Người Việt nghèo vì quá mê tín

author 06:59 08/02/2014

Vào dịp đầu năm, người Việt có truyền thống đi lễ Phật, lễ thánh để cầu tài lộc, bình an. Tại các đền, các phủ, con nhang đệ tử chuẩn bị ''lễ bạc lòng thành'' để xin lộc đầu năm cho may mắn, suôn sẻ. Một lễ hầu đồng tối thiểu cũng tốn kém vài triệu đồng, nhưng có người không ngại chi hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỉ đồng để “dâng Mẫu”.

Hầu đồng vốn là một tín ngưỡng dân gian gắn liền với tục thờ Mẫu có từ rất lâu đời ở Việt Nam. Trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử, ngày nay hầu đồng đã và đang trở thành một hiện tượng phổ biến ở các cửa đền, cửa phủ.

Chạy sô hầu đồng

Dạo một vòng quanh các cửa đền, cửa phủ ở Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nội... trong những ngày tháng giêng, dễ dàng gặp cảnh các thanh đồng xếp hàng chờ đến lượt được “trình đền mở phủ” đầu năm.

Thông thường, từ thời điểm đêm giao thừa đến Tết Thượng nguyên là các thanh đồng phải hầu xông đền, cung nghinh Phật-thánh. Sau đó, các quan thầy mới khai đền mở phủ cho các con nhang.

Thanh đồng có tiếng đất Hà thành Lê Văn Ngọc Đức - đồng đền Trung Tả (Khâm Thiên, Đống Đa) - cho biết, từ đầu năm, con nhang đệ tử đã đăng ký kín lịch hầu đồng. Các tháng giêng, tháng hai, tháng năm, sáu, bảy, tám là những tháng cao điểm. Trong tháng có 30 ngày thì ngày nào cũng “kín cung”.

hầu đồng ,  con nhang đệ tử ,  Phật ,  thánh ,  làm lễ đầu năm,  tấm lòng thành

Thanh đồng Lê Văn Ngọc Đức ở đền Trung Tả.

Theo thanh đồng này, từ khoảng mùng 9 tháng giêng trở đi là bắt đầu vào “guồng”. Có lúc, con nhang đăng ký bị trùng lịch nên có khi một ngày có tới 5 người hầu rải rác, bắt buộc thanh đồng phải tới mỗi nơi một chút, “gọi là có mặt kêu cầu một vài câu là trọn vẹn cho đệ tử.”

Mỗi lễ hầu đồng trung bình kéo dài khoảng 3 đến 5 giờ đồng hồ, nhưng cũng có khi kéo dài cả một ngày. Mô hình tổ chức một vấn đồng của thanh đồng Lê Văn Ngọc Đức là các con nhang đệ tử hỗ trợ nhau, gọi là bản hội. 

Đến đền, đến phủ có giọt dầu, nén nhang, có hòm công đức, mỗi người tự nguyện đóng góp để tôn vinh đạo Mẫu và chi phí liên hoan, ăn uống. 

Sô tiền dâng Mẫu thì tùy thuộc điều kiện của từng con nhang đệ tử. Người có nhiều thì dâng tiền triệu, người không có thì 5.000, 10.000. Thế nên, người nghèo nhất trong một năm cũng hầu được 2 lần.

Xa hoa hàng tỉ đồng để “phục vụ thánh”

Nghi lễ hầu đồng chứa đựng một di sản về văn học, âm nhạc, vũ đạo, mỹ thuật, kiến trúc, lễ hội dân gian và nghệ thuật trình diễn... vô cùng lớn lao. Tuy nhiên, ngày nay, nghi lễ này đang bị biến dạng, méo mó, bị lạm dụng trở thành trò mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh trong một bộ phận thanh đồng và con nhang, đệ tử.

Theo thanh đồng Lê Văn Ngọc Đức, người làm thầy phải sống trước ơn nhờ Phật thánh, sau là nhờ con nhang đệ tử. Con nhang đệ tử làm ra thì biếu thầy chứ thầy không được ép buộc.

Tuy nhiên, hiện nay, có một số người lạm dụng nghi lễ hầu đồng để khoe sự giàu sang, phú quý, kéo theo một guồng quay của xã hội đua đòi lẫn nhau. Đồ lễ cho một vấn đồng chỉ cần đầy đủ nhang, đăng, trà, quả, thực. Thánh chỉ chứng giám tấm lòng thành, không phải cứ lễ vật nhiều là thánh “độ”.

Ông Đức chia sẻ: “Nhiều người làm cán bộ viên chức, lương tháng ba cọc ba đồng, nhưng ốm đau nên nóng lòng giải quyết nhu cầu tâm linh, cầu mong bình an sức khỏe nên cũng không ngại bỏ tiền làm lễ hầu bóng.”

Thanh đồng này cũng cho biết, để lo một vấn đồng theo mặt bằng chung là quá tốn kém. Chi phí một lễ đơn giản, tối thiểu nhất cũng mất vài triệu đồng. Có người còn chơi sang hầu vài trăm triệu, hàng tỉ bạc một vấn đồng.

Là một thanh đồng có uy tín ở Hà Nội, ông Đức bày tỏ lo ngại, hiện nay tình trạng đồng thầy “buôn thần bán thánh” rất phổ biến, lợi dụng tham vọng của con nhang đệ tử để kiếm tiền. Giờ không phải như ngày trước, người có căn số mới làm thầy mà là học hỏi, đua nhau làm thầy, làm tiền của con nhang đệ tử.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang