ chừng 3 tháng anh đã nói được tiếng Khơ-me. Thêm vài tháng nữa thì đã rành rõi, đến mức dân nước bạn cứ tưởng anh là người bản xứ.

Tù binh Pôn-pốt thời ấy đông lắm, có lúc lên đến 5000 người. Việc phân loại để quản lý chúng không hề đơn giản. Anh dịch tài liệu cho tù binh học tập lồng ghép cách vận động uyển chuyển, thuyết phục. Bằng giác quan, nghiệp vụ khéo léo và sự  kiên trì, anh đã cảm hóa một đại trưởng chế độ Pôn-pốt tên là Phol. Khi giao Phol đi đánh cá trên sông Mê-kông để có dịp rỉ rả tâm sự, khi bày chiêu “thả hổ về rừng” để mật gián, anh biến Phol từ chỗ lầm lì, ngoan cố đã thành cộng sự đắc lực của ta. Thành công lớn nhất là Phol đã trở về Phnôm-pênh và báo cho bộ đội nhiều thông tin giá trị, kịp thời phá âm mưu nổi loạn của tàn dư Pôn-pốt ở thủ đô.

Duyên nợ với xứ sở Chùa Tháp

Ở xã Đoàn Kết, huyện Stung Treng, tỉnh Strung Treng, Đinh Đoàn có người má nuôi tên Bay. Có lần anh ốm nặng, má thức bên anh suốt đêm, nấu cháo, đắp lá, chăm sóc chu đáo như con. Chính quyền xã ngày đó còn có người hai mặt. Không hiếm lần các anh suýt bị lọt vào tầm ngắm của bọn lính Pôn-pốt, nhưng nhờ có má Bay và dân làng ở đây, anh đều thoát nạn. Khi anh về nước, bà còn viết thư thăm hỏi và muốn anh có dịp qua thăm.

Giữa năm 1981, ở xã Strung Treng có một ông già sốt cao tưởng không qua khỏi. Anh Đoàn biết chuyện, tức tốc gọi quân y đơn vị đến nhà khám chữa bệnh cho ông, bàn bạc với anh em trong tổ công tác mang tặng gạo, cá, mắm. Niary, con gái 19 tuổi của ông lão quý anh ra mặt. Những lời thương nhớ theo những cánh thư gửi người lính tình nguyện về đơn vị. Chính cô cũng là người phát hiện lễ kết nạp đảng của Khơ me Đỏ cho hơn 200 tên trong rừng. Nhờ vậy, các anh đã tham mưu bắt gọn những tên này, không để chúng kịp phô trương thanh thế và hoạt động chống phá.

Gắn bó lâu dài với anh hơn cả là Thong-sẩy, nữ quân nhân Cục hậu cần, Quân khu Đông bắc Cam-pu-chia làm nghề phiên dịch cho trại tù binh. Từng trải qua nhiều gian khổ, cô gái đã muốn làm dâu Việt Nam dù biết rằng điều đó là không thể. Năm 1982, lúc này anh đã phục viên, Thong-sẩy qua Việt Nam nhận xăng dầu cho đơn vị và kết hợp thăm má con anh. Gần một tháng ở đây, hồn nhiên như cỏ cây, cùng gia đình chăm sóc vườn tược, đi chợ, nói chuyện tâm tình, cô làm cho mọi người trong thôn thêm đồng cảm về đất nước làng giềng chịu nhiều đau thương.

Được đề nghị làm Tỉnh phó Stung-treng

Những năm tháng làm quản giáo ở trại tù binh hay tham gia các tổ công tác nắm tình hình trên địa bàn Strung Treng, Đinh Đoàn nhớ nhất là kỷ niệm giúp dân. Người ở đây chỉ làm một vụ hè. Các anh đã giúp dân làm thêm vụ hè thu. Việc huy động đi làm mùa không phải dễ, nhưng anh kiên trì thuyết phục, bà con dần nghe theo. Anh sáng kiến chia làm hai phe. Bên bộ đội, bên nhân dân thi nhau cấy lúa, khí thế vui vẻ làm quân dân thêm gắn bó.

Vụ mùa năm đó, xã Đoàn Kết trúng to. Bà con thu hoạch cơ man lúa, đậu xanh, bắp, chất đầy nhà và sân. Đinh Đoàn nhờ biết tiếng, vận động các cháu đến trường học. Đêm đêm anh đến từng nhà kiểm tra các cháu học và bày cho các cháu theo kịp bài vở. Ngày Tết của bạn năm 1980, anh cùng bộ đội giúp dân sửa nhà, tổ chức nấu các bữa ăn ngon, vui chơi múa hát, niềm vui cứ dâng tràn sau nhiều năm dài không Tết.

Những việc làm của Thượng sĩ Đinh Đoàn được Bí thư Tỉnh ủy Thong-bay (nay đã về hưu) rất quý trọng và khen ngợi. Vị Bí thư này muốn người lính tình nguyện Quảng Nam ở lại làm việc lâu dài với cương vị Tỉnh phó Strung Treng. Đoàn trưởng Dương Minh Đáng giao cho anh toàn quyền quyết định. Phía đơn vị cũng đã có ý định phong anh lên Thiếu úy để tiếp tục con đường binh nghiệp. Tuy nhiên, thương mẹ già vò võ đợi con gần chục năm, Đinh Đoàn đã phục viên về quê hương. Anh tích cực tham gia Hội Cựu chiến binh (CCB) và các hoạt động của địa phương.

Những ngày này, khi hai nước kỷ niệm 35 năm quân tình nguyện Việt Nam giúp bạn lật đổ chế độ tàn bạo Pôn-pốt, CCB Đinh Đoàn lại bồi hồi nhớ về những người bạn Cam-pu-chia mà anh từng gắn bó. Anh hát một bài dân ca xứ Chùa Tháp nghe cứ da diết. Tôi thầm nghĩ, thảo nào, các cô gái bên đó cứ mê anh…

Theo QĐND

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang