Người Việt tự đầu độc nhau vì chất cấm trong thực phẩm được 'cho không', 'biếu không'

author 14:56 27/04/2016

(VietQ.vn) - Sở dĩ tình trạng đầu độc thực phẩm bẩn vẫn diễn ra vì nhiều người tìm cách dụ dỗ các hộ chăn nuôi, coi chất cấm như món quà để biếu, tặng, cho – xin.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, trong tháng 4/2016 vừa qua, lần đầu tiên cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy lợn có chất cấm của một trang trại tại tỉnh Tiền Giang vì đã tái phạm lần thứ 3. Hình thức này sẽ được áp dụng cho các lò mổ.

Mặc dù, các cơ quan chức năng có rất nhiều nỗ lực trong việc quản lý và ngăn chặn nhưng tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện vẫn đang diễn ra phức tạp tại Việt Nam.

Chia sẻ về vấn đề phức tạp này, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp) cho biết: “Người dân cứ tin tưởng rằng: Với những công ty lớn đã cam kết thì trong thức ăn chăn nuôi của họ hoàn toàn không có chất cấm. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải kiểm soát những trường hợp dụ dỗ, coi chất cấm như món quà để biếu, tặng, cho - xin”.

Ông Vân giải thích thêm: Các chất cấm hiện nay trên thị trường được phát hiện ít, chủ yếu họ lén lút sử dụng dưới dạng “cho không” hoặc kết hợp với người chăn nuôi để người ta sử dụng trái phép.

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục chăn nuôi. Ảnh: Kiều Oanh.

“Chẳng hạn, “tôi sẽ mua lợn cho…” là cuộc trao đổi ngầm giữa người chăn nuôi và người buôn bán sử dụng chất cấm thông qua các hình thức: Dùng chất cấm như món quà dụ dỗ, biếu, tặng hay yêu cầu người chăn nuôi phải đưa chất cấm vào thì mới được “ưu ái””, ông Vân chỉ ra những gian lận của các thương lái.

Để giải quyết tận gốc việc này, ông Vân bày tỏ quan điểm: Tất cả các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đều phải cam kết trước nhân dân và trước chính phủ, các cơ quan Trung ương “không có chất cấm trong chăn nuôi”.

Theo thông tư mới đây nhất, khi phát hiện ra vi phạm những lò mổ phải tiến hành tiêu hủy theo đúng quy định của pháp luật, tránh trường hợp phải đến lần thứ 2, thứ 3 mới xử lý.

“Chúng ta phải mạnh tay xử lý theo quy định của pháp luật đối với tất cả những hành vi vi phạm, vừa là để ngăn chặn, vừa là để tính chất răn đe đối với những người đang có xu hướng muốn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi”, ông Vân chia sẻ

Ông Vân cũng khuyến cáo: Nếu người dân phát hiện hoặc nghi vấn đường dây nào nhập lậu chất cấm trong chăn nuôi để mang về Việt Nam tiêu thụ có thể bí mật báo cáo với các cơ quan chức năng để phối hợp cùng với các cơ quan của Trung ương tiến hành xử lý.

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho hay, với hàng loạt cuộc thanh, kiểm tra diễn ra trên cả nước, với sự vào cuộc của C49 – Bộ Công an trong vòng 7-8 tháng qua, đến nay, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã được khống chế.  

Cụ thể, trong năm 2015, việc sử dụng chất cấm được phát hiện ở hầu hết các lĩnh vực: thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và trong các cơ sở chăn nuôi trang trại lớn… Điển hình là khu vực các tỉnh phía Nam trong 10 tháng đầu năm 2015: Đồng Nai đã phát hiện 109/654 mẫu nước tiểu lợn dương tính với chất Salbutamol (chiếm 16,7%), TP. HCM 95/516 (chiếm 18,4 %),  (Đăk Nông 3/54 (5,6 %), Tây Ninh 5/9 (55,5 %), Tiền Giang 35/525 (chiếm 6,7 %)  và Vĩnh Long 6/68 mẫu (chiếm 8,8 %)… Nồng độ chất Salbutamol trong các mẫu nước tiểu vật nuôi rất cao, đa số là trên 200 ppb, có mẫu lên tới 665ppb.

Tuy nhiên, sau các đợt kiểm tra cao điểm, số trường hợp vi phạm đã giảm hẳn. Cụ thể, đến cuối năm 2015, số cơ sở thức ăn chăn nuôi vi phạm chỉ còn 1,3 % so với 5,3% các tháng đầu năm; số mẫu nước tiểu vi phạm chỉ còn 6,1 % so với 16,2% các tháng đầu năm.

Mặc dù số vụ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã giảm đáng kể, tuy nhiên theo nhận định của một số chuyên gia, tình trạng chất cấm vẫn còn sử dụng dưới hình thức tiềm ẩn, lén lút, không công khai.

>> Thủy ngân cực độc trong không khí ở Hà Nội: Thường xuất hiện ở đâu?

 Kiều Oanh


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang