Nguy cơ trẻ nhỏ bị nhiễm trùng, viêm loét vì tắm lá dại trị mẩn ngứa

authorThanh Nhàn 09:30 23/06/2018

(VietQ.vn) - Thấy trẻ bị rôm sảy, nổi mẩn ngứa, nghe lời truyền miệng nhiều phụ huynh liền cho con tắm lá dại mà không lường hết được độc tính có thể gây ra với cơ thể bé.

Mùa nắng nóng cao điểm, nhiều trẻ nhỏ xuất hiện trình trạng mụn nhọt, mẩn đỏ trên da. Nghe lời truyền miệng nhiều phụ huynh tìm các loại lá như bồ công anh, kinh giới, hương nhu, hạt mùi, cây hoa ngũ sắc, rau chân vịt, cây sài đất, nước chanh… thậm chí là nhiều lá dại không rõ đặc tính về đun tắm cho con dẫn đến viêm da dị ứng, lở loét, nhiễm trùng nghiêm trọng.

Mới đây là trường hợp một bệnh nhi 2 tuổi ở Bắc Giang nhập viện trong tình trạng sốt cao kèm nổi bọng nước toàn thân, mụn nước bị loét dày đặc ở vùng mặt, mắt tiết nhiều dịch đục bẩn, mi mắt sưng nề, tai bọng nhiều mủ. Qua thăm khám, bác sĩ nhận định bé bị hội chứng bong vẩy da do tụ cầu và nhiễm trùng nặng cần nhập viện điều trị viêm, truyền dịch.

Được biết, bé bị nổi vài nốt mẩn đỏ nhiều ngày trước, gia đình đã lấy lá thuốc các loại tắm cho bé. Khi nhận thấy tình trạng viêm loét mưng mủ ngày càng tăng thì mới cho đi viện.

Sử dụng các loại lá không rõ đặc tính để tắm cho trẻ có thể làm trầm trọng bệnh

 Sử dụng các loại lá không rõ đặc tính để tắm cho trẻ có thể làm trầm trọng bệnh. Ảnh minh họa

Theo bác sĩ Đỗ Bích Phượng, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh cho biết, hội chứng bong vẩy da do tụ cầu là bệnh nhiễm trùng da cấp tính, gây nổi mẩn đỏ, bọng nước. Trong trường hợp bệnh nhi này, việc tắm các loại lá không rõ đặc tính hay tác dụng của lá có thể làm trầm trọng bệnh, gây ra tình trạng lở loét, nhiễm trùng, nhiễm độc, nặng nhất là nguy cơ nhiễm trùng màu, thậm chí đe dọa tính mạng trẻ.

Thực tế cho thấy, chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng các loại nước lá có khả năng chữa bệnh ngoài da. Việc thường xuyên sử dụng các loại lá để tắm cho trẻ mỗi khi bị rôm sảy, mẩn ngứa có thể khiến bệnh trở nặng hơn. Đặc biệt, với làn da rất nhạy cảm của trẻ, bất cứ một hóa chất hay tác dụng sinh học nào cũng có thể khiến da bé bị ngứa rát, phồng rộp. Chưa kể, nhiều loại lá cây mọc ở bờ bụi, ven đường, bờ ruộng bị nhiễm khuẩn, có thuốc bảo vệ thực vật rất khó rửa sạch, kể cả khi đun sôi vẫn không diệt hết mầm bệnh, sẽ gây nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao cho bé.

Các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh cần hết sức chú ý giữ về sinh da cho trẻ, nhất là trong mùa nắng nóng, độ ẩm tăng cao. Ở trẻ em, do da mỏng, sức đề kháng yếu hơn, chưa thích ứng được với những thay đổi đột ngột của môi trường nên càng dễ bị vi khuẩn tấn công..

Trẻ có thể mù lòa vì mẹ dùng 'bừa bãi' các mẹo chữa bệnh dân gian (VietQ.vn) - Dùng sữa mẹ, chanh, thậm chí là nước lá trầu không… nhỏ vào mắt trẻ để trị bệnh đau mắt là những phương pháp phản khoa học và rất nguy hiểm.

Cha mẹ nên tắm rửa cho trẻ bằng các loại sữa tắm chuyên dụng. Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, chất liệu cotton, hạn chế cho bé ra nắng và giữ nhiệt độ phòng mát mẻ. Không cho trẻ ăn nhiều đồ nóng, không lạm dụng các loại kem dưỡng ẩm vì có thể gây bít lỗ chân lông khiến tình trạng viêm trầm trọng hơn. Thường xuyên cắt giũa móng tay cho trẻ tránh tình trạng trẻ tự cào xước da dẫn đến vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.

Khi trẻ bị rôm sảy, mẩn đỏ, nhiều cha mẹ nghĩ tắm nước lạnh sẽ giúp bé bớt nóng và ngứa. Tuy nhiên, nước lạnh sẽ làm lỗ chân lông trên da co lại, gây tắc nghẽn tuyến mồ hôi và làm rôm sảy nghiêm trọng hơn. Trường hợp bé xuất hiện nhiều nốt mẩn ngứa, mụn nhọt, bọng nước cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Thanh Nhàn (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang