Người Việt kể chuyện ăn Tết ở trời Tây với loạt phong tục độc lạ

author 10:02 13/02/2021

Lần đầu tham gia vào những tập tục, hoạt động chào đón năm mới ở nước ngoài, nhiều người Việt xa quê không khỏi lạ lẫm.

Nữ tiến sĩ Việt và những kỷ niệm đón năm mới khó quên ở Chi-lê

Chị Phương là tiến sĩ ngành sinh thái học môi trường, hiện đã kết hôn và sinh sống cùng chồng tại Pháp. Thời gian làm nghiên cứu sinh ở Pháp, chị kết thân với một người bạn đến từ Chi-lê.

Đặc biệt, khi sang Chi-lê làm nghiên cứu sau tiến sĩ, chị nhiều lần được đến chơi nhà người bạn thân và dần trở nên thân thiết với các thành viên trong gia đình. Từ đây, cô gái người Việt có cơ hội được biết đến, trải nghiệm nhiều nét văn hóa, bản sắc thú vị của người Chi-lê, nhất là trong dịp năm mới.

Trong 3 năm nghiên cứu ở Chi-lê, cứ mỗi dịp Tết, chị Phương lại ghé thăm nhà người bạn thân. Lần đầu tiên được trải nghiệm các hoạt động chào đón năm mới cùng gia đình người bản địa, cô gái Việt đã đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Cũng như truyền thống đón năm mới ở khắp nơi trên thế giới, các gia đình Chi-lê đều cố gắng sum họp, quây quần bên nhau trong thời khắc giao thừa. Vì Chi-lê nằm ở bán cầu phía Nam nên năm mới rơi vào mùa hè, thời tiết ấm áp rất thích hợp để tổ chức những bữa tiệc đêm ngoài trời.

"Người Chi-lê không cầu kỳ trong việc ăn uống, nhất là dịp năm mới vì muốn có nhiều thời gian để trò chuyện và nhảy múa hơn. Đàn ông cũng là những người trổ tài nấu nướng. Trong lúc chờ đồ ăn chín, mọi người cùng nhảy múa sôi động bên nhau.

Đồ uống ưa thích của người Chi-lê là vang đỏ và loại cocktail nổi tiếng Pisco Sour. Điệu nhảy truyền thống của đất nước là điệu Cueca, xuất phát từ điệu nhảy của các chàng cow-boy nơi đây. Mình đã được dạy điệu nhảy này và tiếp thu khá nhanh. Cả gia đình 3 thế hệ cùng nhảy múa bên nhau, nói cười rộn rã. Đó là kỉ niệm thú vị mà mình không bao giờ quên", chị Phương chia sẻ.

Sau tiệc nướng ngoài trời, cô gái Việt được thưởng thức món đậu lăng với ý nghĩa cầu một năm ấm no và may mắn. Ở Chi-lê, các loại đậu như đậu xanh, đậu đỏ, đậu lăng,… là những thực phẩm thiết yếu được yêu thích. Bởi vậy, những món ăn chế biến từ đậu cũng thường xuất hiện trong các bữa cơm tất niên của người dân nơi đây.

Họ quan niệm rằng, ăn một thìa đậu lăng sẽ mang đến nhiều tài lộc và sức khỏe. Vốn không thích ăn các loại đậu nên để "đánh lừa" vị giác, có thể ăn đậu lăng một cách vui vẻ, ngon lành trong đêm giao thừa, chị Phương đã kiêng ăn đậu cả tháng trước đó.

Đến gần thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, chị được trải nghiệm một tục lệ ấn tượng mà đến giờ vẫn chưa thể quên - đó là ăn 12 quả nho trong đêm Giao thừa. Người dân Chi-lê quan niệm, mỗi quả nho tượng trưng cho một tháng trong năm. Khi thời khắc giao thừa đến, tivi bắt đầu đếm ngược từ giây 12, mọi người liền ăn nho. Mỗi giây qua đi phải ăn hết một quả. Phải ăn thật nhanh và ngon miệng vì nếu khi thời khắc giao thừa đã điểm mà chưa ăn hết 12 quả nho thì bị coi là điềm gở.

Người tham gia phải chọn nho cẩn thận vì mỗi quả nho chua hay ngọt là điềm báo dự đoán 12 tháng tới sẽ diễn ra thế nào.

"Mình ít kinh nghiệm nên ăn khá chậm, chưa kịp nuốt thì tivi đã đếm giây khác nên càng về cuối, miệng càng đầy nho. Mình phải nuốt hết một lúc đúng giao thừa, nghẹn mặt đỏ tía tai. Ai nấy trong nhà đều cười lớn, trêu chọc", chị Phương nhớ lại.

Không chỉ trước và trong thời khắc chuyển giao mà khi qua 12 giờ còn có những hoạt động thú vị khác để chào đón năm mới. Kỉ niệm đáng nhớ nhất với chị Phương chính là trải nghiệm xách vali lên và đi… vòng quanh nhà sau giao thừa.

"Đây là tập tục mình thích nhất và bất ngờ nhất. Ban đầu mình nghĩ đơn giản là đi ngắm pháo hoa thôi nhưng cô bạn thân đã giải thích tục lệ này cho mình. Do không biết trước nên mình không mang theo balo, cô ấy đã đưa cho mình hẳn cái vali to oạch. Thế là nửa đêm, cả nhà cùng đổ ra đường với đủ loại vali, balo, túi xách lỉnh kỉnh, vừa đi vừa hát hò và đốt pháo bông.

Lúc đó thành phố cũng đang bắn pháo hoa, nhìn lên trời rất đẹp. Cái vali của mình phát ra tiếng kêu của bánh xe kéo trên đường, cảm giác như đang ở nhà ga hay sân bay vậy, rất thú vị. Những người hàng xóm cũng đổ ra đường, ai nấy gặp nhau đều vui mừng, ôm hôn thắm thiết", chị kể.

Trong những năm nghiên cứu tại Chi-lê, cô gái trẻ còn được biết đến nhiều hoạt động thú vị khác trước thềm năm mới như bỏ tiền vào giày, đặt nhẫn vào ly sâm-panh hay mặc đồ lót màu vàng trong đêm giao thừa,... để cầu bình an và may mắn.

Du học sinh Việt từ lạ lẫm đến "phát cuồng" món ăn đón năm mới ở Singapore

4 năm sinh sống và học tập ở Singapore, cô bạn Kiều Chinh (25 tuổi, đến từ Hải Phòng) thích nhất được thưởng thức những món ăn độc đáo chào đón năm mới tại đảo quốc sư tử. Đặc biệt là gỏi Yusheng (hay còn gọi là gỏi thịnh vượng) - món ăn hấp dẫn cô gái Việt ngay lần đầu từ nguyên liệu cho đến cách thưởng thức độc đáo.

"Khá giống với món nộm ở Việt Nam nhưng gỏi Yusheng còn có thêm nguyên liệu là cá hồi thái lát mỏng. Món ăn này thường xuất hiện trong những bữa tiệc hoặc mâm cỗ dịp năm mới ở Singapore.

Gỏi Yusheng gồm 7 loại nguyên liệu chính biểu hiện cho sự sinh sôi nảy nở và trường tồn như cá hồi với các loại rau tốt cho sức khỏe như đu đủ bào, khoai môn bào,… ", Kiều Chinh chia sẻ.

Gỏi Yusheng hay còn gọi là gỏi thịnh vượng.

Mỗi nguyên liệu xuất hiện trong món gỏi Yusheng cũng như các gia vị đi kèm đều mang những ý nghĩa riêng. Ví dụ như cá thể hiện cho sự phồn vinh, dư dả; bưởi mang đến phú quý, may mắn; dầu ăn - tiền vào như nước; cà rốt - đem lại vận đỏ; củ cải xanh - trường thọ, mãi mãi tuổi thanh xuân hay củ cải trắng có ý nghĩa làm ăn phát đạt, thăng tiến trong nghề nghiệp và phồng tôm ngụ ý tiền vào như nước…

Nước sốt làm nên món ăn đặc trưng của người dân Singapore trong ngày đầu năm mới là nước sốt mận và nước sốt ngũ vị hương, biểu hiện sự sung túc, hạnh phúc sum vầy.

Cách bày biện món gỏi này cũng hàm chứa thông điệp đầu năm mới. Lần đầu tiên được thưởng thức món ăn đặc biệt từ nguyên liệu đến cách chế biến, thưởng thức khiến cô bạn không khỏi thích thú.

"Mình được chủ nhà chia sẻ câu chuyện và những ý nghĩa xoay quanh món ăn này. Từng bước làm gỏi cũng có những ý nghĩa nhất định. Ví dụ như bước vắt chanh lên những miếng gỏi cá, biểu thị lời chúc đại phúc đại lợi.

Hay bước rắc dầu đậu nành vào đĩa, bày các nguyên liệu theo hình vòng tròn thể hiện sự thịnh vượng tăng lên vạn lần và tiền vào từ tất cả mọi hướng,... Sau khi xong các công đoạn thì cuối cùng là trộn đều các nguyên liệu và cùng ước cho sức khỏe dồi dào, vạn sự như ý", 9X kể.

Để thưởng thức gỏi thịnh vượng, các thành viên trong gia đình sẽ đứng quây quần thành hình tròn quanh bàn tiệc, dùng đôi đũa dài xới tung các nguyên liệu lên. Đồng thời cùng hô vang những câu chúc may mắn dành cho nhau trước khi ăn.

Thay vì trộn đều các nguyên liệu rồi bày ra mâm như món nộm ở Việt Nam thì cách thưởng thức món gỏi Yusheng có phần khác biệt hơn cả. Cùng những người dân thân thiện, hiếu khách, Kiều Chinh được biết đến, hiểu thêm về món ăn thú vị của người Singapore dịp đầu năm.

Cô cũng được "mách nước" rằng, người dân nơi đây thường tặng nhau những giỏ quýt vàng chín mọng trong năm mới. Quả quýt được coi là biểu tượng cho sự thịnh vượng, may mắn, phát tài tại quốc gia này. Người ta trao nhau những giỏ quýt đầy được trang trí công phu, bắt mắt với mong muốn mang đến thật nhiều niềm vui và hạnh phúc cho người đón nhận.

Ngoài ra, trong những ngày đầu năm thì tất cả các tặng vật đều phải "có đôi có cặp" tránh dùng lẻ vì họ quan niệm rằng những số lẻ là điềm không may.

Có cơ hội được trải nghiệm những tập tục đón năm mới ở đảo quốc sư tử, 9X Việt có thêm nhiều kỷ niệm đáng nhớ, lưu sâu vào tâm trí mình. Mỗi khi có dịp, cô bạn lại hào hứng kể cho gia đình, bạn bè nghe những câu chuyện độc đáo ở trời Tây.

Theo Dân trí

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang