Nguy hại "bia cỏ” đội lốt bia Hà Nội

author 09:57 28/05/2014

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia đánh giá, "bia cỏ" có thể chứa độc tố như aldehyd, diaxetyl… gây rất nhiều nguy hại cho người sử dụng.

"Bia cỏ” đội lốt bia Hà Nội vào thị trường

Đến quán bia mới thấy được không khí đông vui và thấy được nhu cầu uống bia rượu của người Hà Nội cao đến mức nào. Nắm bắt được nhu cầu đó của khách hàng, nhiều chủ quán đã đầu tư mở rộng mặt bằng, treo biển khuyến mại để thu hút khách hàng.

"Bia cỏ" đang đội lốt bia Hà Nội bán trên thị trường

Anh Đoàn Đức, ở Cầu Diễn, một “tín đồ” của bia hơi và khách ruột của quán bia trên đường Lê Đức Thọ, Hà Nội khẳng định: “Chỉ uống ở một số nhà hàng lớn thì thấy ngon, ngoài ra thì hầu như các quán bia hơi đều có những mánh khoé riêng để pha thêm “bia cỏ” cho khách. Lúc thực khách mới vào nhà hàng có thể phục vụ bia “xịn”, nhưng khi khách đã “biêng biêng” thì nhà hàng bắt đầu pha “bia cỏ” vào”.

"Nhưng mà bia hơi Hà Nội được đóng bom trong dây chuyền khép kín, không thể mở ra mà pha bia khác vào được?", tôi thắc mắc. “Bọn họ không phải pha vào bom, mà pha thẳng vào cốc kia. Cứ nửa nọ, nửa kia cho khách quen, còn hai phần ba bia "cỏ” cho khách không quen", bạn tôi lý giải.

Nguy hại chất lượng "bia cỏ” bị bỏ ngỏ

Cả nước có hàng 1000 cơ sở sản xuất bia lớn nhỏ trong đó nhiều nơi có quy mô lớn với nhiều dây chuyền sản xuất hiện đại. Số liệu kiểm tra năm 2004 của Trung tâm Y tế Hà Nội trên 86 cơ sở sản xuất bia: Chỉ có 66,9% cơ sở sản xuất bia đạt chỉ tiêu chất lượng công bố, 37 cơ sở không đạt vệ sinh ngoại cảnh, 46 cơ sở không đạt vệ sinh dụng cụ, 43 cơ sở không đạt vệ sinh cá nhân, 11 cơ sở không đạt vệ sinh thực phẩm.

Cùng một thứ hoa hublong, cùng làm bằng lúa đại mạch, nhưng thêm những phụ gia gì là một chuyện. Tỷ lệ ra sao, cách ủ men thế nào, lại là chuyện khác, làm nên các gu bia khác nhau. Ngoài ra còn phải kể đến nguồn nước, thành phần chủ yếu làm nên bia.

Lạc quan với bia “nhà máy” bao nhiêu thì lại lo về “bia cỏ” bấy nhiêu. Ngoài hai thương hiệu nổi tiếng là Hà Nội và Việt Hà, ở Hà Nội còn có rất nhiều cơ sở sản xuất bia tư nhân theo kiểu thủ công.

Những cơ sở này tiêu thụ mỗi ngày gần 50.000 lít. Tiêu thụ thứ “bia cỏ” ấy là những quán vỉa hè, cơm bình dân. Sang tỉnh khác, chúng được dán mác “bia hơi Hà Nội nguyên chất”.

Công nghệ sản xuất bia của từng “hãng” ít được tiết lộ cho người ngoài, có lẽ là vì bí kíp. Chiểu theo quy định kỹ thuật tiêu chuẩn Việt Nam, theo một quan chức ở Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP), đại mạch, hoa houblon, nấm men bia, những nguyên liệu chính để làm bia, đều phải đảm bảo các tiêu chuẩn riêng. Nước hiển nhiên phải là nước tinh khiết. Nhưng dường như chỉ các nhà máy bia với quy mô sản xuất lớn mới đầu tư công nghệ hiện đại và đảm bảo vệ sinh.

Một chủ xưởng “bia cỏ” tiết lộ, nguồn nước làm bia được lấy từ giếng khoan, lọc sơ rồi cho vào ủ men luôn. Trong nhà máy, bia được ủ men ít nhất nửa tháng. Chủ “bia cỏ” bảo “bia cỏ” ủ 3-4 ngày là xong, chưa xử lý hết methanol và các rượu bậc cao vốn rất độc hại. Chưa kịp lên bọt, chúng được sục CO2 cho có bọt. Cũng sánh vàng, bọt sủi tăm tắp. Uống vào mới thấy vị đắng, dễ nhức đầu, dễ say.

Theo hiệp hội các nhà sản xuất rượu-bia-nước giải khát Việt Nam, “bia cỏ” chiếm 30% thị phần kinh doanh bia cả nước. Một quan chức của hiệp hội minh hoạ, cứ 10 người uống bia có tới ba người chuyên xài “bia cỏ”. Ông cảnh báo, với chất lượng bia thả nổi như hiện nay, 30% số khách nhậu luôn đứng trước nguy cơ bị đe doạ về sức khoẻ.

"Bia cỏ " đội lốt bia Hà Nội chứa nhiều độc tố

Giải thích lý do bia gây đau đầu, mệt mỏi sau khi uống bia, PGS Thịnh cho biết thực chất nguyên nhân gây đau đầu đó là chất diaxetyl. Trong bia cỏ, chất này có hàm lượng cao nên gây nhiều nguy hại.

"Bia cỏ" đội lốt bia Hà Nội chứa nhiều độc tố

Diaxetyl là một loại chất độc tự sản sinh ra trong quá trình biến đổi sinh hóa khi lên men. Chất này có nồng độ khá lớn trong những ngày đầu lên men nhằm tạo ra hương thơm cho bia và giảm dần vào các ngày sau đó. Những nhà sản xuất bia thường đảm bảo để cho các chất này giảm dần theo thời gian hay còn gọi là ngày ủ men bia.

Tuy nhiên, trong bia cỏ, ngày nay thường bị người làm bia cắt ngắn, không đảm bảo đủ quy trình nên chấy diaxetyl vẫn còn lại trong nước bia. Khi uống phải chất này, người uống cảm thấy đau đầu.

Không chỉ rút ngắn thời gian lên men bia, bia cỏ còn được thay đổi công thức nguyên liệu. Ví dụ bia phải làm từ mạch thì người ta thay bằng nguyên liệu gạo, ngô, sắn… Chính các thành phần này làm cho bia cỏ không thể có chất lượng, mùi vị và màu đẹp như bia nhà máy.

Hơn nữa, trang thiết bị, công nghệ không đảm bảo quy chuẩn cũng khiến cho nhiệt độ không ổn định, lên xuống thất thường cũng là một nguyên nhân gây nên các độc tố như diaxetyl và aldehyde cao khi ra bia thành phẩm.

Sử dụng men công nghiệp còn gây ảnh hưởng đến nồng độ cồn metylic. Đây là cồn có trong rượu công nghiệp có thể gây ngộ độc nhưng ở bia lượng cồn thấp hơn rượu thường các bia cao nhất chỉ 5% độ cồn, không gây ngộ độc cấp tính, song có thể gây ngộ độc trường diễn.

Ông Nguyễn Cao Hoằng, Giám đốc Trung tâm phát triển Kỹ thuật Công Nghệ - Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam cho biết, để đảm bảo quy trình công nghệ, sản xuất bia phải đủ thời gian lên men qua hai giai đoạn là lên men chính (lên men thành phần nguyên liệu) và lên men phụ (thời gian lên men để khử độc và ổn định chất lượng bia). Nhiệt độ lên men khoảng từ 2 - 8 độ C và ổn định trong suốt quá trình lên men cũng quyết định chất lượng bia.

Tuy nhiên, trong sản xuất gia công thời gian lên men thường bị rút ngắn đi rất nhiều, đặc biệt là thời gian lên men phụ không đủ để khử hết các độc tố gây đau đầu, mệt cho người tiêu dùng.

Linh Nguyễn (th)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang